Startup sản xuất giày từ nhựa tái chế được định giá 1 tỉ đô la

(KTSG Online) – Công ty Alpargatas (Brazil), chủ sở hữu thương hiệu dép xỏ ngón nổi tiếng Havaianas, vừa đạt được thỏa thuận mua 49,9% cổ phần của Rothy’s, một startup sản xuất giày từ chai nhựa tái chế, có trụ sở ở bang California (Mỹ) với giá 475 triệu đô la Mỹ. Điều này có nghĩa là Rothy’s được định giá lên tới 1 tỉ đô la. Thương vụ trên cho thấy các đấu thủ trong ngành công nghiệp giày dép đang đặt cược vào triển vọng đầy hứa hẹn của thời trang bền vững.

Các sản phẩm giày búp bê làm từ nhựa tái chế của startup Rothy’s. Ảnh: New York Times

Trong thông báo hôm 20-12, Alpargatas và Rothy’s cho biết thương vụ sẽ trải qua 2 bước. Đầu tiên, Alpargatas sẽ chi 200 triệu đô la để mua cổ phiếu mới do Rothy’s phát hành. Tiếp đó, công ty này sẽ chào mua số cổ phần trị giá 275 triệu đô la từ các cổ đông hiện hữu của Rothy’s. Thương vụ còn chờ ý kiến phê duyệt của các cơ quan chống độc quyền tại Mỹ.

Roberto Funari, Giám đốc điều hành Alpargatas, cho hay thương vụ này sẽ giúp công ty ông mở rộng danh mục sản phẩm bên ngoài các sản phẩm dép xỏ ngón. Trong khi đó, Rothy’s dự định sử dụng số tiền thu được từ thương vụ để quảng bá thương hiệu đồng thời tận dụng mạng lưới bán hàng của Alpargatas để mở rộng hoạt động bán lẻ.

Sau khi các thủ tục của thương vụ hoàn tất, Rothy’s vẫn tiếp tục hoạt động độc lập. Hồi đầu tháng 10, Bloomberg đưa tin Rothy’s đang đàm phán huy động vốn dựa trên mức định giá hơn 1 tỉ đô la. Trong khi đó, Alpargatas đang có mức vốn hóa thị trường 3,6 tỉ đô la.

Lần gọi vốn lần gần đây nhất của Rothy’s là vào năm 2019 khi công ty này nhận được 35 triệu đô từ một quỹ đầu tư của Ngân hàng Goldman Sachs Group. Trong 11 tháng đầu năm nay, doanh thu ròng của Rothy’s đạt 140 triệu đô la Mỹ.

Rothy’s bắt đầu giới thiệu những đôi giày nữ với nguyên liệu tái chế từ các chai nhựa vứt bỏ vào năm 2016. Startup này nổi tiếng với sản phẩm giày búp bê thời trang và thân thiện với môi trường, được những người nổi tiếng sử dụng bao gồm diễn viên điện ảnh người Mỹ, Meghan Markle, vợ của Hoàng tử Harry của nước Anh. Tính đến năm 2020, công ty này đã tái chế 50 triệu chai nhựa bị vứt bỏ để sản xuất các sản phẩm giày.

Rothy’s có nhà máy rộng 28.000 mét vuông tại TP. Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Rothy’s mở rộng sản xuất sang các mặt hàng như giày nam, túi xách, ví, cũng làm từ nhựa tái chế. Công ty này có các cửa hàng đặt ở Los Angeles, New York và các thành phố lớn khác.

Cách đây 5 năm, khi Rothy’s tung ra dòng sản phẩm giày búp bê làm từ chai nhựa tái chế, dành cho nữ, có thể giặt bằng máy, có giá bán tương đối mềm, ít chuyên gia trong ngành thời trang có thể đoán nó sẽ trở thành một sản phẩm đình đám.

Tính đến năm 2018, Rothy’s đã bán được hơn 1 triệu đôi giày búp bê. Kể từ đó, công ty đã bổ sung các sản phẩm giày khác dành cho nữ gồm giày lười, xăng đan và giày thể thao, có giá bán từ 65-245 đô la.

Ngày nay, Rothy’s đã là một thương hiệu toàn cầu với lượng khách hàng phát triển nhanh chóng ở Mỹ. Công ty này đang sẵn sàng mở rộng phạm vi tiếp cận quốc tế, đặc biệt là ở châu Á, châu Âu và Brazil. Là doanh nghiệp đặt trọng tâm vào kỹ thuật số với 98% doanh thu đến từ các kênh bán hàng trực tuyến, Rothy’s đã xây dựng được một cộng đồng trung thành với hơn hai triệu khách hàng.

Giờ đây, Rothy’s lấn sân sang lĩnh vực giày nam làm từ chai nhựa tái chế. Hồi tháng 5, công ty đã ra mắt các sản phẩm giày dành cho nam giới bao gồm một mẫu giày thể thao tối giản có giá bán 175 đô la và mẫu giày lười có giá bán 185 đô la.

Rothy’s sẽ cạnh tranh với các thương hiệu khác đang cung cấp các sản phẩm giày nam làm từ nguyên liệu bền vững, bao gồm giày của thương hiệu Tom có giá bán từ 49,95-169,95 đô la, hay giày thể thao nam làm từ các nguyên liệu tái chế của Nike có giá bán từ 70-170 đô la.

Hồi tháng 3-2021, Rothy’s đã công bố cam kết đầy tham vọng về mục tiêu sản xuất vòng tròn, nghĩa là bất cứ thứ gì còn sót lại từ quá trình sản xuất sẽ được tái chế và tái sử dụng để tạo ra các sản phẩm mới. Các bước để đạt được mục tiêu đó bao gồm một chương trình tái chế mới, trong đó, Rothy’s nhận lại những đôi giày cũ của khách hàng, tách sợi của chúng và sử dụng lại để làm giày mới.