Công nghiệp bao bì: Cơ hội tăng trưởng cao, nhưng...

Bao bì đóng góp một phần quan trọng trong quyết định lựa chọn sản phẩm của người mua. Ảnh: Thành Hoa

(TBKTSG) - Công nghiệp bao bì có nhiều tiềm năng phát triển nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn chậm cải tiến và đang gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài đang đẩy mạnh đầu tư, thậm chí qua thâu tóm doanh nghiệp trong nước.

Nhiều khó khăn

Một nhà bán lẻ lâu năm chia sẻ là với bất cứ một sản phẩm nào, chất lượng tốt thôi chưa đủ mà bao bì phải thật bắt mắt mới có thể thu hút được sự chú ý của khách hàng. Theo vị này, kinh nghiệm cho biết giữa hai sản phẩm có chất lượng, thành phần như nhau, sản phẩm có bao bì đẹp hơn thường có doanh số cao hơn. Thậm chí, người mua còn không đọc nội dung trên bao bì để biết thành phần của hai sản phẩm là giống nhau.

Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hàng tiêu dùng nước ngoài rất thường xuyên thay đổi kiểu dáng, mẫu mã bao bì mà nhiều khi, sản phẩm bên trong vẫn y như cũ, đúng kiểu “bình mới rượu cũ”.

Một chuyên gia trong lĩnh vực bao bì cho biết doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm đến sự tinh tế của bao bì sản phẩm, cho đó là yếu tố thu hút khách hàng giúp đem lại doanh số cao. Bên cạnh đó, bao bì giúp bảo quản chất lượng sản phẩm, giảm mất mát, hao hụt... nên cũng là lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật ngày càng cao. Có thể nói bao bì đóng góp một phần quan trọng trong quyết định lựa chọn sản phẩm của người mua.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng hoạt động của doanh nghiệp bao bì trong nước nhìn chung vẫn nhỏ lẻ, lạc hậu; trình độ quản lý yếu kém; vốn ít và rất khó tiếp cận nguồn vốn vay... Xét về mọi mặt, từ điều kiện sản xuất kinh doanh đến năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp nước ngoài đều thể hiện sự vượt trội, lấn lướt; còn doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tỏ ra đuối sức khi phải chịu áp lực kép: vừa phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài vừa bị lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu, kỹ thuật, máy móc nhập khẩu...

Từ phía Nhà nước, chính sách cho ngành bao bì cũng ít được chú ý. Cụ thể ngành chưa được cấp mã ngành kinh doanh riêng, vẫn là những ngành con nhỏ lẻ nằm trong các ngành khác với mã ngành ở cấp 4, cấp 5...

Thậm chí, bao bì kim loại hoàn toàn không có mã ngành kinh doanh nào. Theo ông Nguyễn Ngọc Sang, Chủ tịch Hiệp hội Bao bì Việt Nam (VINPAS), việc bị “vô thừa nhận” này khiến ngành bao bì không có được các chính sách ưu đãi cần thiết từ Nhà nước; không có công tác thống kê cũng như tiêu chuẩn, quy chuẩn về ngành. Cần biết ở các nước phát triển như ở Mỹ, bao bì luôn nằm trong tốp 10 ngành đem lại GDP lớn nhất.

Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, lưu ý: “Nếu doanh nghiệp trong nước không đầu tư máy móc, kỹ thuật để cải thiện tình hình, chắc chắn sẽ phải thua trên sân nhà”.

Tầm ngắm của doanh nghiệp ngoại

Theo đánh giá của Hiệp hội In Việt Nam, lĩnh vực sản xuất bao bì, in nhãn bao bì, in ấn phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu trong những năm qua tăng trưởng khá, trên dưới 10%. Trong khi đó, VINPAS dự đoán lĩnh vực đóng gói bao bì sẽ tăng khoảng 15-20%/năm trong những năm tới, do nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu được dự báo tăng cao.

Đáng chú ý, Việt Nam đang trở thành “công xưởng” sản xuất mới của thế giới với các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia. Trong bối cảnh như vậy, ngành đóng gói bao bì hứa hẹn trở thành một trong những ngành phát triển nhanh. Theo VINPAS, hiện Việt Nam có gần 1.000 nhà máy đóng gói bao bì với các chủng loại sản phẩm khác nhau như giấy/carton, nhựa, màng kim loại, chai nhựa PET...

