​Họp mặt hội viên Hiệp hội Nhựa Việt Nam 2024

Ngày 5 tháng 12 năm 2024, tại Royal Hotel Saigon, Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) đã tổ chức Chương trình Họp mặt Hội viên 2024. Đây là sự kiện thường niên mang tính chiến lược nhằm tổng kết hành trình phát triển của ngành nhựa Việt Nam trong năm qua, đồng thời định hướng mục tiêu để vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi xanh.

Phát biểu khai mạc chương trình, Ông Đinh Đức Thắng – Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam đã chia sẻ rằng suốt thập kỷ qua, ngành nhựa Việt Nam đã duy trì đà tăng trưởng ổn định và hiện nay đã trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế quốc gia. Hiện tại, có hơn 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành, trong đó hơn 90% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với hơn 250.000 lao động.

Sản phẩm nhựa Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu ra hơn 170 thị trường toàn cầu. Đặc biệt, thị trường Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành nhựa Việt Nam – cùng các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Châu Âu, Thái Lan và Ấn Độ, đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu ngành nhựa Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 6,57 tỷ USD, tăng 26,79% so với năm 2023.

Dự báo sản lượng nhựa của Việt Nam sẽ đạt 11,65 triệu tấn vào năm 2024 và tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đạt 16,36 triệu tấn vào năm 2029, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (CAGR) 8,44%. Doanh thu ngành nhựa trong năm 2024 dự kiến sẽ đạt 31 tỷ USD, tăng 23,9% so với năm trước, đánh dấu một bước tiến quan trọng trên con đường hội nhập và phát triển bền vững của ngành.

Bên cạnh đó, chủ tịch Đinh Đức Thắng cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, ngành nhựa đang ở một giai đoạn phát triển đầy hứa hẹn với nhiều cơ hội, nhưng cũng không thiếu những thách thức lớn. Nhựa, với đặc tính là vật liệu có lượng khí thải carbon thấp, thấp hơn nhiều so với các vật liệu khác, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Các ngành sản xuất phương tiện vận tải như ô tô, xe máy, hàng không vũ trụ… đang ngày càng sử dụng nhiều linh kiện nhựa hơn nhờ vào đặc tính nhẹ, giúp giảm phát thải khí nhà kính.

Sự đô thị hóa mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã thúc đẩy nhu cầu về nhựa trong xây dựng tăng trưởng đáng kể. Bên cạnh đó, sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu toàn cầu cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử đã kéo theo nhu cầu tăng cao về nhựa gia dụng và nhựa bao bì, đóng gói.

Việc Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất lớn và quan trọng trên thế giới, với hàng loạt nhà máy được xây dựng hoặc chuyển dịch từ các quốc gia khác, cũng đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của thị trường nhựa Việt Nam.

Tuy nhiên, ngành nhựa cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa, một vấn đề đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các quốc gia và tổ chức quốc tế. Trước tình hình này, các chính sách và sáng kiến toàn cầu đang dần định hình lại vai trò và trách nhiệm của ngành nhựa, nhằm mục tiêu "Giữ nhựa trong nền kinh tế nhưng ngăn nhựa chảy vào đại dương." Đây không chỉ là một thách thức mà còn mở ra những cơ hội lớn để ngành nhựa chuyển mình và hòa nhập vào xu hướng phát triển bền vững.

Trong năm 2024, ngành nhựa đã chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ về chính sách, xu hướng thị trường và yêu cầu về phát triển bền vững. Đối diện với những biến động này, cộng đồng doanh nghiệp ngành nhựa Việt Nam đã thể hiện sự đoàn kết, bản lĩnh và sáng tạo, giúp duy trì đà tăng trưởng ổn định và khẳng định vai trò quan trọng của ngành trong nền kinh tế quốc gia.

Trong hành trình này, Hiệp hội Nhựa Việt Nam – đại diện cho ngành nhựa Việt Nam, là thành viên của Liên đoàn Công nghiệp Nhựa các nước ASEAN (AFPI), Diễn đàn Nhựa Châu Á (APF), và Hiệp ước Nhựa Toàn cầu (WPC) – đã không ngừng nỗ lực trong việc góp ý chính sách, thúc đẩy những sáng kiến đột phá, và đảm bảo rằng các cơ quan trong nước và quốc tế có cái nhìn toàn diện và khách quan hơn về ngành nhựa. Đồng thời, Hiệp hội Nhựa Việt Nam cũng luôn đồng hành cùng các hội viên, hỗ trợ kết nối, cung cấp thông tin và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong ngành.

Chủ tịch Đinh Đức Thắng cũng đã đưa ra những nhận định mang tính chiến lược về triển vọng phát triển của ngành nhựa trong thời gian tới.

Thứ nhất, xu hướng tiêu dùng bền vững và kinh tế tuần hoàn đang tạo ra cơ hội lớn cho ngành nhựa Việt Nam, đặc biệt là trong việc sản xuất các sản phẩm nhựa tái chế thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu của các thị trường quốc tế như EU, Mỹ và Nhật Bản.

Thứ hai, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP, RCEP không chỉ mở rộng cơ hội xuất khẩu mà còn tạo điều kiện nâng cao tiêu chuẩn sản xuất và phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Thứ ba, chính sách EPR và sự hỗ trợ từ Chính phủ, với các khung pháp lý rõ ràng và chính sách khuyến khích tái chế, tạo động lực cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, ngành nhựa Việt Nam cũng phải đối mặt với một số thách thức. Cạnh tranh toàn cầu từ các quốc gia như Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc đang ngày càng gay gắt. Áp lực môi trường và yêu cầu về giảm thải carbon, tái chế, và hạn chế nhựa dùng một lần đòi hỏi doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ và tăng chi phí sản xuất. Phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu cũng là một vấn đề khi thiếu hụt nguyên liệu trong nước khiến doanh nghiệp dễ bị tác động bởi biến động thị trường quốc tế.

