Ngành thủy sản xây dựng kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương

Tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội của cộng đồng nông, ngư dân, các doanh nghiệp về rác thải nhựa cần phải có chiến lược dài hơi

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF phối hợp với Tổng cục Thủy sản thực hiện “Khảo sát quốc gia về sự đóng góp rác thải nhựa từ hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản vào rác nhựa đại dương”; được tiến hành trong năm 2020 tại 3 tỉnh đặc trưng cho 3 miền là Quảng Ninh (miền Bắc), Phú Yên (miền Trung) và Kiên Giang (miền Nam).

Rác nhựa ven biển. Ảnh: WWF.

Rác nhựa ven biển. Ảnh: WWF.

Rác thải nhựa thất thoát ra biển ngày một nhiều

Khảo sát về vấn đề rác thải nhựa từ hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển hướng đến hai đối tượng. T hứ nhất, đối với khai thác thủy sản: khảo sát năm loại nghề chính (nghề lưới kéo, nghề lưới vây, nghề lưới rê, nghề câu và nghề khác) tại ba vùng ngư trường khai thác khác nhau (vùng ven bờ, vùng lộng, vùng khơi). Thứ hai, đối với nuôi trồng thủy sản: khảo sát tập trung vào các loại hình nhiều khả năng phát thải rác nhựa bao gồm: nuôi tôm nước lợ ven biển và nuôi biển (nuôi: nhuyễn thể, tôm hùm và cá lồng).

Lượng rác thải nhựa phát sinh từ nguồn sinh hoạt trong khai thác thủy sản chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng lượng phát sinh nhưng lại có tỷ lệ thất thoát cao. Những thông tin thu thập được trong các đợt khảo sát đã giúp đưa ra được một số nhận xét, đánh giá về mức rác nhựa phát sinh từ hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản.

Mức phát thải tính theo số ngày khai thác cũng khác nhau theo tính đa dạng này nhưng khá tương đồng đối với các chủ tàu cùng loại hình và vùng khai thác của từng địa phương. Vì vậy, có thể dùng mức phát thải tính theo ngày trong năm (kg/ngày) như hệ số phát thải rác nhựa trong khai thác thủy sản.

Ước tính tổng lượng rác thải nhựa phát sinh do tàu khai thác thủy sản có chiều dài từ 6m trở lên của cả nước vào khoảng 64.143 tấn/năm, trong đó lượng rác nhựa thất thoát ra biển khoảng 3.814 tấn/năm (chiếm 5,6%).

Khảo sát quốc gia về sự đóng góp rác thải nhựa từ hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản vào rác nhựa đại dương được tiến hành bởi Tổng cục Thủy sản trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” của WWF phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện từ 10/2019-12/2023.

Lượng thất thoát ra biển chủ yếu từ nguồn sinh hoạt (chiếm 60% - 2.288 tấn/năm) và một phần từ ngư lưới cụ bị mất thụ động (chiếm 31% - 1.182 tấn/năm) trong quá trình khai thác.

Trong nuôi trồng thủy sản, rác nhựa phát sinh chủ yếu từ xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi như bạt lót ao nuôi, lồng, bè, lưới, thừng, phao… Đặc biệt, với nuôi thâm canh tôm nước lợ, nguồn phát sinh rác thải nhựa từ bạt lót, bao bì rất lớn (đối với nuôi tôm thẻ chân trắng, khi các ao nuôi đều được lót bạt thì mỗi năm ước tính lượng rác nhựa phát sinh khoảng 301.477 tấn, trong đó lượng bạt lót ao khoảng 164.644,2 tấn chiếm trên 50% tổng lượng rác nhựa phát sinh) và sẽ là áp lực lớn cho môi trường nếu không có giải pháp thu gom, xử lý.

Nhặt rác nhựa làm sạch san hô ở biển Phú Quốc. Ảnh: WWF.

Nhặt rác nhựa làm sạch san hô ở biển Phú Quốc. Ảnh: WWF.

Rác nhựa thất thoát ra biển từ nuôi thủy sản trên biển cũng được ước tính, tuy mức thất thoát nhỏ hơn nhưng cần được chú ý và tìm biện pháp quản lý, giảm thiểu. Theo ước tính, tổng lượng rác nhựa phát sinh từ loại hình nuôi tôm hùm mỗi năm khoảng 2.875 tấn rác nhựa, trong đó thất thoát ra biển khoảng 138,75 tấn (chiếm 4,83%). Với nuôi cá lồng, mỗi năm ước tính phát sinh 2.588 tấn rác nhựa, trong đó thất thoát ra biển khoảng 134,86 tấn (chiếm 5,21%).

Ngành thủy sản nỗ lực quản lý rác thải đại dương

Trước thực trạng rác thải nhựa đối với hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản, đầu năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định phê duyệt kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020-2030.

Mục tiêu của kế hoạch hành động là hướng đến giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất ngành thủy sản, từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương theo tiếp cận từ đầu nguồn tới đại dương, kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế xanh; nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội của cộng đồng nông, ngư dân, các doanh nghiệp về rác thải nhựa, góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn.

Quyết định 687/QĐ-BNN-TCTS ngày 5/2/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản, giai đoạn 2020-2030.