​HIỆP HỘI NHỰA VIỆT NAM HỌP MẶT HỘI VIÊN ĐẦU NĂM NHÂM DẦN 2022

Ngày 17/3/2022 tại Continental, quận 1,TP HCM- Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) đã tổ chức tổng kết họp mặt đầu năm Nhâm Dần 2022. Nhân dịp này VPA đã báo cáo tổng kết hoạt động năm 2021 đồng thời định hướng các mục tiêu cho 2022. Buổi họp mặt diễn ra trong không khí ấm cúng thân mật với sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp hội viên…Cũng trong dịp này nhiều thông tin mới quan trọng và bổ ích liên quan tới ngành nhựa được các chuyên gia hàng đầu chia sẻ với doanh nghiệp


Kinh tế - xã hội năm 2021 của nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi khi các nước đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vắc - xin phòng chống dịch Covid-19 nhưng sự xuất hiện các biến chủng mới khiến quá trình phục hồi kinh tế có dấu hiệu chậm lại.

Và đặc biệt, làn “sóng thần” dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng Tư với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ… ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân và phát triển kinh tế - xã hội làm tăng trưởng kinh tế có mức giảm sâu nhất, tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh của mọi ngành nghề kinh tế đều suy giảm trầm trọng trong đó không thể thiếu ngành Nhựa, một trong những ngành công nghiệp phụ trợ cho hầu hết các đầu vào của những sản phẩm thiết yếu của đời sống. Hiệp hội Nhựa Việt Nam xin tổng hợp và báo cáo các hoạt động Hiệp hội đã triển khai trong năm 2021 và những kết quả sản xuất kinh doanh của ngành nhựa để chúng ta có cái nhìn tổng quan và định hướng phát triển trong thời gian tới.

Gia tăng số lượng Hội viên

Năm 2021 với nhiều khó khăn, Hội đã nỗ lực vận động các doanh nghiệp hội viên đóng hội phí khá tốt bởi hội phí là nguồn thu cơ bản để trang trải các hoạt động của văn phòng hội. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Hội không thể tổ chức nhiều hoạt động nhưng văn phòng cũng thường xuyên liên lạc cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp thành viên. Thật lạc quan trong tình hình như vậy mà trong năm 2021 Văn phòng Hội đã thu hội phí của 104 hội viên với số tiền 1.451.000.000 đồng. Mặc dù số lượng đóng hội phí giảm 31 doanh nghiệp so với năm 2020, tuy nhiên nguồn kinh phí vẫn tăng tăng 437.000.000 đồng so với năm 2020. Hiệp hội hy vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều DN gia nhập Hội và rất mong các Hội viên tham gia, đóng góp tích cực để các hoạt động hội ngày một tốt hơn. Trong năm 2021, VPA có thêm 09 hội viên mới,

Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp

Do đại dịch Covid 19 vẫn kéo dài nên trong năm 2021 các hoạt động của Hiệp hội gần như không được triển khai. Tuy nhiên, Văn phòng cũng đã thu xếp và duy trì một số chương trình cụ thể:

VPA tổ chức được 2 khóa đào tạo trong tháng 3&4 năm 2021 với các chủ đề về Phối trộn nhựa và ép phun; Phát hành 03 số Tạp chí Thế giới nhựa gửi đến các Doanh nghiệp hội viên; Hỗ trợ Công ty tổ chức Hội chợ Chanchao tổ chức Hội chợ VietnamPlas 2021 trực tuyến diễn ra từ ngày 1-10/12/2021. Do đại dịch kéo dài nên nhiều DN không có cơ hội tiếp cận thông tin về thị trường mới cũng như các loại máy móc thiết bị mới. Triển lãm trực tuyến lần này cũng đã giúp DN có cơ hội tiếp cận thêm thông tin trong ngành.

Phối hợp cùng Thượng vụ Áo tại Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến giới thiệu các công nghệ mới của Áo cho ngành Nhựa vào ngày 2/12/2021 dưới sự tham dự của các Chuyên gia người Áo và các Doanh nghiệp Nhựa Việt nam. Tiếp tục và duy trì cung cấp bản tin ngành Nhựa đến Hội viên hàng tuần, chủ yếu là các thông tin về thị trường, giá cả nguyên liệu và các thông tin về đầu tư, thành lập mới doanh nghiệp, cũng như tất cả các tin về ngành Nhựa đang diễn ra trên thế giới để doanh nghiệp hội viên có thể nắm bắt, định hướng và hỗ trợ công việc sản xuất kinh doanh. Thông tin cung cấp được nhiều hội viên đánh giá cao và văn phòng hội sẽ duy trì, cải tiến để ngày càng có thể mang đến nhiều thông tin bổ ích hơn cho Hội viên.

Tham gia cùng các Bộ, ban ngành trong việc góp ý, xây dựng các chủ trương chính sách mới cho Luật Bảo vệ Môi trường về Phí trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất – EPR, và các chính sách liên quan đến ngành tái chế nhựa – Một ngành còn non trẻ và đang gặp nhiều khó khăn. Có thể nói, với xu thế chung của thế giới, Việt Nam sẽ tập trung phát triển kinh tế tuần hoàn theo hướng bền vững. Vì vậy, việc củng cố, xây dựng chính sách ổn định dài hạn cho ngành tái chế là một trong những yêu cầu cấp bách mà Nhà nước và ngành Nhựa cần tập trung đẩy mạnh để có thể đón đầu cơ hội và đáp ứng nhanh chóng yêu cầu của các nhà mua hàng, duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ngành Nhựa trong thời gian tới.

Liên tục tham dự các Hội nghị trực tuyến trong và ngoài nước về các nội dung liên quan đến rác thải nhựa, rác thải nhựa đại dương và hỗ trợ các tổ chức trong và ngoài nước các thông tin về ngành thông qua các số liệu, để các bên tổng hợp, phân tích và tìm lời giải nhằm có giải pháp hạn chế tối đa rác thải nhựa phát ra môi trường trong thời gian tới.

VPA thường xuyên liên lạc, trao đổi với các Bộ ban ngành liên quan đến các hoạt động của ngành Nhựa cũng như cung cấp và cập nhật các thông tin ngành nhựa kịp thời đến các Bộ ngành.Lập nhóm sinh hoạt Hội viên trên Zalo và đã được các DN hội viên hưởng ứng, đây là kênh thông tin giúp VPA và Hội viên trao đổi nhanh các nội dung cần chia sẽ. VPA sẽ duy trì và phát huy để các Hội viên có thể tiếp cận thông tin nhanh và kịp thời.

VPA tham gia các hoạt động thiện nguyện trong mùa dịch covid qua việc kết nối, hỗ trợ bếp ăn thiện nguyện chuẩn bị suất ăn đến đội ngũ y bác sĩ tại một số bệnh viên dã chiến; và cuối năm tổ chức đến thăm và tặng quà cho các cháu mồ côi cha mẹ trong trận dịch Covid trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Hoạt động của Chi hội Nhựa tái sinh


Về vấn đề nhựa tái chế, ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam trực thuộc Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, thời gian qua Chi hội đã tham gia nhiều hội thảo trong nước và quốc tế, tham dự nhiều cuộc họp của Bộ ngành và Chính phủ cũng như các tổ chức phi chính phủ để các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế nắm bắt được thực tiễn nhằm xây dựng chính sách.

Chi hội đã và đang vận động Chính phủ hỗ trợ đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức Quốc tế theo xu hướng chống rác thải nhựa toàn cầu cùng chung tay với các doanh nghiệp đẩy mạnh thu gom tái chế nhựa trong nước và xây dựng thị trường cho hạt nhựa tái sinh. Từ đó thúc đẩy đầu tư các khu công nghiệp tái chế chuyên ngành, tư vấn hỗ trợ cácdoanh nghiệp tái chế liên doanh, liên kết đầu tư quy mô, đảm bảo về môi trường, đạt chứng chỉ tái chế Quốc tế tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cách làm hiện nay.