Để duy trì vị thế quốc tế, Chủ tịch Thắng nhấn mạnh cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ, đầu tư vào nhựa tái chế, tiết kiệm năng lượng và đáp ứng tiêu chuẩn xanh. Đồng thời, cần phát triển chuỗi cung ứng nội địa, hướng tới tự chủ nguyên liệu nhựa nguyên sinh và xây dựng hệ thống tái chế kết hợp phân loại rác thải tại nguồn. Cuối cùng, tăng cường hợp tác ngành sẽ giúp doanh nghiệp đối phó hiệu quả với cạnh tranh và tận dụng các chính sách ưu đãi.

“Ngành nhựa Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để tái định vị trong chuỗi giá trị toàn cầu. Mặc dù thách thức có thể làm chậm bước phát triển, nhưng với tinh thần đổi mới, đoàn kết và cam kết mạnh mẽ, tôi tin rằng ngành nhựa Việt Nam sẽ vượt qua, khẳng định vị thế và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước,” Chủ tịch Đinh Đức Thắng chia sẻ.

Thay mặt Ban Chấp hành, Ông Đặng Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, đã trao bó hoa tươi thắm cho Chủ tịch Đinh Đức Thắng. Với những kinh nghiệm quý báu và tâm huyết, Chủ tịch Đinh Đức Thắng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trên cương vị mới, dẫn dắt Hiệp hội Nhựa Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Chương trình cũng chào đón sự tham gia của các diễn giả, trong đó Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV & Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia đã trình bày chủ đề "Kinh tế - Chính sách Việt Nam 2024-2025: Cơ hội, Thách thức và Giải pháp đối với Doanh nghiệp Ngành Nhựa".

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, tổng sản lượng nhựa toàn cầu dự báo sẽ tăng khoảng 3% đến năm 2030. Tuy nhiên, xuất khẩu nhựa nguyên liệu phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021, nhưng lại giảm 28% vào năm 2023, phản ánh xu hướng chung toàn cầu.

Ngành nhựa trong nước hiện chỉ đáp ứng 30% nhu cầu của hơn 100 triệu dân, phần còn lại phải nhập khẩu, tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp. Mặc dù có những thách thức về ô nhiễm, Việt Nam vẫn cần sản xuất nhựa vì mức tiêu thụ bình quân đầu người vẫn thấp so với thế giới, tạo dư địa lớn cho ngành phát triển.

TS Cấn Văn Lực cũng cho biết, doanh thu của các doanh nghiệp ngành nhựa trong 3 năm qua tăng trưởng tích cực, với biên lợi nhuận gộp tăng khoảng 13-15%. Ngành công nghiệp bao bì và các lĩnh vực như xây dựng, lương thực, thực phẩm, y tế, điện tử có nhu cầu nhựa tăng mạnh.

Tuy nhiên, ngành nhựa Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm thay đổi trong hành vi tiêu dùng, yêu cầu về sản xuất và tiêu dùng xanh nghiêm ngặt hơn, cạnh tranh gay gắt và biến động giá nguyên liệu. Đặc biệt, Việt Nam vẫn chưa làm chủ được phần lớn nguyên liệu đầu vào, dẫn đến chi phí cao và rủi ro chuỗi cung ứng.

Chuyên gia tài chính – đầu tư, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, đã trình bày một bài tham luận sâu sắc về phương pháp quản lý và tối ưu hóa nguồn vốn, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và vượt qua các thách thức tài chính trong bối cảnh hiện nay. Cùng với đó, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ & Kỹ thuật Môi trường Bảo Châu, đã chia sẻ những tiêu chí "Xanh" áp dụng cho ngành nhựa, nhằm thúc đẩy sự phát triển thân thiện với môi trường. Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Hà, Giám đốc Ngân hàng MB chi nhánh Tây Sài Gòn, cũng đã cung cấp những thông tin quý giá về chính sách tín dụng của Ngân hàng Quân Đội đối với doanh nghiệp ngành nhựa trong giai đoạn 2024-2026, tạo cơ hội hỗ trợ tài chính cho sự phát triển của ngành.

Nhân dịp buổi họp mặt, Hiệp hội Nhựa Việt Nam đã trang trọng trao giấy chứng nhận cho các Doanh nghiệp hội viên mới và vinh danh các nhà tài trợ bằng việc trao tặng kỷ niệm chương tri ân, nhằm ghi nhận và tri ân những đóng góp quan trọng của các Doanh nghiệp đối với hoạt động của Hiệp hội.

Chương trình họp mặt Hội viên 2024 đã mang lại không gian giao lưu, trao đổi kinh nghiệm quý báu, đồng thời củng cố sự đoàn kết và hợp tác giữa các hội viên, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho toàn ngành.

Hiệp hội Nhựa Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên trong việc phát triển doanh nghiệp, không ngừng thúc đẩy các sáng kiến đổi mới và bảo vệ môi trường. Hiệp hội tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết và sáng tạo, ngành nhựa Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vươn lên khẳng định vị thế trên trường quốc tế, đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng chung của đất nước.

Một số hình ảnh tại sự kiện: