SAO KHÔNG MUỐN BÁN BMP?

(DĐDN) – Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu so sánh với Nhựa Tiền Phong thìhành lang thoái vốn của BMP có vẻ rộng rãi, thông thoáng hơn. Cũng chính vì lý do đó, thị trường đang khá băn khoăn với câu hỏi: SCIC có thể bán được Nhựa Bình Minh, tại sao không bán?


Quá thuận lợi

Với BMP, nơi mà SCIC đang nắm sở hữu cổ phần 29,52% trên vốn điều lệ, “Á Vương” ngành nhựa đang có nhiều điều kiện để SCIC thoái vốn dễ dàng hơn.

Thứ nhất, mặc dù BMP thua Nhựa Tiền Phong ở tổng thị phần, quy mô, doanh số, lợi nhuận, nhưng xét theo thị giá thị trường, cổ phiếu BMP luôn nằm trong danh mục đầu tư ưa thích và phù hợp khẩu vị của mọi nhà đầu tư.
Đối với các nhà đầu tư giá trị, cổ phiếu BMP luôn mang lại lợi nhuận cổ tức cao. Tháng 6 vừa qua, BMP đã chia cổ tức bằng tiền tới 45%. Trước đó, 15% cổ tức của 2015 cũng đã được chia. Và có thể nói chính xác kể từ năm 2009, kể từ khi niêm yết đến nay, BMP đều chia cổ tức bằng tiền với tỷ lệ cao. Do đó, đây không chỉ là “Con gà đẻ trứng vàng” cho SCIC, các cổ đông lớn trong đó có đồng cổ đông Thái Lan (với Nhựa Tiền Phong) mà còn của các cổ đông nhỏ lẻ nói chung. Tất nhiên, đây sẽ chỉ là yếu tố thuận lợi bước đầu cho thấy thị trường đánh giá rất cao BMP, không đồng nghĩa những cổ đông nhỏ sẽ cơ hội “vớt” cổ phiếu BMP từ tay SCIC, bởi, hình thức đấu giá cổ phần SCIC thường diễn ra theo lô hoặc lô lớn, trị giá cao, đòi hỏi khả năng tài chính của những nhà đầu tư tổ chức.

45% là tỷ lệ BMP chia cổ tức trong tháng Sáu vừa qua cho năm 2015, chưa tính đến việc trước đó, DN này đã chia cổ tức 15% của năm 2015.

Thứ hai, đứng ở góc độ đầu tư tổ chức, BMP là “hàng hiếm”, có tỷ suất sinh lợi tốt, đầu tư theo trường phái giá trị hay tăng trưởng. Thanh khoản là yếu tố hỗ trợ cơ bản của cổ phiếu BMP khiến dòng tiền liên tục chảy vào, với đặc trưng BMP cũng là cổ phiếu “nhạy” với thị trường, có nhiều thông tin để thị giá có thể lên hoặc xuống, không đứng im hay đi ngang – điều mà các nhà đầu tư tăng trưởng tối kỵ.

Lấy ví dụ, bất chấp thông tin bị thanh tra thuế và bị phạt, cổ phiếu BMP đã có tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian gần đây, với tin “bệ đỡ” thoái vốn nhà nước – trong khi thực tế 100% nhà đầu tư trên thị trường đều nắm rõ SCIC chưa có kế hoạch “nhả” BMP trong năm nay. Tính đến 14/10/2016, thị giá BMP đã vượt ngưỡng 200.000 đồng/ cổ phiếu, ngưỡng giá “trong mơ” với mức tăng tới 55% so với mức giá hồi đầu năm 2016. Rõ ràng nhà đầu tư có thể sẽ “ôm cây đợi thỏ”, bình tĩnh chờ SCIC thực sự “nhả” BMP. Theo đó, khả năng tăng giá của cổ phiếu này cho dù khó khẳng định vì mức tăng đã quá tốt, nhưng kế hoạch sáp nhập Nhựa Đà Nẵng (DPC) thì vẫn còn đó. Và với kịch bản hoán đổi cổ phiếu tỷ lệ cao trong năm, nhà đầu tư cũng sẽ có thêm cơ hội sinh lợi mới.

Thứ ba, về hành lang pháp lý mời gọi đối tác, BMP hơn hẳn Nhựa Tiền Phong khi nhất quán chủ trương nới room 100% sở hữu nước ngoài. Đây là điều kiện cơ bản để SCIC có cơ may tìm kiếm đối tác ngoại tốt nhất, bán “trọn gói” khoản vốn “trứng vàng” của mình mà không lo bị ép. Cơ hội bán vốn cho nhà đầu tổ chức trung hạn hoặc dài hạn cũng rộng đường hơn nhờ những lý do thanh khoản nêu trên, bao gồm lựa chọn bán vốn cho chính nhà đầu tư đối tác hiện hữu từ Thái hoặc các cổ đông ngoại khác. Hiện BMP đang có nhiều cổ đông ngoại với cổ đông lớn nhất trong khối này là nhà đầu tư Thái Lan chiếm hơn 20%.

“Lợi quá hóa… bất cập”

Thừa nhận cơ hội bán vốn SCIC tại các DN ngành nhựa đang khá cao, ông Phạm Viết Muôn, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng, nhìn chung cơ hội bán vốn của SCIC tại những DN lớn đầu ngành mà SCIC đang nắm tỷ lệ sở hữu, tốt hơn hẳn ở những DN vừa, nhỏ, những hàng hóa không đặc biệt sinh lợi. Ông Muôn cũng nói rằng với ngành nhựa, không phải là ngành điều kiện đặc biệt hoặc có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng an sinh xã hội, nên chắc chắn SCIC không có lý do gì mà không bán. Có chăng, là vấn đề nằm ở giá bán và người mua. Chọn thời điểm nào để người mua thực sự sẵn sàng, giá bán tốt nhất, để 2 bên găp nhau và thương vụ được đóng dấu “done” – hoàn tất một cách tốt đẹp cho lợi ích của cả 2 bên, là bài toán các bên phải tính.

Trở lại với việc vì sao SCIC chưa bán vốn ở BMP trong năm nay? Lưu ý là chưa, chứ không phải không, các chuyên gia nhấn mạnh với mức sinh lợi hấp dẫn của BMP, đặc biệt với tổng mức chia cổ tức dự chi cổ tức mang về gần cả trăm tỷ đồng lợi tức, SCIC tất nhiên chưa dễ từ bỏ ngay nếu còn cơ hội… trì hoãn. Đây là cách tính toán hợp lý xét ở phương diện đầu tư.

Một chuyên gia nhận xét: “Đôi khi trong đầu tư, lợi quá hóa bất cập. Chính vì mức giá BMP đã tăng trưởng khá mạnh kể từ đầu năm đến nay nên việc SCIC định giá chào bán đấu thầu hoặc bán qua thị trường niêm yết số lượng cổ phần sở hữu của mình cũng trở nên không dễ. Định giá thấp so với thị giá, sẽ lo “hớ” và hụt mục tiêu quản lý sinh lợi vốn nhà nước, định giá cao sẽ khó có người mua. Hơn 29% vốn của SCIC tại BMP vì thế giống như “một cô gái đẹp”, cần có thời điểm để chọn đúng người “gả bán” đúng giá, phù hợp, có lợi cho định hướng phát triển dài hạn của DN lẫn có lợi cho bên bán. Người mua, tất nhiên nếu không có lợi, và họ rất khôn ngoan, ông Phạm Viết Muôn khẳng định họ sẽ chẳng dại bỏ tiền.

Theo cách lý giải đó, có thể “thông cảm” với việc SCIC chưa đặt phần vốn sở hữu tại BMP vào danh mục thoái vốn năm nay. Một chuyên gia cũng cho rằng mặc dù tỷ lệ sở hữu không quá lớn, nhưng do giá cổ phần được đánh giá và tương lai sẽ khá tốt khi DPC hoàn tất sáp nhập BMP, SCIC hoàn toàn có thể tính đến phương án bán vốn BMP theo cách tìm đối tác liên doanh tư vấn, như đang làm với Vinamilk. Sự tư vấn chuyên nghiệp của những tổ chức tài chính hàng đầu sẽ tăng cường cơ hội tìm kiếm những đối tác tối ưu nhất mà không phụ thuộc vào một vài nhà đầu tư trong danh sách hiện hữu hoặc tiềm năng có thể nhìn thấy của BMP. Đối tác hoàn toàn mới, đầu tư dài hạn và đi cùng ngành nhựa, góp phần thúc đẩy lợi thế của một DN năng động đang đi theo định hướng thoát lối quản trị Nhà nước và cạnh tranh, khiến đối thủ ngành cũng phải thay đổi – một “định vị” đối tác như vậy sẽ sở hữu vốn thay SCIC tại BMP là có thể, sao lại không?