Bà Huỳnh Thị Mỹ Tổng thư ký Hiệp Hội Nhựa Việt Nam cho biết: Hiện tại trên toàn quốc Việt Nam có khoảng 500 cơ sở nhỏ và vừa có tổ chức sản xuất tái chế nhựa. Tuy nhiên với thực trạng là tỷ lệ thu gom ở mức thấp chỉ khoảng 30% so với lượng tiêu thụ hàng năm. Qui mô máy móc công nghệ tái chế còn lạc hậu, thô sơ, nguồn phế liệu đầu vào còn nhiều hạn chế như: Không được đồng nhất và khó phân loại triệt để nên chất lượng hạt tái sinh không đạt chất lượng cao. Để góp phần vào nền kinh tế tuần hoàn quốc gia đạt hiệu quả cao cần tổ chức thu gom qui mô lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm dần phụ thuộc nhập phế liệu tái sinh từ nước ngoài. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và cả cộng đồng xã hội để tỷ lệ thu gom phế liệu đầu vào trong nước đạt mức tối đa. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ đầu năm 2022 là nền tảngđể kinh tế tuần hoàn Việt Nam hoàn thiện và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và đó cũng là cơ hội lớn để phát huy, phát triển năng lực sản xuất của các doanh nghiệp lien quan đặc biệt là các doanh nghiệp ngành tái chế .


Tại buổi họp mặt, ông Đinh Đức Thắng – Phó chủ tịch thường trực của Hiệp hội Nhựa Việt Nam cũng đưa ra bức tranh khái quát về tình hình giá nhựa năm qua và một vài nhận định rất giá trị về giá nguyên liệu trong năm tới trong bối cảnh giá dầu tăng cao do chiến tranh ở Châu Âu và chính sách Zero Covid ở Trung Quốc..

Dự kiến chương trình hoạt động năm 2022

Cùng với Chính sách mới về Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ năm 2022, Hiệp hội Nhựa Việt Nam – tổ chức đại diện ngành nhựa sẽ phối hợp cùng các doanh nghiệp đầu ngành, chung tay cùng Chính phủ xây dựng chương trình truyền thông hướng dẫn người tiêu dùng phân loại rác thải nhựa nhằm thúc đẩy và hỗ trợ công tác thu gom, xử lý rác thải nhựa, dần tiến tới nền kinh tế tuần hoàn, nói không với rác thải nhựa. VPA tiếp tục tham gia sâu vào các phiên họp dự thảo chuẩn bị ban hành mức phí trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR) cụ thể cho từng nhóm sản phẩm nhựa, được áp dụng chính thức cho các doanh nghiệp bao bì nhựa từ ngày 1/1/2024.

VPA đẩy mạnh công tác kêu gọi hội viên mới, duy trì và giữ vững số lượng hội viên cũ, từng bước phấn đấu đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Hội viên; Tiếp tục tổ chức sinh hoạt hội viên định kỳ để phục vụ các Hội viên và tăng cường giao thương kết nối giữa các doanh nghiệp;

VPA tiếp tục phát hành Tạp chí Thế giới Nhựa phục vụ Hội viên và các đối tác ngành. Đảm bảo tốt công tác thu hội phí 2022 để có nguồn kinh phí hoạt động của Văn phòng. Tổ chức các khóa đào tạo chuyên ngành Nhựa để phục vụ hội viên;

Về Xúc Tiến Thương mại: tình hình dịch bệnh Covid 19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp nên các hoạt động hội chợ quốc tế ngành Nhựa vẫn chưa tổ chức được. Tuy nhiên, Hiệp hội sẽ luôn cập nhật và kết nối với các tổ chức quốc tế về ngành để thông tin đến quý hội viên; VPA tham gia, kết hợp cùng các doanh nghiệp hội viên nhằm bảo vệ quyền lợi cho ngành và các doanh nghiệp trong ngành.

Tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động nhân đạo xã hội đến các vùng sâu, vùng xa, vùng núi. Đây là hoạt động mang nhiều ý nghĩa và VPA tiếp tục phấn đấu thực hiện và duy trì.

Môt vài hình ảnh tạo buổi họp mặt: