Cơn sốt giá điên cuồng đã lan tới nhựa tái chế: Tăng 2 lần chỉ trong vòng một năm

Cơn sốt giá điên cuồng đã lan tới nhựa tái chế: Tăng 2 lần chỉ trong vòng một năm

Chỉ trong vòng một năm qua, giá của loại nhựa tái chế phổ biến nhất đã lên đến mức kỷ lục (tăng gấp đôi so với năm trước). Nguyên nhân chính của đợt tăng giá này là nguồn cung nhựa tái chế giảm đã khiến cho các công ty sản xuất đồ uống và hàng tiêu dùng có nguy cơ không đảm bảo được mục tiêu kinh doanh đặt ra.

Theo dữ liệu của ICIS, so với tháng 1/2021, giá thành của mảnh nhựa polyethylene terephthalate (PET) ở châu Âu đã tăng 103% lên mức 1.690 euro/tấn.. Loại nhựa này sẽ được các nhà sản xuất hàng gia dụng, thực phẩm, đồ uống và may mặc dùng để tái chế.

ICIS còn cho biết giá chai lọ đã qua sử dụng được đóng kiện dùng để sản xuất các mảnh nhựa vụn thậm chí còn tăng gấp hơn ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhựa tái chế của Mỹ cũng tăng vọt.

Vào tuần trước, giá nhựa PET tái chế đã vượt qua mức giá nhựa PET sản xuất mới, do nhu cầu của thị trường đối với những sản phẩm đã qua sử dụng lớn hơn so với mức tăng giá của các nguyên liệu hóa thạch để sản xuất nhựa mới hoàn toàn.

Càng ngày các nhà sản xuất đồ uống càng chú ý hơn đến đồ nhựa sử dụng một lần, đặc biệt là kể từ khi David Attenborough cho ra mắt bộ phim tài liệu Blue Planet II vào năm 2017. Bộ phim đã cho hàng triệu người xem thấy được tác hại của ô nhiễm nhựa đối với môi trường. Vỏ chai của những công ty này cũng là những nguyên liệu chính cho nhựa PET tái chế.

Các tập đoàn như Coca-Cola, PepsiCo, Nestlé, Keurig Dr Pepper và Danone đều đang hướng đến mục tiêu sử dụng ít nhất 25% nguyên liệu tái chế để sản xuất bao bì sản phẩm của họ vào năm 2025 nhằm đáp ứng các yêu cầu của EU. Một số công ty còn đặt mục tiêu cao hơn nhiều.

Nhà phân tích cấp cao về tái chế nhựa của ICIS - bà Helen McGeough, cho biết nguồn cung hạn chế và giá thành cao đang làm chậm quá trình thực hiện mục tiêu của các công ty. "Các dự án đang tiếp tục diễn ra và việc tăng cường sử dụng nhựa tái chế đã bị chậm lại. Đó là những gì các nhà cung cấp đã nói với chúng tôi."

Nhà tư vấn về phát triển bền vững Sue Garrard cho biết: "Nguồn cung PET tái chế không đáp ứng được nhu cầu bởi vì ngành này không thể mở rộng quy mô kịp thời, mặc dù các công ty đang phát đi tín hiệu mua mạnh mẽ".

Vào tháng trước, ba tập đoàn công nghiệp sản xuất đồ uống không cồn đã kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) cho họ quyền ưu tiên tiếp cận với chai lọ tái chế trước các lĩnh vực khác, ví dụ như quần áo.

Nestlé - công ty sản xuất các nhãn hiệu nước đóng chai (trong đó có nhãn hiệu Perrier) - cho biết: "Nếu các nhà sản xuất đồ uống có quyền ưu tiên tiếp cận nguyên liệu tái chế, chúng tôi mới có thể tăng được hàm lượng nguyên liệu tái chế trong bao bì của vòng đời sản phẩm kế cận, khi đó sản phẩm của chúng tôi mới có đủ khả năng lưu thông trên thị trường. "

Tập đoàn thương mại UNESDA Soft Drinks Europe cho biết: "Nếu không có các cơ chế pháp lý thích hợp, ngành sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện mục tiêu."

Giám đốc phát triển bền vững của công ty PepsiCo - ông Jim Andrew cho biết công ty đang đẩy mạnh mục tiêu sử dụng 100% nhựa tái chế để sản xuất "các sản phẩm chủ chốt mang thương hiệu Pepsi" tại 11 thị trường châu Âu.

Ông nói: "Chúng tôi đang phấn đấu để thực hiện mục tiêu: Đến năm 2025, 100% các loại bao bì sản phẩm của chúng tôi đều có thể dùng để tái chế, có khả năng phân hủy hoặc tái sử dụng. Và rõ ràng việc thu hồi và tăng khả năng tái chế nhựa PET đòi hỏi khung chính sách pháp lý thích hợp và cơ sở hạ tầng phải được cải thiện".

PepsiCo cho biết công ty con của họ là SodaStream là một mô hình kinh doanh sử dụng những bình chứa có khả năng tái sử dụng. Đây là loại sản phẩm được các tổ chức bảo vệ môi trường khuyến khích sử dụng vì nó có thể giải quyết vấn đề về rác thải bao bì và khí thải tốt hơn so với các sản phẩm bình thường.

Ở châu Âu, một số quốc gia đang lên kế hoạch thực hiện các chương trình hoàn tiền bao bì nếu khách hàng đem trả lại cho hãng các chai nhựa đã qua sử dụng. Trong khi đó, một số nước chẳng hạn như Đức đã và đang thực hiện chương trình này. Một số quốc gia, (trong đó có cả Vương quốc Anh) cũng đang yêu cầu các nhà sản xuất phải tăng cường trách nhiệm, khiến cho các công ty buộc phải đầu tư nhiều hơn vào các dịch vụ tái chế xử lý rác thải bao bì.

Nhưng Garrard cảnh báo rằng những kế hoạch này sẽ có những hạn chế bởi lĩnh vực này có biên lợi nhuận hẹp. Cô cho biết: "Câu hỏi đặt ra là, các quy tắc của nền kinh tế tuần hoàn (trong mô hình kinh tế này các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đều phải đảm bảo mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ những tác động tiêu cực đến môi trường) sẽ hiệu quả đến đâu. Vì chúng ta đang cố gắng giải quyết vấn đề về bao bì, và có rất nhiều loại bao bì trong số đó vốn dĩ đã phù hợp với thị trường có số lượng sản phẩm lớn và tỷ suất lợi nhuận thấp."

Ông Sander Defruyt - người đứng đầu sáng kiến Nền kinh tế Nhựa Mới (New Plastics Economy) của Quỹ Ellen MacArthur - cho biết việc đẩy mạnh hàm lượng tái chế trong bao bì các loại đồ uống và các sản phẩm khác sẽ trở nên "khó khăn hơn qua từng năm" nhưng những tiến bộ gần đây là "chưa từng có và cao hơn nhiều so với các năm trước."