THỊ TRƯỜNG NHỰA: NGOẠI THÂU TÓM, NỘI PHẢN CÔNG

(DĐDN) – Trước sức ép cạnh tranh và bao vây thôn tính của doanh nghiệp ngoại trên thị trường nhựa Việt Nam, các doanh nghiệp nội đang có những nỗ lực đáp trả.


Nhu cầu tiêu thụ bình quân đầu người sẽ tăng và đạt 45kg/năm vào năm 2020, tương đương tỷ lệ tăng trưởng là 4%/năm Xét về mặt quy mô và công nghệ, để gia tăng lợi thế cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp Việt trong ngành nhựa đang làm rất tốt

Cục diện thị trường nhựa Việt Nam hiện nay hết sức phức tạp. Được hưởng lợi từ những hiệp định thương mại tự do, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường, cả đầu tư trực tiếp lẫn đầu tư thông qua M&A, đang tung hoành và ngày càng bén rễ, xanh cây ở Việt Nam.

Bạn lâu năm nay về một nhà

Công ty Nhựa Đồng Nai (DNP) vừa hoàn tất tiến trình thâu tóm Công ty Nhựa Tân Phú (TPP). Điểm đặc biệt trong thương vụ này là sự đồng thuận của các cổ đông Tân Phú khi muốn về chung một mái nhà với Nhựa Đồng Nai.

Có mặt trên thị trường đã lâu, với thế mạnh là sản phẩm bao bì công nghiệp, Tân Phú đã có những bước phát triển khá chắc chắn, chứng minh được năng lực kinh doanh trên thương trường. Doanh nghiệp này còn có khả năng sáng tạo với nhiều sản phẩm đi trước các đối thủ, được thị trường đón nhận như túi nhựa lưới PE, phụ tùng cho xe máy, đặc biệt là sản phẩm két nhựa đầu tiên trên thị trường cung cấp cho các hãng bia, nước giải khát. Tăng trưởng doanh thu đều đặn hằng năm, Tân Phú đạt mốc 600 tỷ đồng vào năm 2013, chạm mốc gần 900 tỷ đồng trong năm 2015, một con số ấn tượng trong thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Tuy nhiên, tăng trưởng doanh thu không phải luôn đồng nghĩa với lớn mạnh. Sức ép cạnh tranh và một số yếu tố khách quan đang gây ra những khó khăn không nhỏ cho hoạt động kinh doanh của Tân Phú. Chẳng hạn, công nghệ của doanh nghiệp đang đi sau các đối thủ rất xa. Mà trong ngành nhựa, công nghệ hiện đại là yếu tố quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh. Trang bị máy móc hiện đại hơn đồng nghĩa cần thêm nhiều vốn, trong khi đó, lợi nhuận của Tân Phú không mấy khả quan (trung bình khoảng 14 tỷ đồng/năm trong 3 năm gần đây nhất) để có nguồn tái đầu tư.


Các sản phẩm nhựa trong nước sản xuất đang gặp cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực AEC

Tân Phú đã nhìn về Đồng Nai để cộng hưởng sức mạnh. Nhựa Đồng Nai có thị phần lên đến 40% trong lĩnh vực cung cấp ống nhựa hạ tầng. Đồng Nai sở hữu mạng lưới khách hàng trải rộng trên cả nước và là nhà cung cấp chính hạ tầng ngành nước cho các công ty cấp nước, Vinaconex và kể cả các dự án nhiệt điện. Doanh thu của Đồng Nai đã bắt đầu cán mốc 1.000 tỷ đồng và đạt được biên lợi nhuận (năm 2015 là 45 tỷ đồng) tương đương với các doanh nghiệp lớn cùng ngành như Tín Thành, Tân Tiến, Saplastic.

Thực tế, Đồng Nai và Tân Phú đã từng hợp tác lâu dài trong việc sản xuất ống nước. Tân Phú là nhà cung cấp chính cho Đồng Nai các phụ tùng cho sản phẩm ống nước. Đã có thời điểm Đồng Nai đề nghị “bơm vốn” cho Tân Phú, nhưng chưa được chấp nhận. Về với Đồng Nai, tới đây Tân Phú có ngay nguồn vốn trên 100 tỷ đồng để trang bị mua công nghệ hiện đại tiếp tục hỗ trợ cho việc sản xuất phụ tùng ống nhựa cho Đồng Nai. Cú bắt tay này sẽ tạo thế vững chắc hơn nữa cho Đồng Nai trong lĩnh vực nhựa xây dựng.

