​Giảm thiểu rác thải nhựa - Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc cải thiện sự đe dọa của “virus rác thải nhựa” là khẳng định của các diễn giả tại talkshow “Giảm thiểu rác thải nhựa – Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn”.

Nằm ở khu vực vốn được coi là điểm nóng về rò rỉ rác thải nhựa, Việt Nam xếp thứ 4 trong tổng số 20 quốc gia phát sinh lượng chất thải nhựa nhiều nhất thế giới. Trung bình mỗi năm, người Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có hơn 30 tỷ túi nilon.

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai thành phố có lượng tiêu thụ nhựa và túi nylon hàng ngày lên tới 80 tấn, đồng nghĩa mỗi người dân sẽ sử dụng từ 30-40 kg nhựa hàng năm.

Talkshow “Giảm thiểu rác thải nhựa – Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” do Báo Đầu tư tổ chức

Tại Talkshow 1 với chủ đề “Giảm thiểu rác thải nhựa – Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” diễn ra chiều qua (ngày 6/6), các chuyên gia đã có những chia sẻ cụ thể về những cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc hực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm cam kết giảm thiểu tiêu thụ rác thải nhựa.

Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang tham vấn với chính phủ về các điều khoản của Quy chế bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020, bao gồm một số luật và điều khoản khuyến khích các doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong lĩnh vực tái chế.

Chính quyền các địa phương cũng đã lên kế hoạch hành động toàn diện để đáp ứng mục tiêu của Chính phủ về loại bỏ nhựa sử dụng một lần ở Việt Nam vào năm 2025. Bộ Tài nguyên và Môi trường và các doanh nghiệp đang đẩy mạnh nỗ lực để đạt được mục tiêu này.

Nhà nước cũng cần tiếp tục tạo ra luật để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi và giảm chi phí thay thế nhựa, chuyển đối tượng chịu thuế từ người sản xuất sang người tiêu dùng. Các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực tái chế chất thải nhựa sẽ gặp phải một số chi phí và tổn thất ban đầu nhưng sẽ mang đến những thay đổi bền vững về lâu dài cho xã hội và trái đất.

Hoàng Thị Diệu Linh, Cán bộ về kinh tế tuần hoàn, UNDP Việt Nam

UNDP và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam hướng tới nâng cao nhận thức của cộng đồng và các bên liên quan, giúp kết hợp các nỗ lực về mặt tài chính và công nghệ để tạo ra các giải pháp sáng tạo. Các doanh nghiệp tham gia có thể chia sẻ các mô hình thành công để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn xanh và bền vững hơn.

UNDP đang thực hiện một dự án tại tỉnh Bình Định để xây dựng một nhà máy thu hồi nguyên liệu. Mục tiêu của dự án là cải thiện số lượng rác thải nhựa được thu gom trong hệ thống và sau đó xây dựng chuỗi giá trị các mặt hàng nhựa đem bán với giá tốt hơn ra thị trường. Những người thu gom phế liệu có thể tham gia vào chuỗi này để nâng cao sinh kế và nhận thức.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng ISPONRE

Để triển khai các mô hình sản xuất bền vững và giảm thiểu rác thải nhựa thì việc áp dụng, nâng cấp các công nghệ sản xuất tiên tiến, công nghệ xanh tiêu thụ ít tài nguyên, giảm phát sinh chất thải là rất cần thiết. Điều này liên quan mật thiết đến vấn đề tài chính của doanh nghiệp. Nhà nước cũng nên có những cơ chế, chính sách cụ thể để doanh nghiệp có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn đầu tư vào các mô hình sản xuất bền vững và giảm thiếu rác thải nhựa.

Mặt khác, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải tích cực, tiếp tục các chương trình, chiến dịch nâng cao nhận thức cho cộng đồng đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.

Thời gian qua, ISPONRE đã phối hợp cùng Sở Công Thương Hà Nội kêu gọi các doanh nghiệp ký cam kết tham gia Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi ni-lông. Viện cũng đang phối hợp với các tổ chức, nhà khoa học để nghiên cứu, đánh giá các mô hình tiêu biểu trong lĩnh vực nhựa như mô hình tái sử dụng – tái nạp đầy; hoàn thiện tiêu chí đối với kinh tế tuần hoàn; tiêu chí đối với nhà máy đốt rác phát điện…

Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại, Nestlé Việt Nam

Ý thức người tiêu dùng về các vấn đề giảm thiểu và ngăn chặn rác thải nhựa là có, tuy nhiên hành động thực tế lại không đi kèm. Đa số vẫn chọn sự tiện lợi và chưa thực sự có hành động để giảm thiểu rác thải nhựa.

Ví dụ về việc thay đổi ống hút nhựa bằng ống hút giấy sẽ góp phần giảm hơn 700 tấn nhựa dùng 1 lần/năm. Nghịch lý là chưa có nhiều doanh nghiệp làm điều này và họ vẫn bán sản phẩm kèm ống hút nhựa với giá không đổi, hoặc thậm chí cao hơn. Chúng ta cũng chưa phát triển thị trường các sản phẩm tái chế và chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, thực hiện các chương trình giảm thiểu rác thải nhựa.

Do đó, Việt Nam cần có giải pháp phát triển thị trường các sản phẩm tái chế và chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, thực hiện các chương trình giảm thiểu rác thải nhựa và giải pháp sản xuất các sản phẩm với bao bì thân thiện với môi trường.