Người lao động thắng kiện gần 400 triệu đồng

Ông Vũ Ngọc Hà - GĐ Trung tâm Tư vấn pháp luật công đoàn - LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đang tư vấn cho NLĐ là chị Linh (bìa phải).

Tại vụ án lao động, Cty CP công nghiệp nhựa Phú Lâm (chi nhánh KCN Amata, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) “Quyết định kỷ luật sa thải và đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” với người lao động, HĐXX - TAND TP. Biên Hòa (Đồng Nai) xác định, nội dung các biên bản do Cty Phú Lâm lập ra cho rằng “NLĐ có dự họp và không đồng ý ký tên vào biên bản” là không đúng với quy định theo Điều 11, Nghị định 41/NĐ-CP ngày 6.7.1995 của Chính phủ. Ngoài ra, đây là cách đối phó của Cty, hợp thức hóa biên bản để buộc NLĐ nghỉ việc. HĐXX đã tuyên NLĐ thắng kiện và buộc Cty Phú Lâm bồi thường 374 triệu đồng…

Người lao động thắng kiện

TAND TP. Biên Hòa tỉnh Đồng Nai đã đưa vụ án lao động “Quyết định kỷ luật sa thải và đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” giữa nguyên đơn là chị TH (ngụ TP. Biên Hòa, Đồng Nai) và bị đơn Cty CP công nghiệp nhựa Phú Lâm (chi nhánh KCN Amata, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) ra xét xử sơ thẩm.

TAND TP. Biên Hòa đã ra bản án ngày 15.9, tuyên buộc Cty Phú Lâm phải bồi thường cho NLĐ là chị TH (ngụ TP. Biên Hòa, Đồng Nai) tổng số tiền trên 374 triệu đồng gồm: Tiền lương những ngày không được làm việc, đóng tiền bảo hiểm xã hội, bồi thường 2 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt HÐLÐ trái luật, bồi thường 45 ngày báo trước, bồi thường thêm 2 tháng tiền lương do công ty không đồng ý nhận người lao động trở lại làm việc. HĐXX yêu cầu Cty Phú Lâm phải hủy quyết định sa thải và quyết định thôi việc đối với chị TH.

Chị TH vào làm việc tại Cty Phú Lâm từ năm 2005 theo hợp đồng lao động (HÐLÐ) không xác định thời hạn. Công việc của chị là phụ trách HÐLÐ, bảo hiểm con người, giấy phép lao động, visa tạm trú, nhân sự… với tổng mức lương trên 7,6 triệu đồng/tháng (tính đến thời điểm bị công ty cho thôi việc). Trong thời gian làm việc, chị luôn hoàn thành công việc được giao.

Ðến ngày 16.9.2013, Cty ra quyết định sa thải với lý do: “Nhiều lần không phục tùng mệnh lệnh của Cty”. Đến ngày 19.9.2013, Cty tiếp tục ra quyết định cho chị thôi việc, với lý do: “Vi phạm nội quy của Cty về sự điều động phân công công việc, không chấp hành sự chỉ đạo của cấp trên” (!?).

NLĐ khẳng định Cty đối phó bằng biên bản giả

Ông Vũ Ngọc Hà - GĐ Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (LĐLĐ tỉnh Đồng Nai) - cho biết: Tôi trực tiếp tư vấn để bảo vệ quyền lợi NLĐ tại tòa và trực tiếp phát hiện ra chữ viết của người đại diện Cty Phú Lâm tại tòa và người ghi biên bản cho rằng NLĐ không ký vào biên bản chính là cùng một người. Do đó, tôi đã yêu cầu tiến hành giám định và có kết luận là đúng cùng một người và người này vào làm việc tại Cty Phú Lâm sau khi NLĐ bị nghỉ việc. Từ đó, xác định, Cty Phú Lâm lập biên bản cho rằng NLĐ có dự họp nhưng không đồng ý ký tên vào biên bản là sai quy định. “Đây chỉ là cách đối phó của Cty, hợp thức hóa biên bản để NLĐ nghỉ việc” - ông Hà cho biết.

Theo đó, ngoài chị TH, chị Trịnh Thị Mỹ Linh cũng gặp tình cảnh tương tự khi tham gia làm việc tại Cty Phú Lâm từ năm 2008 và cho chị Linh nghỉ việc năm 2014. Hiện nay, chị Linh đã khởi kiện ra tòa và phiên phúc thẩm đã tuyên hủy để xét xử lại. “Hai vụ việc của chị Linh và chị TH là tương đối giống nhau. Khi cho NLĐ nghỉ việc không lập biên bản nào cả, nhưng khi bị khởi kiện ra tòa thì Cty đối phó bằng cách lập hàng loạt biên bản. Tuy nhiên, NLĐ khẳng định đều là giả” - ông Hà cho biết.

Tại bản án về vụ án lao động “Quyết định kỷ luật sa thải và đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” giữa nguyên đơn là chị TH và Cty Phú Lâm, HÐXX nhận định, việc Cty Phú Lâm điều chuyển công việc đối với chị TH là không phù hợp với quy định của pháp luật. Cty không có chứng cứ chứng minh việc chị TH không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm nội quy Cty. Cty biết việc ra quyết định sa thải đối với chị TH là sai nhưng Cty lại không ra quyết định thu hồi hoặc hủy bỏ…

Chị TH và chị Trịnh Thị Mỹ Linh đã gửi đơn lên Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai yêu cầu xác minh CĐCS Cty Phú Lâm tự lập các biên bản kỷ luật NLĐ. Theo đó, chị TH và chị Linh cho rằng: Dù trong quá trình làm việc không sai phạm, nhưng CĐCS Cty Phú Lâm lại tiến hành kỷ luật NLĐ. “Tôi xin khẳng định là tất cả các cuộc họp xử lý kỷ luật tôi là không có. Ngoài ra theo biên bản họp ngày 15.9.2013 chỉ có 3/9 thành viên tham dự nhưng lại kết luận là BCHCĐ chi nhánh Cty CP nhựa Phú Lâm thống nhất đề nghị xử lý kỷ luật lao động bà Linh” - chị Linh cho biết.

laodong.com.vn