Thái Bình: Xưởng tái chế nhựa “mọc” trên đất ngoài đê

Từ phản ánh của bạn đọc, PV Lao Động tìm về khúc đê sông Trà Lý đoạn giáp ranh giữa xã Phúc Thành và xã Tân Phong (huyện Vũ Thư, Thái Bình). Tại đây, PV ghi nhận những tiếng ồn lớn phát ra từ xưởng sản xuất nhựa tái chế trái phép của hộ ông Bùi Văn Tùy (trú thôn Mễ Sơn 2, xã Tân Phong).

Toàn cảnh cơ sở sản xuất nhựa tái chế không phép nhìn từ trên cao. Ảnh: T.D

Được bao bọc bởi cây cối mọc um tùm, cao vút, nếu đứng từ mặt đê Trà Lý rất khó phát hiện có xưởng sản xuất tồn tại, hoạt động ở đây. Chỉ đến khi dừng lại nghe âm thanh, tiếng ồn từ máy móc phát ra thì cơ sở sản xuất này mới bị phát lộ.

Ông Đ, một người dân địa phương đang chăm sóc hoa màu gần khu vực xưởng sản xuất, cho biết: “Xưởng này trước kia nằm trên xã Phúc Thành nhưng đã bị chính quyền xã bên đó đình chỉ, sau đó được chuyển về đây. Mỗi khi hoạt động, xưởng này gây tiếng ồn lớn, xả thải trực tiếp xuống sông, nước thải có màu trắng đục như nước gạo, nhìn rất sợ. Đến nỗi nhiều khi chúng tôi múc nước tưới cho hoa màu xong về nhà bị dị ứng, nổi nhiều vết ngứa trên cơ thể”.

Cảnh nhếch nhác, bẩn thỉu phía bên trong xưởng. Ảnh: T.D

Quan sát bằng mắt thường PV cũng có thể dễ dàng nhận thấy hoạt động của cơ sở sản xuất nhựa tái chế này đã xả thải trực tiếp ra môi trường ra sao. Theo đó, hàng loạt những xác vụn bao bì nổi lềnh phềnh trên mặt nước, từng đám bọt trắng xóa nổi lên trôi xuôi về phía hạ nguồn và trôi vào cống cấp, thoát nước của xã Tân Phong trong khu vực nội đồng.

Ống xả thải của cơ sở đấu nối trực tiếp xuống sông Trà Lý...
Nước thải rò rỉ đen sì, đặc quánh. Ảnh: T.D

Theo tài liệu do UBND xã Tân Phong cung cấp, xưởng sản xuất nói trên nằm trên đất của 2 xã Tân Phong và xã Phúc Thành. Trong đó, diện tích đất của xã Tân Phong quản lý là 2.294,1 m2. Xưởng lấn chiếm hành lang thoát lũ, có hoạt động xả thải ra môi trường và từ trước đến nay không có hợp đồng thuê khoán đất…

UBND xã Tân Phong cũng đã nhiều lần yêu cầu hộ ông Bùi Văn Tùy (trú thôn Mễ Sơn 2, xã Tân Phong) - chủ cơ sở phải dừng ngay việc tái chế rác thải nhựa tại khu vực đất nói trên, có kế hoạch bố trí di chuyển toàn bộ máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu khỏi khu vực vi phạm. Nếu không nghiêm túc thực hiện việc dừng sản xuất, ông Tùy chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc vi phạm. Tuy vậy đến nay chủ vi phạm vẫn chưa chấp hành, ngang nhiên hoạt động gây ô nhiễm môi trường, bức xúc dư luận.

Biên bản vi phạm, công văn chỉ đạo của UBND xã Tân Phong.

Trao đổi với PV Lao Động, đại diện lãnh đạo Chi cục Đê điều & Phòng chống lụt bão, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Thái Bình cho biết: Từ năm 2015, Hạt quản lý đê điều huyện Vũ Thư đã nhiều lần lập biên bản vi phạm, yêu cầu hộ ông Tùy dừng ngay các hành vi vi phạm Luật đê điều, Pháp lệnh phòng chống lụt bão...

Thế nhưng đã 6 năm trôi qua, ông Tùy không chấp hành, UBND xã Tân Phong và UBND huyện Vũ Thư cũng chưa có biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn, cưỡng chế sai phạm.

Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) cho biết đã nắm được nội dung sự việc và đang yêu cầu UBND xã Tân Phong báo cáo. Đơn vị này cũng cho biết thêm sẽ thành lập đoàn kiểm tra xuống cơ sở để ghi nhận phản ánh, yêu cầu chủ vi phạm dừng mọi hoạt động sản xuất vi phạm pháp luật.