Ở góc độ khác, thông qua thương vụ M&A này, Đồng Nai bắt đầu mở rộng cơ cấu doanh thu khi đặt chân vào thị trường nhựa công nghiệp và dân dụng, vốn là thế mạnh của Tân Phú trước nay.

Đây có thể được xem là chiến lược ứng phó linh hoạt trước những diễn biến thị trường khó lường như hiện nay. Việc sáp nhập để tạo ra một doanh nghiệp lớn về quy mô, đa dạng chủng loại sản phẩm, tận dụng các lợi thế của nhau để tạo ra mức giá cạnh tranh, được xem là bài toán chiến lược kinh doanh để gây sức ép trở lại với các đối thủ nước ngoài.

Doanh nghiệp nước ngoài rộn ràng nhập “chợ”

Tất nhiên, không chỉ có các doanh nghiệp nội bắt tay nhau. Ngành nhựa Việt Nam đang chứng kiến khá nhiều thương vụ M&A từ các doanh nghiệp nước ngoài. Tập đoàn SCG (Thái Lan) đã sở hữu trên 20% vốn tại các Công ty Nhựa Bình Minh, Tiền Phong và vừa chi ra hơn 44 triệu USD để thâu tóm Tín Thành.

Mặc dù chỉ dừng ở mức độ công ty liên kết, nhưng Tiền Phong và Bình Minh là 2 công ty hàng đầu, chiếm hơn 50% thị phần trong lĩnh vực nhựa xây dựng, trong khi Tín Thành là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực bao bì phức hợp.

Nhựa Bình Minh đã hưởng lợi từ khi có mặt của cổ đông Thái với sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu và lợi nhuận. Và gần đây nhất, cổ đông Nhựa Bình Minh đã đồng ý nới room ngoại lên 100%, đồng thời lên kế hoạch sáp nhập Nhựa Đà Nẵng vào quý 3 hoặc quý 4/2016 để mở rộng thị phần tại khu vực miền Trung.


Có thể thấy, người Thái đã bước đầu thâm nhập vào được ngành nhựa Việt Nam và điều chắc chắn là có dòng tiền không nhỏ từ thị trường Việt Nam sẽ chảy ra nước ngoài. Chẳng thế mà SCG đã dự kiến tăng vốn đầu tư lên 6 tỷ USD để gia tăng sức mạnh trong ngành nhựa Việt Nam từ đây cho đến năm 2020. Trước đó, SCG đã chi hơn 35 triệu USD để sở hữu cổ phần tại 4 công ty nhựa, gồm: Công ty Việt Nam Liên doanh Việt – Thái Plastchem, Công ty Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty Chemtech và Công ty Vật liệu nhựa Minh Thái.

Không chỉ người Thái nhìn thấy sức hấp dẫn từ thị trường nhựa Việt Nam mà cả người Hàn cũng đặt thị trường nhựa vào tầm ngắm. Sau khi mua lại Công ty Bao bì Minh Việt từ Masan, Tập đoàn Dongwon Systems Corporation (Hàn Quốc) đã thực hiện thu gom cổ phiếu Công ty Nhựa Tân Tiến trên thị trường. Đây là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bao bì phức hợp cho ngành thực phẩm, với doanh thu bình quân hằng năm từ 1300 – 1.500 tỷ đồng. Hầu hết khách hàng của Tân Tiến là những doanh nghiệp lớn, có thương hiệu mạnh tại thị trường Việt Nam Tính đến thời điểm hiện tại, Dongwon Systems Corporation đã là cổ đông lớn tại Tân Tiến với tỷ lệ sở hữu 42,36%. Sau khi thâu tóm được Tân Tiến thì toàn bộ hội đồng quản trị người Việt, trong đó có những nhà sáng lập doanh nghiệp này bị “hất văng” ra khỏi các vị trí chủ chốt của công ty để nhường lại cho nhân sự Hàn Quốc.