Nhưng theo ông Nguyễn Văn Dòng, các doanh nghiệp nước ngoài đánh giá ngành bao bì Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp, và mức dự báo tăng trưởng không dưới 10% trong những năm tới là mức “thèm khát” của các tập đoàn nước ngoài trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Ông Dòng cho rằng doanh nghiệp nước ngoài sẽ gia tăng đầu tư vào ngành này ở cả hình thức đầu tư trực tiếp sản xuất lẫn thâu tóm doanh nghiệp trong nước.

Xét về mọi mặt, từ điều kiện sản xuất kinh doanh đến năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp nước ngoài đều thể hiện sự vượt trội, lấn lướt; còn doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tỏ ra đuối sức khi phải chịu áp lực kép: vừa phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài vừa bị lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu, kỹ thuật, máy móc nhập khẩu...

Thực tế trong những năm qua đã có một số thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) quy mô lớn trong lĩnh vực này mà bên bán là doanh nghiệp trong nước. Thương vụ đáng chú ý là một công ty thành viên của tập đoàn SCG (Thái Lan) đã mua lại 80% cổ phần của Công ty Bao bì Tín Thành (Batico) với số tiền hơn 44 triệu đô la Mỹ. Đây là một trong những doanh nghiệp sản xuất bao bì nhựa mềm phức hợp lớn tại Việt Nam với thâm niên khoảng 20 năm và có các khách hàng lớn là các tập đoàn đa quốc gia như Nestlé, Bayer, Henkel, Dupont, CP, Walmart, cả những đối tác trong nước như Kinh Đô, Trung Nguyên, Gấu Đỏ, Vifon, Vinamit... Về phía SCG, trong lĩnh vực bao bì ở Việt Nam, họ đã có Công ty TNHH Giấy Kraft Vina chuyên sản xuất giấy carton ở Bình Dương và có kế hoạch chi thêm 126 triệu đô la Mỹ để tăng gấp đôi năng lực sản xuất cho nhà máy.

Các thương vụ khác như Dongwon Systems Corporation (Hàn Quốc) đầu tư 21,86 triệu đô la Mỹ mua Công ty TNHH Bao bì Minh Việt; chi 38,81 triệu đô la Mỹ mua 47% cổ phần Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tân Tiến.

Trước đó, MeiwaPax Group chi 15,38 triệu đô la Mỹ mua Công ty cổ phần Thương mại và Bao bì Sài Gòn (Saigon Trapaco); Oji Holding Corporation (Nhật Bản) mua Công ty TNHH Bao Bì United; Sagasiki Vietnam mua Công ty cổ phần In và Bao bì Goldsun...

Ông Dòng dự báo với một thị trường tiêu dùng tại chỗ rộng lớn cùng với cơ hội đang mở ra cho doanh nghiệp xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do, thời gian tới sẽ tiếp tục diễn ra các thương vụ M&A mà bên mua không chỉ là những công ty châu Á mà sẽ có cả công ty châu Âu.

Trả lời câu hỏi vì sao doanh nghiệp trong nước chấp nhận bán công ty hoặc cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài khi mà thị trường được dự báo có nhiều tiềm năng phát triển, ông Dòng cho rằng có một lý do thuộc về tâm lý thiếu tự tin của doanh nghiệp trong nước trong giai đoạn hội nhập sâu rộng hiện nay. Một số doanh nghiệp Việt Nam cho rằng khi hội nhập, doanh nghiệp nước ngoài sẽ đưa vào công nghệ hiện đại hơn, những thiết kế mẫu mã đẹp hơn, họ quản trị tốt hơn và họ cũng có cả mối quan hệ tốt hơn với các tập đoàn nước ngoài khác. Nhiều doanh nghiệp Việt cảm thấy đuối sức nên quyết định bán.

Mặc dù vậy, vẫn có một số doanh nghiệp bám trụ, tiếp tục đầu tư mở rộng thị trường. Và theo ông Dòng, để cạnh tranh được thì họ bắt buộc phải đầu tư công nghệ hiện đại, có chiến lược bài bản...