Vẫn còn khó khăn trong tái chế chất thải nhựa

Tái chế chất thải, trong đó có chất thải nhựa là ngành được ưu tiên, khuyến khích phát triển để giảm thiểu chi phí xử lý chất thải, giảm ô nhiễm môi trường và giảm nhập khẩu phế liệu tái sản xuất.

Sản xuất hạt nhựa PP từ rác thải ny-lông tại một cơ sở tái chế trên địa bàn H.Cẩm Mỹ. Ảnh: Ban Mai
Sản xuất hạt nhựa PP từ rác thải ny-lông tại một cơ sở tái chế trên địa bàn H.Cẩm Mỹ. Ảnh: Ban Mai

Tuy nhiên, do công nghệ chưa đáp ứng, chưa có khu dành riêng cho các cơ sở tái chế nhựa nên phần lớn cơ sở đang hoạt động chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường và phòng, chống cháy, nổ.

* Hiệu quả chưa cao

Trong 2 năm gần đây, H.Trảng Bom đã buộc khắc phục hậu quả, đóng cửa, xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều cơ sở tái chế chất thải nhựa không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Một trong số đó là cơ sở tái chế hạt nhựa của ông Nguyễn Văn H. tại xã Cây Gáo. Theo chia sẻ của ông H., trên địa bàn H.Trảng Bom có nguồn chất thải nhựa nhiều ở vùng trồng nấm, chuối, chăn nuôi. Để hạn chế ô nhiễm trong vận chuyển và cũng giúp địa phương xử lý nguồn chất thải này, đơn vị đã thuê đất tại xã Cây Gáo làm cơ sở tái chế ny-lông thành hạt nhựa bán cho các công ty. Quá trình hoạt động, cơ sở đã che lưới, quây tôn nhưng vẫn gây mùi hôi, bị người dân địa phương phản ứng.

Tái chế, tái sử dụng chất thải nói chung và tái chế chất thải nhựa nói riêng là lĩnh vực ưu tiên trong chính sách quản lý môi trường hiện nay. Việc hình thành và phát triển ngành công nghiệp tái chế không chỉ góp phần giảm lượng chất thải nhựa thải ra môi trường mà còn tạo ra nguyên liệu cho sản xuất. Đây cũng là một trong những giải pháp đẩy mạnh chương trình phân loại rác thải tại nguồn tỉnh đang thực hiện.

Theo yêu cầu của địa phương, đầu năm 2021, cơ sở đã ngưng hoạt động và chuyển nhà máy ra miền Trung. Mặc dù vậy, ông H. vẫn muốn có cơ sở ở Đồng Nai vì địa phương có nguồn chất thải lớn, sản phẩm tái chế dễ tiêu thụ.

Phó trưởng phòng TN-MT H.Trảng Bom Ngô Đức Vượng cho biết, trên địa bàn huyện có hàng trăm cơ sở thu mua, tái chế các loại chất thải. Phần lớn hoạt động không có giấy phép, không đảm bảo điều kiện về môi trường, phòng cháy, chữa cháy. Mặc dù các cơ sở này góp phần giải quyết khối lượng lớn rác thải nhựa trên địa bàn nhưng quá trình hoạt động làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, tác động đến thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương.

Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ môi trường Sonadezi Trần Anh Dũng cho hay, mỗi ngày khu xử lý chất thải ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất) tiếp nhận khoảng 150-200 tấn rác thải nhựa, chủ yếu là túi ny-lông. Doanh nghiệp không tái chế rác thải nhựa mà phân loại rồi chuyển cho đơn vị khác xử lý.

Theo ông Dũng, việc tái chế rác thải nhựa đòi hỏi kỹ thuật công nghệ tương đối cao, mỗi loại chất thải có công nghệ xử lý riêng. Nếu không phân loại và xử lý tốt, nhựa tái chế để sản xuất đồ gia dụng có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe con người.

Theo Sở TN-MT, Đồng Nai có nguồn chất thải lớn nhưng tỷ lệ phân loại chất thải nhựa tại nguồn rất thấp, chủ yếu dựa vào lực lượng thu mua phế liệu và một số cơ sở xử lý chất thải rắn có công đoạn phân loại, tách nhựa khỏi chất thải rắn. Trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở tái chế nhựa ở các làng nghề, quanh khu công nghiệp nhưng hầu hết nhỏ lẻ, sử dụng công nghệ thô sơ nên hiệu quả thấp, giá thành rẻ, chất lượng không cao và gây nhiễm môi trường không khí, nước và đất.

* Lợi thế để hình thành ngành công nghiệp tái chế

Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Thường cho rằng, để thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện phân loại rác tại nguồn; đồng thời, phải có chính sách ưu đãi cụ thể cho doanh nghiệp tái chế, doanh nghiệp sử dụng sản phẩm tái chế làm nguyên liệu sản xuất. Việc làm này vừa giảm chi phí xử lý rác thải, giảm ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra, vừa tạo ra nguyên liệu cho sản xuất và hạn chế nhập khẩu phế liệu.

Theo bà Hoàng Thị Nhung, Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh, thời gian qua, Chính phủ và tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại để tái chế, tái sử dụng chất thải. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và tỉnh cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực tái chế chất thải tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với lãi suất chỉ từ 2,6-3,6%/năm, cho vay tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án, thời hạn vay 10 năm... Tuy nhiên, rất ít đơn vị tái chế tiếp cận được nguồn vốn này. Nguyên nhân do các cơ sở tái chế nhỏ lẻ, không đáp ứng được điều kiện về xử lý khí thải, nước thải, không có giấy phép hoạt động.

Tại cuộc họp Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh năm 2021 gần đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, Đồng Nai có lợi thế hình thành ngành công nghiệp và thị trường tái chế nhựa do vừa có nguồn chất thải lớn, vừa có nhiều doanh nghiệp cần nguyên liệu để sản xuất nhựa. Ngành chức năng khuyến khích phát triển lĩnh vực này thôi thì chưa đủ, cần tạo điều kiện cho các cơ sở tái chế đáp ứng được yêu cầu về môi trường và vay vốn lãi suất ưu đãi.

Lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu Sở TN-MT nghiên cứu đề xuất quy hoạch khu dành riêng cho các cơ sở, doanh nghiệp tái chế chất thải nhựa hoạt động. Khu vực này do tỉnh hoặc tư nhân đầu tư. Doanh nghiệp vào khu tái chế phải đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường thông qua việc đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại và việc chấp hành các quy định của pháp luật môi trường; được ưu đãi thuế đất và vay vốn từ các nguồn vay ưu đãi của tỉnh.

Ban