…và những doanh nghiệp đã “bén rễ xanh cây”

Bàn về cục diện thị trường nhựa, người ta không thể bỏ qua các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã sớm có mặt từ hàng chục năm về trước. Thâm nhập thị trường Việt Nam từ rất sớm, cách đây gần 20 năm, Srithai Superware PLC – cũng là một ông lớn nhựa Thái Lan – đã và đang đầu tư hàng loạt nhà máy tại Việt Nam để sản xuất đồ nhựa gia dụng. Srithai Superware PLC liên tục tăng vốn đầu tư từ 4 triệu USD lên đến 20 triệu USD để mở rộng 3 nhà máy đã hoạt động trước đó ở miền Nam và đang tiến hành xây dựng một nhà máy ở khu vực phía Bắc. Cũng thông qua FDI, các doanh nghiệp Nhật, Hàn, Đài Loan đều đã hiện diện tại Việt Nam.

Sự ồ ạt đầu tư của các doanh nghiệp ngoại vào ngành nhựa tại Việt Nam, theo TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế ứng dụng TP.HCM, là nhằm tận dụng các ưu đãi đầu tư về đất đai, thuế và giá nguyên vật liệu, năng lượng, nhân công giá rẻ… để tiết kiệm chi phí nhằm đạt được mức giá tốt nhất. Việc Việt Nam tham gia vào hàng loạt hiệp định thương mại tự do cũng đem lại lợi thế không nhỏ cho các doanh nghiệp ngoại.

“Đổ vốn mạnh mẽ vào ngành nhựa, các doanh nghiệp ngoại xây dựng được chuỗi giá trị từ đầu vào cho đến đầu ra. Chẳng hạn, người Thái đã đầu tư nhà máy hạt nhựa, có sẵn hệ thống nhà máy sản xuất và một mạng lưới phân phối rộng khắp nhờ M&A các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam”, ông Hiển nhìn nhận.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, các sản phẩm nhựa trong nước sản xuất đang gặp cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN); đặc biệt là Thái Lan đã có các bước chuẩn bị thâm nhập thị trường Việt Nam với chiến lược bài bản và hệ thống phân phối chuyên nghiệp có quy mô lớn tương ứng ở cả 2 phân khúc sản phẩm trung bình và cao cấp.

Bên cạnh đó, với sự thành lập Cresent Mall và vào đầu năm 2016, hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam đã hoàn tất mọi thủ tục chuyển giao cho Tập đoàn TTC của Thái Lan, các sản phẩm của Thái Lan sẽ được ưu tiên phân phối chính thức trong 19 trung tâm bán buôn của Metro trải dài trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Sức ép này rõ ràng là rất lớn với doanh nghiệp nhựa Việt Nam.

Sự hụt hơi của một số doanh nghiệp nội có thể thấy rất rõ qua trường hợp của Nhựa Tân Hóa, một doanh nghiệp đã từng niêm yết trên sàn HOSE, đã đạt đến cột mốc doanh thu 400 tỷ đồng vào năm 2008 và có nhiều bạn hàng tốt, nhưng sau đó lại trượt dài vào con đường thua lỗ suốt 6 năm và hiện nay đang trên bờ vực phá sản do không giải được bài toán chi phí và lợi nhuận.

Một doanh nghiệp nhà nước lừng lẫy khác là Công ty Nhựa Việt Nam (VNP) cũng gặp nhiều khó khăn. Thời kỳ đỉnh cao vào năm 2012, VNP đã có doanh thu lên đến 1.200 tỷ đồng, nhưng lãi ròng chỉ khoảng 9,8 tỷ đồng, và các năm sau đó doanh thu suy giảm và luôn ở trạng thái lỗ. Chỉ bằng cách tham gia vào lĩnh vực bất động sản, chuỗi cách điện mà VNP mới có lợi nhuận trở lại vào năm 2015.

Ngành nhựa luôn có chi phí hoạt động cho sản xuất kinh doanh tương đối cao dẫn đến chi phí giá vốn hàng bán cao nên chỉ cần các yếu tố khách quan như tỷ giá, lãi vay, chính sách thuế nhập khẩu thay đổi đột ngột là lợi nhuận thuần ngay lập tức bị tổn thương.

Công ty Ngọc Nghĩa là một điển hình. Được biết đến là ông lớn trong ngành nhựa PET và sở hữu một mạng lưới khách hàng rộng lớn, có tên tuổi, như: Coca Cola Việt Nam, PepsiCo Việt Nam, Vinamilk, Unilever, Tường An, Masan… Ngọc Nghĩa giờ đây cũng đang chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Lợi thế của doanh nghiệp ngoại nằm ở giá thành rất cạnh tranh. Chưa kể, Ngọc Nghĩa còn mất dần nguồn khách vì các khách hàng của ngành bao bì PET có xu hướng thay đổi chiến lược kinh doanh tự trang bị hệ thống thổi chai PET.

