Mất cân bằng giữa kinh tế và bảo vệ môi trường

Tái chế là một nhánh trong 3R (giảm thiểu – tái sử dụng – tái chế) phát triển nền kinh tế tuần hoàn, có lợi ích cả về kinh tế và môi trường trong tương lai.

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động này chủ yếu qua các kênh thủ công truyền thống (đồng nát) và đưa về xử lý tại các điểm tập kết nhỏ lẻ, rải rác ở quanh khu vực ngoại thành gây nhiều hệ lụy. Mặt khác, công tác quản lý bị thả nổi cũng đang khiến những lợi ích tiềm tàng trở nên hoang phí.

Phế phẩm bị đốt trộm, gây nguy hại đến môi trường tại xã Quảng Phú Cầu. Ảnh: Vũ Khoa
Phế phẩm bị đốt trộm, gây nguy hại đến môi trường tại xã Quảng Phú Cầu. Ảnh: Vũ Khoa

Đổi thay trong đời sống vật chất của người dân ở các “làng tái chế” cho thấy, khai thác kinh tế từ tái chế rác thải không phải chuyện viển vông. Tuy nhiên, làm sao đảm bảo lợi ích kết hợp với bảo vệ môi trường lại không dễ dung hòa.

Bỏ ruộng đi “làm rác”

Trên địa bàn Hà Nội, có đến hàng trăm, hàng nghìn cơ sở thu gom đồng nát, tái chế rác nhựa, kim loại lớn nhỏ rải rác khắp TP. Ở một số địa phương, những cơ sở tái chế đông đúc hoạt động theo mô hình hộ gia đình còn hình thành nên những “làng tái chế”.

Ông Nguyễn Văn Thế, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa cho biết, từ khi ông và hàng trăm hộ dân thôn Xà Cầu rời ruộng chuyển sang làm nghề phân loại, sơ chế rác thải, nguồn thu nhập bình quân hàng tháng dần trở nên ổn định. Tới nay đã xấp xỉ 10 năm, ông vẫn cần mẫn làm công việc phân chia, bóc gỡ ni-lông khỏi chai nhựa phế liệu trước khi được đưa vào tái chế.

"Công việc này không tốn quá nhiều sức lao động, lại giúp người có tuổi như tôi đảm bảo mức lương từ 6 – 7 triệu đồng/tháng, chứ nếu chỉ trông vào mấy sào ruộng thì không sống được” - ông Nguyễn Văn Thế chia sẻ.

Hoạt động thu gom rác thải tái chế tại huyện Phúc Thọ
Hoạt động thu gom rác thải tái chế tại huyện Phúc Thọ

Tái chế rác cứ vậy mà nghiễm nhiên trở nên một nghề đích thực, thành công ăn việc làm cho người dân địa phương, không những vậy còn thu hút thêm lao động ở khu vực xung quanh. Từ chỗ chỉ tham gia vào những mô hình tái chế thủ công vào lúc nông nhàn, là nguồn thu nhập phụ, tái chế rác dần trở thành nghề nghiệp, là bữa cơm, giấc ngủ của người dân.

Ông Vũ Xuân Hoạt, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ cũng làm việc trong một cơ sở tái chế rác cho biết, đi thu gom phế liệu, mỗi ngày được một vài trăm ngàn, trong khi cấy cả sào ruộng chỉ được triệu bạc nên nhiều người dân địa phương bỏ ruộng.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Phi - chủ một cơ sở tái chế ở cụm 12 xã Phụng Thượng cũng bày tỏ, nhờ công việc thu gom phế liệu, thu nhập của gia đình đã được cải thiện rất nhiều, mặt khác còn tạo công ăn việc làm cho nhiều nhân công tại địa phương.

Ô nhiễm biến tướng

Khía cạnh tích cực, tái chế rác có thể cải thiện thu nhập, đời sống vật chất của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, do cách làm tự phát, manh mún như hiện nay, nguy cơ và hệ lụy lâu dài khi môi trường sống bị tàn phá còn lớn hơn nếu không được giải quyết thấu đáo.

Thực tế, ở các làng nghề tái chế như tại Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ)... tình trạng ô nhiễm có diễn biến phức tạp đối với cả nước, đất và không khí. Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, sau khi sàng lọc chất liệu có thể tái chế, chế phẩm dư thừa không có điểm tập kết mà được người dân xử lý bằng cách chôn lấp, đốt hoặc đổ thẳng ra môi trường.

Lốp cao su tái chế tập kết ở ven đường
Lốp cao su tái chế tập kết ở ven đường

Theo bà Trần Thị Hoàn, người dân sống trên địa bàn thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, cảnh khói đen nghi ngút bốc lên từ những bãi rác bị đốt giữa đường, màu nước đen vì ô nhiễm không hiếm thấy ở Xà Cầu. Tuy phải đối diện với nhiều nguy cơ liên quan đến sức khỏe nhưng vì cuộc sống, thu nhập nên nhiều khi người dân cũng đành tặc lưỡi và mong sẽ có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

“Các điểm ô nhiễm phế liệu chủ yếu là do một số người đốt trộm. Nếu để tình trạng này kéo dài, chúng tôi e ngại rằng sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng nặng nề” - bà Trần Thị Hoàn chia sẻ.

Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, do hoạt động tự phát, không ít chủ cơ sở thu gom phế liệu có tư duy hoạt động tạm bợ, bỏ qua việc bảo vệ môi trường, xử lý rác thải sau tái chế trong khi các cơ quan quản lý thì lúng túng. Tình trạng đổ, đốt, chôn lấp trộm phế phẩm vì vậy mà ngày càng trở nên phức tạp.

Ví dụ như tại Phúc Thọ, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện chưa có quy hoạch khu thu gom tập trung, phục vụ cho các hộ gia đình hoạt động ngành nghề thu gom, tái chế rác thải.

Rác thải dù được công ty môi trường thu gom ở từng hộ gia đình nhưng ở một số xã như Võng Xuyên, Phụng Thượng, tình trạng người dân đốt trộm phế liệu vẫn diễn ra nhức nhối. Nguyên nhân chủ yếu do người dân còn chưa tự giác, tránh phải đóng phí thu gom cho rác thải nguy hại hoặc đốt vỏ nhựa để lấy ruột đồng và các vật liệu có thể tái chế.

(Còn nữa)

Ở các làng tái chế phế liệu, những người lao động làm việc trực tiếp thực ra không phải nhóm được hưởng lợi, chính bản thân họ đã và đang phải đối mặt với các nguy cơ sức khỏe liên quan đến ô nhiễm môi trường vì đồng lương ít ỏi. Ngược lại, lợi nhuận phần lớn được thu về cho nhóm chủ xưởng nhưng những người này thường không sinh sống trên địa bàn ô nhiễm.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội)