​Vì sao chim biển thích ăn nhựa, túi ni lông?

(NTD) - Mới đây, các nhà khoa học vừa tuyên bố một thống kê, trong đó, 90% các loài chim biển đều thích ăn các mảnh vụn nhựa, túi ni lông nổi trên biển.

Theo các nhà khoa học, các chất thải nhựa, túi ni lông trôi trên biển dần dần sẽ tích tụ tảo và tạo ra mùi hương giống với các loài nhuyễn thể trên biển mà nhiều loài chim biển săn bắt. Phát hiện này có thể giải thích tại sao một số loài chim thường dựa vào khứu giác để kiếm ăn, dễ nuốt phải nhựa và tủi ni lông.

Ông Matthew Savoca, tác giả chính của nghiên cứu tại Đại học California Davis cho biết: “Nếu chúng ta muốn tìm hiểu lý do tại sao động vật, đặc biệt các loài chim thường ăn các mảnh nhựa vụn trong đại dương thì cần phải suy nghĩ về cách thức chúng tìm kiếm thức ăn”.

Tỷ lệ ô nhiễm nhựa đang dần gia tăng trên toàn thế giới. Theo số liệu thống kê được từ các chuyên gia, năm 2015 có khoảng 8 triệu tấn nhựa thải ra biển.

rác thải

Theo tìm hiểu, không chỉ chim mà các loại sinh vật khác như rùa và cá cũng nuốt phải nhựa và túi ni lông. Ảnh: Theguardian

Theo tìm hiểu, không chỉ chim mà các loại sinh vật khác như rùa và cá cũng nuốt phải nhựa và túi ni lông. Điều này có thể gây ảnh hưởng lớn tới cơ quan nội tạng như tắc nghẽn ruột hoặc vô tình đưa các chất hóa học vào trong cơ thể động vật. Trước đây, một số nghiên cứu về vấn đề này đã được thực hiện và các nhà khoa học đã kết luận, việc các loài chim ăn chất thải như nhựa và túi ni lông là do chúng nhầm lẫn với con mồi.

Để tìm hiểu lý do các mảnh vụn nhựa lại thu hút chim biển, các nhà khoa học đã tiến hành đưa các hạt làm từ 3 vật liệu nhựa phổ biến: nhiều polyethylene, ít polyethylene và polypropylene xuống biển thuộc Vịnh Monterey và Vịnh Bodega, ngoài khơi bờ biển California. Các hạt này được đính vào túi lưới và phao để tránh các loài động vật khác ăn phải.

Ba tuần sau đó, các hạt này được vớt lên và được đem đến nghiên cứu tại Viện khoa học thực phẩm và rượu Robert Mondavi. Các hạt nhựa thu được đều sản xuất ra hợp chất lưu huỳnh, sulfide dimethyl (DMS), liên kết với tảo biển và nổi trên mặt nước.

Phần thứ 2 của phân tích, các nhà khoa học sử dụng dữ liệu của 55 nghiên cứu và 13.315 loài chim. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, các loài chim biển theo dõi mùi hương của DMS để săn mồi, gồm các loài thuộc giống hải âu, đây là loài chim có khả năng ăn nhựa gấp 6 lần so với các loài chim thông thường.

Các nhà khoa học cho biết, phát hiện trong nghiên cứu này là một cảnh báo về lượng chất thải nhựa ra đại dương. Chim biển là loài bị đe dọa và chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ vấn đề này.

Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy mức báo động, 90% chim biển đều ăn mảnh nhựa và ảnh hưởng lớn tới các cơ quan nội tạng.