“Chiến tranh thương mại Mỹ Trung: Tương lai của doanh nghiệp sản xuất?”.

Sáng nay, ngày 23/11/2018, Hiệp hội Nhựa Việt Nam đã tham gia buổi hội thảo “Chiến tranh thương mại Mỹ Trung: Tương lai của doanh nghiệp sản xuất?”. Với sự góp mặt của ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện là thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Võ Minh Nhựt, Tổng Giám đốc NS BlueScope.

Ông Trần Đình Thiên đã chia sẻ cái nhìn tổng quan về chiến tranh thương mại Mỹ Trung, những tác động đến nền kinh tế Viêt Nam. Theo ông Thiên, cuộc chiến này sẽ thúc đẩy hàng hoá giá rẻ của Trung quốc tràn sang Việt Nam. Nếu đây là nguồn nguyên liệu thì có lợi cho nền kinh tế nhưng nếu là thành phẩm thì liệu hàng hóa Việt Nam có thể cạnh tranh được không?

Về đầu ra, việc Trung Quốc gặp khó khăn khi xuất khẩu sang Mỹ, sẽ là cơ hội lớn cho hàng hóa các nước khác, trong đó có Việt Nam. Nhưng liệu hàng hóa Việt Nam có đủ chất lượng để vào được thị trường Mỹ hay không?

Trong khi đó, với nhiều hiểu biết về những tac động của chiến tranh thương mại đến doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị cạnh tranh nhiều hơn “ở các thị trường khác” khi Trung Quốc giảm bán hàng vào thị trường Mỹ và chuyển hướng sang các thị trường khác. Cạnh đó, việc cạnh tranh ở thị trường trong nước cũng sẽ ngày càng căng thẳng hơn do hàng hóa Trung Quốc có khả năng cao sẽ đổ bộ mạnh vào Việt Nam. Chưa kể hàng hóa xuất sang thị trường Trung Quốc của doanh nghiệp Việt cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chính hàng hóa nội địa.

Về dịch chuyển dòng vốn, bà Trang cho rằng Việt Nam cũng sẽ chịu nguy cơ “chuyển dịch giả mạo”, “gian lận thương mại”, do Trung Quốc “mượn” thị trường để tránh thuế. Thép là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chiến tranh thương mại này.

Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam đã đưa đến buổi hội thảo khó khăn, thách thức và cwo hội cho ngành Nhựa Việt Nam.

Đối với ngành nhựa, đang có làn sóng dịch chuyển đầu tư sản xuất của Trung Quốc vào thị trường Việt Nam nhằm giảm chi phí lao động.

Làn sóng này cũng có điểm lợi khi một bộ phận nhỏ công nhân ngành nhựa Việt Nam hưởng lương cao hơn do doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách tuyển dụng lực lượng lao động có tay nghề. Người tiêu dùng trong nước có cơ hội tiếp cận thêm nguồn cung sản phẩm nhựa với giá rẻ hơn, do doanh nghiệp Trung Quốc sẽ giảm giá để “đẩy lượng tồn kho tại thị trường nội địa”.

Nhưng điểm tiêu cực là các doanh nghiệp nhựa trong nước sẽ chịu ảnh hưởng xấu bởi phải cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Trung Quốc, khi họ gia tăng đầu tư để “đội nhãn mác” của Việt Nam, nhằm tránh đòn thuế của phía Mỹ.

Để bảo vệ cho doanh nghiệp trong nước, ngoài những cố gắng từ phía doanh nghiệp, Chính phủ cần xem xét việc đánh thuế nhập khẩu nếu có dấu hiệu bán phá giá. Đồng thời không cấp giấy phép đầu tư, giấy phép đăng ký kinh doanh cho những dự án sản xuất không đảm bảo thực hiện hơn 2/3 chuỗi quy trình sản xuất tại Việt Nam.