Nhiều hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương

Nguồn: (ĐCSVN)

Ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt, trong đó có Việt Nam. Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường biển, nhiều tỉnh thành đã tích cực triển khai các hoạt động về giảm thiểu rác thải nhựa.

Ảnh minh họa: Bích Liên

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đang phối hợp cùng đội ngũ các nhà khoa học của Trường Đại học Miền Đông (tỉnh Đồng Nai) thực hiện đề tài nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ viễn thám giám sát rác thải đại dương và xây dựng hệ thống thu gom xa bờ cho vùng biển huyện Côn Đảo”.

Đội ngũ các nhà khoa học của trường sẽ ứng dụng các công nghệ hiện đại như: UAV, phân tích ảnh vệ tinh, trí tuệ nhân tạo để theo dõi, phân loại và dự báo sự di chuyển của rác thải trên biển. Từ đó, xây dựng mô hình toán học mô phỏng điều kiện thủy văn, động lực học của khu vực nghiên cứu sẽ giúp các nhà khoa học đưa ra những dự báo chính xác và các giải pháp phù hợp.

Bên cạnh việc cung cấp dữ liệu khoa học, đề tài sẽ thí điểm xây dựng một hệ thống thu gom rác thải xa bờ, có thể nhân rộng ra các khu vực khác. Hệ thống này được thiết kế với chi phí thấp, dễ vận hành và thân thiện với môi trường.

Trong thời gian từ ngày 19/7 đến ngày 2/8, các sinh viên Trường Đại học Miền Đông đã thu gom và phân loại hơn 20 tấn rác thải tại các bãi biển như: Bãi Đầm Trầu, bãi Vông, Hòn Bà, Hòn Bảy Cạnh, vịnh Đầm Tre và bến Đầm. Các số liệu thu thập được từ công tác thu gom, phân loại rác thải của sinh viên kết hợp với công nghệ viễn thám hiện đại để xây dựng bức tranh toàn cảnh về tình hình ô nhiễm rác thải biển tại Côn Đảo, làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp của đề tài.

Rác thải đại dương đang là vấn đề lớn của Côn Đảo và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đề án nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường biển tại Côn Đảo, bảo vệ hệ sinh thái biển đa dạng và phong phú của hòn đảo ngọc (vừa được Tạp chí Time Out của Anh xếp thứ 2 trong danh sách 9 hòn đảo hoang sơ đẹp nhất thế giới) và tham gia tích cực vào đề án kinh tế tuần hoàn của huyện Côn Đảo.

Còn tại Phú Yên, mới đây Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) vừa phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị công bố thực hiện mô hình Vận động ngư dân đem rác vào bờ.

Mục tiêu của mô hình là nâng cao kiến thức về chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tác hại của rác thải nhựa đến môi trường tự nhiên, đặc biệt là môi trường biển cho cán bộ, nhân viên cảng cá, ngư dân và người kinh doanh ở khu vực cảng; Tổ chức tuyên truyền về tác động, tác hại của rác thải nhựa đến ngư dân và người kinh doanh ở khu vực cảng cá; Truyền thông, vận động và giám sát ngư dân mang rác vào bờ để giảm thất thoát rác thải nhựa ra đại dương.

Các đơn vị cũng cải thiện hệ thống thu gom tại 4 cảng cá để tăng cường khả năng quản lý chất thải rắn tại cảng cũng như đáp ứng được lượng rác phát sinh từ ngư dân mang rác vào bờ tại các cảng cá, từng bước triển khai phân loại rác tại nguồn theo quy định.

Việc nâng cao nhận thức, thực hành của ngư dân, cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý cảng cá Phú Yên sẽ góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội, về thực trạng ô nhiễm và sự suy thoái môi trường tự nhiên nói chung và môi trường biển nói riêng do rác thải nhựa gây ra.

Mô hình sẽ vận động khoảng 500 chủ tàu cá ký cam kết, tham gia và cũng kêu gọi mọi người dân cùng tham gia các hoạt động thực hành giảm nhựa, tiêu dùng xanh, hạn chế phát thải rác thải nhựa, tiến tới nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần…

Thời gian thực hiện mô hình từ tháng 5-12/2024; tổng kinh phí thực hiện hơn 1,1 tỉ đồng, trong đó nguồn kinh phí từ dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam của WWF - Việt Nam./.

KN (tổng hợp)