Chương trình “Hồi sinh rác thải nhựa” do Unilever Việt Nam hợp tác cùng VietCycle và Duy Tân thực hiện, nhằm hướng đến thực hiện mục tiêu kép: Bảo vệ môi trường thông qua thúc đẩy mô hình Kinh tế Tuần hoàn trong Quản lý Rác thải Nhựa và thực hiện cam kết phát triển bền vững nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Chương trình bước đầu được triển khai tại thành phố Hà Nội với chương trình hành động gồm 3 trụ cột: Xây dựng hệ thống thu gom, huấn luyện - truyền thông, và chuyển giao tái chế.
Đầu tiên, đối với việc xây dựng hệ thống thu gom, chương trình tiến hành tuyển chọn và xây dựng các đại lý thu gom trên đường phố, các trạm thu gom lớn, mạng lưới lao động ve chai tự do trên địa bàn Hà Nội, lập các hội, nhóm ở từng khu vực.
Tiếp theo, hoạt động huấn luyện – truyền thông được triển khai đến các đối tượng liên quan trực tiếp của chương trình, là người lao động ve chai tự do, các hội thu gom, trạm thu gom, đại lý ve chai...giúp họ nắm bắt các thông tin về việc đảm bảo điều kiện vệ sinh và an toàn lao động trong quá trình thu gom rác thải nhựa.
Đồng thời, chương trình cũng đẩy mạnh truyền thông đại chúng về lợi ích của phân loại rác tại nguồn, thu gom rác thải nhựa, tổ chức lễ phát động...nhằm nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng để cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Cuối cùng, ở hoạt động tái chế, chương trình sẽ sử dụng những rác thải nhựa đã được phân loại và thu gom phục vụ cho việc sản xuất bao bì của Unilever. Những loại nhựa không thể tái chế sẽ được chuyển thành dầu đốt.
“Bên cạnh bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức của cộng đồng về rác thải nhựa, chương trình “Hồi sinh Rác thải Nhựa” còn giúp Unilever Việt Nam thực hiện những cam kết xã hội về cải thiện sức khỏe và hạnh phúc của mọi người, thúc đẩy bình đẳng giới, và nâng cao điều kiện sống, từ đó thúc đẩy hơn nữa tầm nhìn phát triển bền vững của Tập đoàn”, đại diện Tập đoàn cho biết.
Cụ thể, chương trình ưu tiên các đối tượng lao động nữ, người yếu thế, lao động tự do, người khuyết tật tham gia vào chuỗi giá trị.
Các đối tượng này thường có thu nhập không ổn định, môi trường làm việc gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, cuộc sống từ đó khá bấp bênh. Đây cũng là những đối tượng bị tác động nặng nề do dịch bệnh COVID-19.
Vì vậy, việc thành lập các hội, nhóm thu gom phế liệu bao gồm những lao động không chính thức đang thu gom ve chai tự do, mang đến cho họ các thông tin về đảm bảo điều kiện vệ sinh và an toàn trong quá trình thu gom rác thải nhựa, hỗ trợ các thiết bị bảo hộ lao động...giúp cải thiện sức khỏe và nâng cao điều kiện sống và giúp họ vực dậy hậu COVID-19.
Bên cạnh đó, đa phần lực lượng tham gia vào hoạt động phân loại và thu gom rác thải là các chị em phụ nữ. Tạo điều kiện để họ tham gia vào chương trình chính là góp phần trao quyền, trao cơ hội cho phụ nữ phát triển, tạo giá trị gia tăng tích cực cho xã hội và cộng đồng, từ đó nâng cao vị thế của nữ giới trong gia đình và xã hội, góp phần thúc đẩy cam kết bình đẳng giới.
PP