Giảm rác thải đại dương: Không quyết liệt, nhựa sẽ 'nhiều' hơn cá

Đại diện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhấn mạnh ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách, đòi hỏi các nước cần khẩn cấp hành động với tinh thần quyết liệt và cấp bách hơn.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Với khoảng 8-20 triệu tấn nhựa “đổ” ra các đại dương mỗi năm (trong đó, riêng Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 2.000 tấn rác thải nhựa từ trong nước rò rỉ ra biển), nhiều ý kiến cho rằng giảm thiểu chất thải từ nhựa là yêu cầu cấp bách hiện nay. Đây cũng là giải pháp để ngăn chặn nguy cơ "tương lai đại dương sẽ có nhiều nhựa hơn cá."

Báo động rác thải nhựa đại dương

Theo tiến sĩ Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường), ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay đã trở thành vấn đề cấp bách, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển.

Tại Việt Nam, với hơn 3.260 km đường bờ biển (chưa kể bờ các đảo) trải dài theo hướng Bắc - Nam, trung bình cứ 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển. Dọc bờ biển còn có 114 cửa sông, trung bình 20 km có một cửa sông và hơn 50 vịnh, đầm phá. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển, song cũng luôn tiềm ẩn ô nhiễm rác thải.

Theo báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc do Bộ Tài nguyên và Môi trường, số lượng nhựa tiêu thụ trên đầu người tại Việt Nam đã tăng nhanh từ 3,8kg/người/năm 1990 lên 54kg/người/năm. Trong đó, khoảng 37,43% rác thải nhựa thải ra môi trường biển là bao bì và 29,26% là đồ gia dụng.

Chưa kể, việc xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải nhựa từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm trong mùa du lịch cũng đang là vấn đề đáng báo động ở vùng ven biển và hải đảo tại Việt Nam hiện nay.

[Mega Story: Việt Nam ưu tiên cao nhất cho "tương lai xanh"]

Chỉ riêng từ nghề nuôi tôm, số liệu từ Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho thấy tổng lượng nhựa sử dụng cho nuôi tôm thâm canh được khảo sát là 1.658-1.955 tấn/ha/năm. Tính đến cuối năm 2021, đã có 110.000ha đất được giao để nuôi tôm thẻ chân trắng…

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc cũng khẳng định đại dương đang phải đối mặt với những mối đe dọa và rủi ro ngày càng tăng do biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường từ các nguồn rác thải, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và kinh tế thiếu bền vững.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 3,7 triệu tấn chất thải nhựa (trong đó chỉ 10 đến 15% trong số đó, cuối cùng được thu gom để tái chế); khoảng 730.000 tấn chất thải nhựa từ trong nước rò rỉ ra đại dương.

Giam rac thai dai duong: Khong quyet liet, nhua se 'nhieu' hon ca hinh anh 1Rác thải nhựa là một mối nguy với môi trường tại Việt Nam. (Ảnh: Reuters)

“Như vậy, với khoảng 2.000 tấn rác thải nhựa từ trong nước rò rỉ ra biển mỗi ngày. Dự báo cho thấy nếu không có gì thay đổi, sẽ có nhiều nhựa hơn cá tại các đại dương vào năm 2050,” bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.

Phải hành động khẩn cấp, quyết liệt hơn

Bà Phạm Thu Hằng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh ô nhiễm rác thải nhựa, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, đã trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Vì thế, giảm thiểu chất thải từ nhựa là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Theo bà Hằng, trong những năm qua, vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đã được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản chính sách về bảo vệ môi trường.

Một trong hững hành động thiết thực, điển hình là thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; trong đó, luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa.

Việt Nam cũng đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; triển khai thực hiện Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Gần đây, Việt Nam đã tham gia Chương trình đối tác hành động toàn cầu về nhựa tại Việt Nam và đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% rác thải nhựa đại dương...

Mặc dù vậy, lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận việc giải quyết vấn nạn ô nhiễm rác thải đại dương đang gặp một số lực cản, trong đó có sự thiếu cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các nước; thiếu công cụ pháp lý, thiếu cơ chế giám sát; thiếu cơ chế tài chính; không có sự ràng buộc...

“Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần khẩn cấp hành động với tinh thần quyết liệt và cấp bách hơn nữa để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương; cần xây dựng các giải pháp, lộ trình và hành động cụ thể để đạt được một kết quả thực sự - đó là Thỏa thuận toàn cầu về giải quyết vấn đề rác thải nhựa,” bà Hằng nhấn mạnh.

Ngoài ra, bà Hằng khuyến nghị Việt Nam và quốc tế cần thiết lập một cơ chế tài chính, hỗ trợ chuyển giao công nghệ để giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên đất liền và ở biển./.