Máy tự động đổi rác thải nhựa lấy tiền tại Anh: Những ý kiến trái chiều

Ảnh minh họa: BBC

VTV.vn - Chưa biết hiệu quả về môi trường có đạt như mong đợi hay không nhưng về góc độ tài chính, quyết định gom rác thải nhựa đã gây ra không ít ý kiến trái chiều trong dư luận.

Giải quyết rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Tại một số nước, chương trình lắp đặt các máy tự động đổi chai lọ nhựa, thủy tinh đã qua sử dụng để lấy tiền từng giành được những thành công nhất định, đặc biệt là ở Đức hay Na Uy. Chính phủ Anh mới đây cũng đã bật đèn xanh cho một chương trình tương tự.

Theo tờ The Guardian, nếu chương trình được chính thức áp dụng tại Anh, giá của các loại đồ uống so với giá gốc sẽ tăng thêm trung bình khoảng 15 penny, tương đương 5.000 VND. Người dân đem đổi các loại vỏ đựng sẽ được nhận lại số tiền chênh lệch này qua hệ thống máy móc tự động.

Máy tự động đổi rác thải nhựa lấy tiền tại Anh: Những ý kiến trái chiều - Ảnh 1.

Động thái của chính phủ Anh nhằm thay đổi trực diện vấn đề lớn đang tồn tại ở nước này là trong 13 tỷ chai nhựa được bán mỗi năm, không đến 50% được đem đi tái chế. Trong khi đó, ở Đức, chương trình tương tự bắt đầu năm 2003 đã giúp tái chế tới 99% lượng chai lọ nhựa đã qua sử dụng.

Cũng theo báo này, một thống kê cho thấy các hội đồng địa phương tại Anh có thể tiết kiệm được tổng cộng tới 35 triệu Bảng/năm từ lợi ích của chương trình nói trên. Con số này đến từ việc giảm thiểu chi phí so với thu gom rác thải bằng xe ô tô thông thường. Lượng rác giảm, số thùng rác cần duy trì có thể cũng sẽ ít hơn, kèm theo đó là đỡ tốn kém chi phí hoạt động tại các bãi chứa rác thải.

Máy tự động đổi rác thải nhựa lấy tiền tại Anh: Những ý kiến trái chiều - Ảnh 2.

Tuy nhiên, cũng ngay lập tức có những số liệu ước tính được BBC công bố cho thấy một khía cạnh phức tạp khác của vấn đề. Hệ thống máy tự động đổi chai lọ nhựa lấy tiền này ở Đức ban đầu tiêu tốn khoảng hơn 600 triệu Bảng và 700 triệu Bảng hàng năm cho việc vận hành.

Hiệp hội nhựa tại Anh cho rằng nếu chương trình được triển khai trên toàn quốc, khả năng chi phí sẽ lên tới 1 tỷ Bảng và tiếp theo là một con số tương đương cho tiền vận hành, bảo trì mỗi năm. Báo này nhận định, dù chương trình nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ giới hoạt động vì môi trường nhưng lại khiến các doanh nghiệp không khỏi lo ngại.

Trong một nhan đề khác, The Guardian cho biết, các chuỗi siêu thị bán lẻ lớn tại Anh như Tesco, Sainsbury’s hay Morrisons đều hoan nghênh dự án này và sẵn sàng hợp tác với chính phủ. Tuy nhiên, các vấn đề chính cần giải quyết vẫn còn chưa được định hình rõ ràng. Ai sẽ là người chi trả các chi phí đắt đỏ cho chương trình, số lượng hàng chục nghìn máy móc sẽ được đặt ở vị trí nào để tiện lợi và mang tính cổ vũ người dân tích cực hơn trong việc tái chế các loại rác thải từ vỏ đựng đồ uống?

Chương trình tương tự áp dụng cho chai thủy tinh đã từng được triển khai những năm 60 nhưng không tồn tại được lâu do sự xuất hiện của các loại vật liệu nhựa giá rẻ. Kế hoạch triển khai hệ thống này của Bộ trưởng Môi trường Anh Michael Gove được cho là chưa đủ chi tiết và vẫn cần thêm nhiều thời gian nghiên cứu để có thể đạt hiệu quả tốt nhất trên thực tế.