Thị trường PP và PE châu Phi tiếp tục đi lên trong tháng 3 dưới tác động của những mối lo ngại về nhu cầu


Các thị trường polyolefin ở châu Phi đã tiếp tục đi lên trong hai tháng liên tiếp, với tâm lý lạc quan trên toàn cầu và nguồn cung thắt chặt từ các nhà sản xuất Trung Đông được coi là những lý do chính hỗ trợ đà tăng giá; dù nhu cầu yếu hơn bình thường. Tuy nhiên, tính bền vững của xu hướng leo dốc này đang được thảo luận do những mối lo ngại về kinh tế gia tăng trong khu vực cũng như tâm lý lạc quan về xu hướng tăng giá toàn cầu đang mờ dần.


Đà tăng giá vẫn diễn ra ở Tây Phi

Tại Nigeria, thị trường lớn nhất châu Phi, báo giá PE và PP từ một nhà sản xuất lớn của Ả Rập Xê Út đã lần lượt tăng 60-80 USD/tấn và 60-70 USD/tấn so với các mức giá gần đây nhất của tháng 2. Theo các nguồn tin thị trường, hoạt động giao dịch chung tại nước này vẫn ở mức dưới mức trung bình, và những người tham gia thị trường đã bày tỏ lo ngại trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát cao cũng như điều kiện kinh tế và chính trị không thuận lợi.

ELEME tăng báo giá trong nước, cắt giảm mạnh công suất hoạt động

ELEME, một nhà sản xuất trong nước của Nigeria, đã thông báo tăng báo giá PE thêm 40.000-40.200 NGN/tấn (87 USD/tấn) và tăng báo giá PP thêm 35.000-36.300 NGN/tấn (76-79 USD/tấn) so với mức giá mới nhất của tháng 2. Theo các nguồn tin địa phương, nhà sản xuất này tiếp tục vận hành nhà máy với một nửa tổng công suất.

Mức tăng ba chữ số được công bố ở Kenya, nhưng đã có chiết khấu

Đông Phi, báo giá PE tháng 3 tại Kenya không đổi hoặc tăng 100 USD/tấn so với giao dịch tháng 2 gần đây nhất. Ngoài ra, giá PP ghi nhận mức tăng lên tới 100 USD/tấn so với các giao dịch tháng 2. Một nhà phân phối địa phương cho rằng các báo giá mới phù hợp với kỳ vọng trước đó do tâm lý lạc quan trong khu vực. “Tuy nhiên, các giao dịch cũng có thể được ký kết với giá thấp hơn vì tỷ lệ lạm phát tăng cao, đồng đô la Mỹ tăng vọt và nhu cầu kinh doanh cuối cùng suy yếu.”

Việc tăng giá không kích thích lượng mua ở Bắc Phi

Tại Ai Cập, thị trường lớn nhất Bắc Phi, các nhà cung cấp Trung Đông đã công bố báo giá PP và PE mới ở mức không đổi hoặc tăng 100 USD/tấn so với tháng 2, trong đó các loại PP chứng kiến mức tăng lớn nhất. Ngoài ra, các nhà sản xuất polyolefin nội địa đã công bố các báo giá tháng 3 ở mức không đổi hoặc cao hơn so với tháng 2, điều này được phản ánh rõ ràng trong các mức giá của thị trường phân phối. “Mặc dù các báo giá mới đúng theo dự đoán của thị trường, song lạm phát gia tăng cũng như sự mất giá liên tục của EGP và tình trạng thiếu hụt ngoại hối tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động giao dịch tại thị trường Ai Cập,” một nhà phân phối lưu ý.

Báo giá tháng 3 ban đầu được công bố ở Tunisia đã tăng 30 EUR/tấn (32 USD/tấn) so với báo giá tháng 2. Tuy nhiên, người mua đã cố gắng ký kết giao dịch với chiết khấu 30-50 EUR/tấn (32-53 USD/tấn) PP và không đổi hoặc giảm 30 EUR/tấn (32 USD/tấn) PE. Mặc dù giảm so với báo giá tháng 3 ban đầu, song giá PP và PE vẫn tăng 20-40 EUR/tấn (21-42 USD/tấn) so với mức giá tháng 2.

Tại Algeria, giá tháng 3 đã được công bố với mức tăng 20-50 USD/tấn PP và 20-80 USD/tấn PE so với giá tháng 2. Những người tham gia thị trường đang dự đoán giao dịch sẽ được ký kết với giá thấp hơn do thị trường đang chịu áp lực bởi hoạt động giao dịch kém và triển vọng mờ mịt trong điều kiện kinh tế khắc nghiệt.

Tương tự, ở Ma-rốc, những người tham gia thị trường đã báo cáo các báo giá tháng 3 mới với mức tăng 40 EUR/tấn (43 USD/tấn) đối với PE và 60-110 EUR/tấn (64-118 USD/tấn) đối với PP so với các báo giá tháng 2 ban đầu. Nguồn cung hạn chế từ các nhà sản xuất polyolefin trong khu vực được coi là lý do chính hỗ trợ tâm lý tăng giá.

Triển vọng tháng 4 không rõ ràng

Mặc dù thời gian còn lại của tháng 3 có thể vẫn chứng kiến giá ổn định ở hầu hết các thị trường polyolefin châu Phi, nhưng những người tham gia thị trường đã tỏ ra lo ngại về tính bền vững. Điều đầu tiên và quan trọng nhất là nhà máy của các nhà sản xuất Trung Đông dự kiến sẽ hoạt động trở lại vào tháng 4 sau đợt bảo trì. Thứ hai, các thị trường châu Á, chủ yếu là Trung Quốc, không vẽ lên một bức tranh lạc quan để thúc đẩy những thị trường khác trên thế giới lên cao hơn nữa. Cuối cùng, nhu cầu trên khắp châu Phi thấp hơn nhiều so với mức trung bình do sự gia tăng những mối lo ngại về kinh tế đang làm suy yếu triển vọng.

“Nhu cầu vẫn còn là mối lo ngại vì các đồng nội tệ mất giá so với đô la Mỹ và lạm phát gia tăng. Tháng Ramadan gần kề và thông thường, đây là một tháng yên ắng,” một nhà phân phối cho biết.