Sản xuất nhựa từ vải phế thải

Kinhtedothi - Để tận dụng, tạo ra “vòng đời thứ hai” cho vải phế thải, năm 2015, nhóm sinh viên năm cuối khoa Môi trường, ĐH Thủy lợi đã tạo ra những sản phẩm thay thế sợi thủy tinh trong sản xuất nhựa composite.

Trong khi các bạn sinh viên khác nộp bài luận văn tốt nghiệp bộ môn “Thiết kế kiểm soát chất thải rắn” bằng những nghiên cứu trên giấy, đáng chú ý, Lại Minh Thái (SN 1993), sinh viên Khoa Môi trường, ĐH Thủy lợi cùng một số bạn học trong nhóm đã nộp bài luận thực tiễn bằng chính những sản phẩm nhựa composite tự nghiên cứu và sản xuất. Bài luận ấy đã khiến các thầy cô trong Khoa bất ngờ, bởi sức sáng tạo và khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn. Lại Minh Thái chia sẻ, với nguồn vải vụn xin từ các tiệm may, nhóm đã tạo ra được nhiều sản phẩm như tấm lợp dân dụng, công nghiệp, tấm lót ván sàn, vách ngăn, cửa nhựa hay chậu trồng rau… Đề tài nghiên cứu khoa học này của nhóm đã đoạt giải Nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp trường và được các DN, các nhà hoạt động môi trường quan tâm.

Lại Minh Thái (thứ hai từ trái sang) và các bạn bên mẫu sản phẩm nhựa từ vải phế thải.

Để có sản phẩm ấy, trong thời gian gần một năm, Thái cùng nhóm bạn dành thời gian lên phòng thí nghiệm thực hành, liên tục thử nghiệm. Sau mỗi lần thất bại, nhóm lại bàn bạc tìm tòi phương pháp mới. Khi hoàn thành một sản phẩm, nhóm mang tới trao đổi cùng các giảng viên, tìm hướng khắc phục những điểm chưa phù hợp.

Chia sẻ về tính ứng dụng của các mẫu sản phẩm nhựa từ vải phế thải, TS Phạm Thị Ngọc Lan (giảng viên Khoa Môi trường) cho hay: “Việc sử dụng vải phế thải thay thế sợi thủy tinh trong sản xuất nhựa composite của nhóm sinh viên Lại Minh Thái và các bạn đã cho thấy khá nhiều ưu điểm. Qua các thí nghiệm về vật liệu thì các sản phẩm từ vải phế thải đã cho thấy độ dẻo, dễ uốn cong, nhẹ và an toàn, thân thiện với người sử dụng hơn so với sản phẩm làm từ nhựa, làm từ sợi thủy tinh. Bên cạnh đó, các sản phẩm này còn tận dụng và làm giảm lượng vải phế thải ở ngoài môi trường mà mọi người thường có thói quen đốt bỏ hay chôn lấp”.

Minh Thái cho hay, composite là loại vật liệu được kết hợp từ hai hay nhiều vật liệu khác nhau, có những tính chất đặc biệt mà vật liệu ban đầu không có. Trong đó, vật liệu cốt sợi thủy tinh được dùng khá phổ biến. Quy trình tạo ra nhựa composite bằng vải phế thải được nhóm của Minh Thái thực hiện không quá phức tạp. Cứ một lớp nhựa được đun nóng chảy dưới dạng keo là một lớp vải đan xen nhau, cho đến khi đạt được độ dày dự kiến. Trong đó, vải phế thải đóng vai trò là chất gia cường thay thế sợi thủy tinh. Tất cả các loại vải phế thải với mầu sắc, kích cỡ khác nhau đều có thể được tận dụng trong quá trình sản xuất. Để hoàn thiện một mét sản phẩm với khoảng ba đến năm lớp, trung bình cần khoảng 12 tiếng để sản phẩm đóng rắn. “Trong quá trình sản xuất, phải nhanh tay trải vải và dùng các con lăn để làm sạch bọt khí giữa vải và lớp nhựa, nhằm làm tăng khả năng kết dính các nguyên liệu. Từ 15 phút đến 20 phút là khoảng thời gian tối đa để hoàn thành công đoạn trải phẳng vải trước khi lớp nhựa khô” - Minh Thái lưu ý.

Hiện tại, giá bán một kilogam nhựa từ cốt sợi thủy tinh khoảng 60.000 đồng. Sản phẩm nhựa từ cốt vải phế thải theo nghiên cứu của Thái và các bạn có giá thành rẻ hơn từ 20 - 25%. Thế nên, từ thời điểm năm 2015 đến nay, dù đã tốt nghiệp ĐH, có không ít DN liên hệ để đặt hàng các sản phẩm, nhưng Thái và nhóm đã tạm thời từ chối do còn phải tập trung cho việc học cao học. “Để nghiên cứu khoa học có thể ứng dụng vào thực tiễn, với vải phế thải trong nhiều mẫu sản phẩm, với tính thẩm mỹ và quy mô sản xuất lớn hơn, chúng em đã cố gắng hoàn thiện khắc phục một số điểm phát sinh trong quá trình nghiên cứu. Tới đây, nhóm chúng em sẽ đưa sản phẩm này ra thị trường, cùng DN chung tay bảo vệ môi trường” - Minh Thái chia sẻ.