​ Coca-Cola ra mắt mẫu chai nhựa mới với nắp chai không rơi ra khi mở

Coke biết rằng nắp chai nước ngọt của họ sớm muộn cũng bị ném vào thùng rác. Do đó, họ tìm cách giải quyết vấn đề bằng cách… khiến chúng dính cứng vào chai - ít nhất là tại thị trường Anh Quốc.

Theo CNN, hồi đầu tuần này, công ty nước giải khát Anh công bố sẽ tung ra nhiều phiên bản chai nhựa mới, với nắp chai không thể tháo rời - một thiết kế mà hãng tin rằng sẽ giúp các công ty tái chế “dễ thở” hơn khi có thể nghiền nát cả chai cả nắp cùng lúc, đồng thời cũng giúp sọt rác nhà bạn bớt đầy hơn.

Cụ thể, các chai nhựa nước giải khát Coke, Coke Zero Sugar, Diet Coke, Fanta, Sprite, và Dr Pepper đều sẽ sử dụng loại nắp mới vào đầu năm 2024. Như đã nói ở trên, loại nắp này chỉ có tại thị trường Anh Quốc.

Đây là một thay đổi nhỏ mà chúng tôi hi vọng sẽ mang lại tác động lớn, đảm bảo rằng khi người tiêu dùng tái chế chai nhựa, nắp chai sẽ không bị bỏ sót lại” - theo Jon Woods, tổng giám đốc Coca-Cola Great Britain.

Rác thải nhựa là một vấn đề môi trường nghiêm trọng trên toàn cầu. Nhựa sẽ bị phân hủy thành vi nhựa, phát tán khắp nơi trong không khí và đại dương, gây hại cho đời sống thủy sinh. Chúng có thể nhiễm vào thức ăn hay phổi của chúng ta, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe.

Coca-Cola ra mắt mẫu chai nhựa mới với nắp chai không rơi ra khi mở

Hiển nhiên, vấn đề này cũng trở thành một mối bận tâm lớn về mặt quan hệ công chúng (PR) đối với những công ty như Coke. Khi chai nhựa, hay nắp chai, của công ty xuất hiện rải rác trên khắp các bãi biển hay bãi rác, người tiêu dùng có thể ngay lập tức nhận ra chúng là các sản phẩm của Coke và khiến uy tín của công ty bị ảnh hưởng. Kết quả là ngày càng nhiều công ty tìm cách để giảm thiểu rác thải nhựa của chính mình.

Bên cạnh uy tín và tác động môi trường, các công ty còn phải đối mặt với các quy định của chính phủ. Ví dụ, theo chính sách về các sản phẩm nhựa dùng một lần, EU yêu cầu nắp chai phải được dính cứng vào vỏ một số chai nhựa. Các công ty sẽ phải tuân thủ quy định này chậm nhất là vào cuối năm 2024.

Động thái mới nhất của Coke tại Anh Quốc là một phần trong sáng kiến toàn cầu “World Without Waste” (Thế giới không rác thải) của hãng, trong đó đặt mục tiêu hỗ trợ hoạt động thu thập và tái chế chai nhựa rỗng do công ty sản xuất đến năm 2030. Ngoài ra, hãng còn dự định chế tạo các mẫu chai nhựa bằng 50% vật liệu tái chế vào năm 2030, và tiến đến đóng gói sản phẩm bằng 100% vật liệu có khả năng tái chế vào năm 2025.

Tuy nhiên, một số nhà hoạt động môi trường vẫn chỉ trích những nỗ lực của Coca-Cola, với lý do là cách làm chưa đến nơi đến chốn.

Dù nắp chai nhựa có dính lại hay không, công ty này vẫn sản xuất hàng tỷ chai nhựa dùng một lần mỗi năm, gây tổn hại cho môi trường, cộng đồng, và khí hậu của chúng ta, ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta” - theo Graham Forbes, trưởng dự án nhựa toàn cầu tại tổ chức Greenpeace USA.

Thay vì tập trung vào tái chế, một giải pháp được đánh giá là không hoàn hảo, nhiều nhà hoạt động môi trường đề xuất chuyển sang sử dụng các loại chai có thể tái sử dụng.

Nếu họ thực sự muốn giải quyết vấn nạn nhựa và khủng hoảng khí hậu, Coca-Cola phải tập trung vào giảm thiểu nhựa bằng cách tăng gấp đôi mục tiêu tái sử dụng chai, lên mức 50% vào năm 2030” - Forbes nói.