Cần nhiều vốn hơn để châu Á tích cực tái chế nhựa

Cũng giống như sự hứng thú với năng lượng sạch, các công ty đầu tư mạo hiểm đang dần chuyển sự chú ý đến quản lý chất thải.Những lời kêu gọi hành động để giải quyết hậu quả của ô nhiễm nhựa đang gia tăng nhanh chóng, tuy nhiên số vốn huy động để giải quyết vấn đề này vẫn chưa đủ để tạo ra tác động đáng kể.

Có thể giảm 80% rác thải nhựa "rò rỉ" ra đại dương vào năm 2040 thông qua việc sử dụng các công nghệ hiện có, nếu chúng ta kết hợp các giải pháp thượng nguồn và hạ nguồn, bao gồm giảm thiểu, thay thế và tái chế nhựa nguyên sinh, để đạt được sự thay đổi mang tính hệ thống.

Để chặn đứt và phòng ngừa chất thải nhựa hiện có chảy vào đại dương, khu vực cần khẩn trương xây dựng một ngành công nghiệp tái chế và quản lý chất thải linh hoạt và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của thế giới theo hướng tuần hoàn.

Sự phát triển của một hệ sinh thái quản lý chất thải bền vững và tái chế nhựa cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Chỉ riêng việc ngăn chặn rò rỉ nhựa ở Ấn Độ và Indonesia đã có thể loại bỏ 150 triệu tấn khí thải carbon ra môi trường, tương đương với việc đóng cửa 40 nhà máy nhiệt điện than.

Cũng giống như sự hứng thú với năng lượng sạch, các công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào tương lai đã chuyển sự chú ý của họ đến các công nghệ và mô hình cải thiện hệ thống quản lý chất thải, mở rộng phạm vi nhựa có thể tái chế, cũng như các ứng dụng của chúng. Các tập đoàn cũng đang dần nhìn nhận cơ hội để tăng cường tính bền vững và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng của họ.

Các nhà đầu tư hiện đã chú ý đến tiềm năng thu được cả lợi nhuận và tác động từ nền kinh tế tuần hoàn. Chỉ trong hơn hai năm, các nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới đã ra mắt 10 quỹ đầu tư đại chúng tập trung vào nền kinh tế tuần hoàn.

Kể từ năm 2020, tài sản được quản lý thông qua các quỹ này đã tăng gấp sáu lần.

Theo Báo cáo lưu hành của Google, trong 20 năm tới, cần huy động hơn 600 tỉ USD để đảm bảo rằng các chuỗi cung ứng tuần hoàn có thể đáp ứng nhu cầu toàn cầu về nhựa. Để đáp ứng khoảng cách tài trợ khổng lồ này, chúng ta cần một cách tiếp cận chung tay từ cả khu vực nhà nước và tư nhân, bất kể dòng vốn bắt nguồn từ đâu.

Châu Á, nhờ vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu và quy mô thị trường tiêu dùng rộng lớn, sẽ là nơi sử dụng nhựa rất nhiều, đồng nghĩa với việc đây cũng là địa điểm tiềm năng để triển khai nền kinh tế tuần hoàn.

Mặc dù vậy, một số nhà đầu tư châu Á vẫn còn do dự trong việc tham gia cuộc đua để mở ra các cơ hội hiện hữu ngay tại khu vực này. Cho đến gần đây, đầu tư để tạo tác động ở châu Á chủ yếu được nhìn nhận qua lăng kính từ thiện, và khái niệm rằng các khoản đầu tư có thể đồng thời tạo ra tác động tài chính, môi trường và xã hội vẫn còn tương đối mới. Nhưng điều này đang bắt đầu thay đổi.

Mặc dù các nhà đầu tư châu Á có thể bắt đầu đầu tư bền vững muộn hơn so với châu Âu hoặc Hoa Kỳ, nhưng mức độ quan tâm đang dần tăng lên trong những năm gần đây. Ngoài ra, khi ngày càng có nhiều tổ chức tài chính quốc tế tham gia vào việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường kinh tế tuần hoàn, họ cũng đang giúp thúc đẩy tài chính địa phương và thu hút các nguồn vốn mới từ khu vực.

Đây là thời điểm duy nhất mà công chúng, các công ty và chính phủ đều thống nhất về nhu cầu chống ô nhiễm nhựa, đặc biệt là khi các cuộc đàm phán bắt đầu cho một hiệp ước nhựa toàn cầu sẽ được thống nhất vào năm 2024, theo cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Môi trường LHQ vào tháng 3.

Một công nhân đang phân loại hạt nhựa để tái chế ở Bogor, Indonesia. Ảnh: AP.
Một công nhân đang phân loại hạt nhựa để tái chế ở Bogor, Indonesia. Ảnh: AP.

Rõ ràng là châu Á mang đến những cơ hội đầu tư to lớn vào nền kinh tế tuần hoàn đối với ngành nhựa. Trong khi dòng vốn có truyền thống bắt nguồn từ phương Tây, các nhà đầu tư trong khu vực này đang có xu hướng tối ưu để nắm bắt thời điểm và tận dụng những diễn biến hấp dẫn trong “sân nhà. Nếu xu hướng đầu tư cho các giải pháp tuần hoàn đi theo quỹ đạo trong quá khứ, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi chúng làm lu mờ các đối tác toàn cầu.