“Tân binh” của HoSE gây ấn tượng ngay ngày đầu ra quân
Sáng ngày 21/08/2017 tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE), CTCP Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê đã nhận được quyết định niêm yết và chào mừng ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu của Công ty trên HoSE.
Công ty có mã chứng khoán là PLP với 15 triệu cổ phiếu được niêm yết. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 12.000 đồng/CP. Như vậy, giá trị vốn hóa thị trường của Nhựa Pha Lê (PLP) vào khoảng 180 tỷ đồng.
Sau khi chào sàn, cổ phiếu Nhựa Pha Lê (PLP) đã ghi nhận mức tăng kịch trần lên 14.400 đồng/CP với khối lượng dư mua giá trần trên 1,7 triệu đơn vị. Trong ngày đầu tiên chính thức giao dịch, cổ phiếu PLP có biên độ dao động là ±20% so với giá tham chiếu.
Được thành lập năm 2008, khởi điểm từ một doanh nghiệp khai khoáng, chế biến đá trắng tại Quỳnh Hợp (Nghệ An), đến nay Nhựa Pha Lê (PLP) là đơn vị duy nhất tại Việt Nam khép kín quy trình sản
xuất từ khai thác nguyên liệu đá CaCO3 nghiền để chế biến bột siêu mịn CaCO3 cho đến sản phẩm hoàn thiện là hạt nhựa CaCO3 Filler Masterbatch. Nhựa Pha Lê (PLP) hiện đang được xây dựng với tầm nhìn trở thành một nhà máy sản xuất và phân phối Filler Masterbatch lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Năm 2015, Nhựa Pha Lê (PLP) đã hoàn thiện lắp đặt dây chuyền sản xuất 150.000 tấn bột đá siêu mịn CaCO3. Cuối năm 2016, Nhựa Pha Lê (PLP) đã hoàn thiện lắp đặt đi vào sản xuất 4 dây chuyền sản suất hạt nhựa Filler Masterbatch, đưa doanh thu năm 2016 của Nhựa Pha Lê tăng gấp 4 lần so với năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Nhựa Pha Lê (PLP) đạt doanh thu 146 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với doanh thu cả năm 2016 với lợi nhuận trước (và sau) thuế đạt 24,45 tỷ đồng.
Filler Masterbatch - Sản phẩm chiến lược của PLP
Filler Masterbatch là hạt phụ gia ngành nhựa, hợp chất phụ gốc CaCO3 được ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp nhựa để thay đổi đặc tính cơ lý và độ cứng của nhựa nền hoặc nhựa polyme. Việc phối trộn ở nhiệt độ cao trên dây truyền cộng nghệ hiện đại giữa polyolefin với Calcium Carbonate siêu mịn cho ra các sản phẩm fillermasterbatch có rất nhiều ứng dụng trong nghành công nghiệp nhựa, làm giảm giá thành sản phẩm và gia tăng giá trị tài nguyên đá CaCO3.
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, trong hơn 2 năm trở lại đây, Nhựa Pha Lê (PLP) đã chuyển dịch hoạt động từ khai thác và bán nguyên liệu thô là đá CaCO3 sang sản xuất sản phẩm cuối cùng là hạt nhựa Filler Masterbatch. Hiện tại, hạt nhựa Filler Masterbatch có giá bán cao gấp 6 lần giá sản phẩm bột đá, cao gấp 10 lần sản phẩm đá CaCO3 truyền thống.
Nhựa Pha Lê (PLP) đã đầu tư 4 dây chuyền sản xuất hạt nhựa đạt công suất thiết kế là 4.000 tấn/tháng. Dự kiến, Nhựa Pha Lê (PLP) sẽ tiếp tục nâng công suất vào cuối năm 2017, lên hơn 9.000 tấn/tháng.
Filler Masterbatch đang là “mỏ vàng” của PLP
Theo ông Dương Quang Thắng - Tổng giám đốc CTCP Sản xuất và Công nghệ Nhựa Pha Lê, ngành nhựa là một trong những ngành tăng trưởng cao của thế giới, đạt mức trung bình 9%/năm, riêng tại Việt Nam tốc độ tăng trưởng là 15%/năm. Với định hướng kinh doanh của Nhựa Pha Lê (PLP) trong thời gian tới, sản phẩm hạt nhựa Filler Masterbatch sẽ tiếp tục mở rộng thị trường tại khu vực châu Mỹ, châu Âu, châu Úc, châu Á... đặc biệt là Trung Quốc.
Cũng theo ông Thắng, sau khi lên sàn Nhựa Pha Lê (PLP) sẽ có nhiều cơ hội hợp tác cũng như tìm kiếm các đối tác chiến lược, để ngoài việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu vốn là lợi thế, Công ty cũng đang hướng đến việc phát triển thị trường nội địa. Thực tế, với sản lượng đạt ngưỡng 900.000 tấn, hiện nay nguồn cung nguyên liệu nhựa mới chỉ đáp ứng được 20-25% nhu cầu trong nước. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất phụ liệu ngành nhựa như Nhựa Pha Lê (PLP) gia tăng thị phần, phát triển thương hiệu.