​Việt Nam - EU đối thoại về ô nhiễm nhựa và kinh tế tuần hoàn

Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa đã hợp tác với nhiều Bộ ngành, đối tác nhằm góp phần giải quyết các vấn đề rác thải nhựa và hướng tới kinh tế tuần hoàn đối với nhựa tại Việt Nam.

Các đại biểu tham gia Hội thảo

Hội thảo tổng kết do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp tổ chức cùng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (Expertise France) và Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) nhằm thúc đẩy đối thoại chính sách giữa EU và Việt Nam về ô nhiễm nhựa và kinh tế tuần hoàn, đồng thời giới thiệu kết quả của Dự án, các bài học kinh nghiệm và khuyến nghị trong quá trình thực hiện Dự án.

Tại Hội thảo, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ EU tại Việt Nam nhấn mạnh: “Nhựa có mặt ở khắp mọi nơi và chúng thường được đổ ra sông, rồi ra đại dương. Biển ô nhiễm do chất thải nhựa không được thu gom, quản lý và xử lý đúng cách. Tại Việt Nam, sau khi Luật Bảo vệ Môi trường 2020 được sửa đổi, các quy định mới gắn quản lý chất thải với quy trình của nền kinh tế tuần hoàn đang được thực hiện như giảm thiểu chất thải nhựa, nghĩa vụ phân loại chất thải và Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR)”.

Nỗ lực hợp tác của EU - Việt Nam

Bà Astrid Schomaker, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao xanh và Chủ nghĩa đa phương, Tổng vụ Môi trường, Ủy ban châu Âu khẳng định: “Việt Nam đang là một hình mẫu cho việc thực hiện EPR trong khu vực và các nước khác đang theo sát những thay đổi này”.

Theo bà Astrid, Việt Nam vẫn sẽ là một đối tác quan trọng của EU khi hai bên cùng đi đến một thỏa thuận toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa như đã tuyên bố tại kỳ họp lần thứ 5 của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA 5.2) vào đầu năm nay.

Phiên thảo luận chính sách tại Hội thảo

Cũng tại Hội thảo, bà Astrid chỉ ra rằng những nỗ lực và cam kết về vấn đề rác thải biển và nhựa trong môi trường hiện nay là chưa đủ để ngăn chặn cuộc khủng hoảng rác thải biển đang trở nên nghiêm trọng hơn.

“Chúng ta không chỉ đàm phán trong giai đoạn hai năm tới và ngồi chờ đợi thay đổi sẽ diễn ra mà hãy tiếp tục phối hợp với các bên liên quan để cùng hành động và giải quyết vấn đề rác thải trên biển”, bà Astrid nhấn mạnh.

Đã đến lúc suy nghĩ lại về nhựa

Đây chính là thông điệp xuyên suốt của Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do EU và chính phủ Đức tài trợ. Nhiều hoạt động thí điểm đã được triển khai tại các nước Thái Lan, Indonesia, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam với mục tiêu ngăn chặn rác thải nhựa và quản lý chất thải nhựa tốt hơn.

Tại hội thảo, ông Alvaro Zurita, Trưởng nhóm cán bộ Dự án, cho biết: “Dự án đã triển khai nhiều khóa đào tạo về EPR tại Trung Quốc và Việt Nam, thực hiện mô hình “Thu gom rác thải nhựa ngoài biển” với sự tham gia của 150 tàu đánh cá ở Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, tổ chức hơn 40 sự kiện đối thoại và trao đổi với sự tham gia của hơn 5.000 người, cho ra mắt nhiều ấn phẩm và khuyến nghị cho các bên liên quan”.

Tại Việt Nam, Dự án đã hợp tác với Bộ TN&MT, Bộ Công thương, Bộ GTVT và Bộ NN&PTNT triển khai các hoạt động liên quan đến các chủ đề quản lý chất thải nhựa, sản xuất và tiêu dùng bền vững, giảm rác thải nhựa trên biển và truyền thông nâng cao nhận thức. Đặc biệt, Dự án đã phối hợp với các cơ quan đối tác Việt Nam nhằm triển khai bốn dự án thí điểm: Tăng cường thu gom, phân loại và tái chế bao bì nhựa; Thành lập Liên minh các nhà bán lẻ giảm tiêu thụ túi ni lông sử dụng một lần; Quản lý chất thải từ tàu biển tại các cảng của Việt Nam; Mô hình Thu gom rác thải biển bằng tàu đánh cá tại tỉnh Phú Yên, cùng các chiến dịch nâng cao nhận thức như chiến dịch “Quái nhựa” tại TP. Hồ Chí Minh, Thu dọn rác tại khu vực ven biển vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên.

Ông Hervé Conan, giám đốc quốc gia Cơ quan phát triển Pháp (AFD) – Expertise France, trao đổi tại hội thảo bế mạc, “Điểm mạnh của Dự án là đã kết nối các bên liên quan với nhau, cả ở cấp quốc gia và địa phương”.

“Sự phát triển của cơ chế EPR là một ví dụ điển hình về cách tiếp cận được áp dụng cho đối thoại chính sách ở cấp trung ương và địa phương. Nó không chỉ tích hợp các bài học kinh nghiệm của châu Âu, một số chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu và phản hồi từ các dự án thí điểm đã được thực hiện - mà còn huy động cả sự tham gia của khu vực tư nhân thông qua Tổ công tác EPR do Bộ TNMT thành lập”, ông Conan chia sẻ.

Trao đổi về những kế hoạch sau Dự án, bà Astrid cho biết: “Trong thời gian tới, Ủy ban châu Âu tập trung vào vi nhựa, tái chế và các yêu cầu bắt buộc đối với sản phẩm nhựa phân hủy sinh học. Chúng tôi xác định rằng dù Dự án kết thúc nhưng những trao đổi về kinh tế tuần hoàn và các vấn đề môi trường khác vẫn sẽ tiếp diễn”.

Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Hoàng Xuân Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT nhận định: “Những đóng góp của Dự án đã tạo nền tảng vững chắc để Bộ TN&MT phối hợp với các bộ, ban ngành liên quan triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030”.

Ông Huy cũng cho biết các mô hình tiềm năng nhất từ Dự án này sẽ được đưa vào các chính sách, quy định và được nhân rộng để giảm thiểu rác thải trên biển ở Việt Nam, góp phần chung tay giải quyết thách thức rác thải nhựa trên toàn cầu.