Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đề nghị gia hạn áp dụng biện pháp chống bán phá giá túi nhựa với mức áp thuế từ 76,11% đến 122,88%, thuế cho sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam là 76,11%.
Mỹ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá 76,11% đối với sản phẩm túi nhựa từ Việt Nam. |
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng trong vụ việc rà soát cuối kỳ biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm túi nhựa (PE) đựng hàng hóa bán lẻ (Polyethylene Retail Carrier Bags, mã HS: 3923.21.0085) nhập khẩu từ Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.
Trong kết luận này, DOC cho rằng việc dỡ bỏ mức thuế chống bán phá giá sẽ dẫn đến khả năng sản phẩm tiếp tục hoặc tái diễn bán phá giá.
Do đó, DOC đề nghị gia hạn áp dụng biện pháp chống bán phá giá với mức thuế áp dụng cho các nước bị điều tra từ 76,11% đến 122,88%, trong đó mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam là 76,11%.
DOC khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam vào năm 2009 và áp dụng biện pháp chống bán phá giá từ năm 2010 với thời gian áp thuế là 5 năm (mức thuế chống bán phá giá toàn quốc đối với Việt Nam là 76,11%).
Biện pháp đã được gia hạn một lần vào năm 2016.
Các nhà xuất khẩu mới của Việt Nam (nếu có) cần liên hệ với DOC trước khi xuất khẩu để được tính toán mức thuế chống bán phá giá riêng, nếu không sẽ phải chịu thuế toàn quốc.
Đồng thời, doanh nghiệp có thể liên hệ với Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương để được hỗ trợ kịp thời.
Theo Bộ Công Thương, việc tăng xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ là tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nhưng cũng có những nguy cơ khi một số mặt hàng xuất khẩu Việt Nam sang thị trường này tăng mạnh, có thể tiếp tục gây nghi ngờ cho phía Mỹ về các vấn đề liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại.
Được biết, Mỹ đã triển khai nhiều chính sách bảo hộ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu, trong đó tăng số vụ điều tra chống bán phá giá và trợ cấp.
Chỉ tính riêng trong năm 2020, Mỹ đã tiến hành điều tra 7 vụ (năm 2017 có 4 vụ, 2018 có 3 vụ, năm 2019 có 5 vụ), hầu hết các vụ Mỹ điều tra cùng với các quốc gia khác, không hướng tới chỉ riêng Việt Nam như các vụ kiện doanh nghiệp của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…