Đứng vững và giành chiến thắng

Theo một đánh giá của Công ty Chứng khoán Ngân hàng và Phát triển Việt Nam (BSI), nhu cầu tiêu thụ nhựa trong nước năm 2016 được dự báo tiếp tục khả quan dựa trên các yếu tố, nhu cầu tiêu thụ bình quân đầu người sẽ tăng và đạt 45kg/người/năm vào năm 2020, tương đương tỷ lệ tăng trưởng là 4%/năm. Ngành bất động sản, xây dựng tiếp tục phục hồi trong những năm đến sẽ thúc đẩy các sản phẩm nhựa xây dựng. Xu hướng chuyển dịch sản xuất về Việt Nam, tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài kéo theo sự tăng trưởng phân khúc nhựa kỹ thuật.

Một thuận lợi đáng kể là Việt Nam đã tự chủ được sản xuất hạt nhựa từ 15-20%. Do ảnh hưởng giá dầu suy giảm suốt trong năm 2015 nên tính trung bình năm 2015, giá hạt nhựa HDPE và LDPE giảm 20%, PVC giảm 21% và PP giảm 25% so với giá hạt nhựa trung bình của năm 2014, giúp cải thiện biên lợi nhuận cho nhiều doanh nghiệp trong nước. Và xu hướng này đang tiếp tục kéo dài trong năm 2016.

Xét về mặt quy mô và công nghệ, để gia tăng lợi thế cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp Việt trong ngành nhựa đang làm rất tốt.

Nếu xét về mặt quy mô và công nghệ để gia tăng lợi thế cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp Việt trong ngành nhựa đang làm rất tốt. Đã thấy có một làn sóng mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp Việt. Công ty An Phát liên tục mở rộng và xây dựng thêm nhà máy đến con số 7, góp phần đưa tổng công suất lên hơn 77.000 tấn/năm để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Nhựa Đông Á vừa mới đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất Profile, với 17 dây chuyền và trạm trộn tự động.

Theo Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp nhựa Việt Nam đều nhập các công nghệ tiên tiến nhất của thế giới để sản xuất, tạo ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật.

Ông Hồ Đức Lam, Tổng giám đốc Công ty Nhựa Rạng Đông cho biết, chiến lược hiện nay của Rạng Đông là xác định sản phẩm mục tiêu, khách hàng mục tiêu, tập trung toàn bộ nguồn lực vào đó và không dàn trải. Để có thể tiếp cận khách hàng khó tính, Rạng Đông đầu tư mạnh công nghệ, máy móc, thiết bị vào từng công đoạn sản xuất để nâng cao năng suất lao động, giúp sản phẩm có độ chuẩn xác cao về kích thước, tỉ lệ phế liệu tiêu hao thấp, hạ giá thành sản phẩm để gia tăng năng lực cạnh tranh.

Gần đây, Nhựa Rạng Đông đã ký kết hợp tác thương mại toàn diện với Công ty Sojitz Pla-net (thuộc Tập đoàn Sojitz Nhật Bản) nhằm cung cấp sản phẩm như bao bì phức hợp, giả da, màng nhựa PE/EVA, nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp Nhật. Sojitz Pla-net sẽ tư vấn và chuyển giao cho Nhựa Rạng Đông các giải pháp về công nghệ, hệ thống quản lý và phát triển sản phẩm mới theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

Ở góc độ khác, Công ty Nhựa Sài Gòn Saplastic (SPP) hướng đến chiến lược khác biệt hóa để cạnh tranh. Theo ông Dương Quốc Thái, Tổng giám đốc SPP vẫn duy trì năng lực cạnh tranh nhờ xây dựng được lượng khách hàng chiến lược ổn định và sự theo đuổi chiến lược gia tăng giá trị sản phẩm. Nền tảng cho điều này nằm ở máy móc, thiết bị đã được đầu tư đồng bộ, sản xuất thành công một số cấu trúc bao bì phức tạp từ công nghệ mới làm giảm giá thành sản phẩm. Hiện nay, SPP vẫn là đơn vị duy nhất tại Việt Nam sở hữu phòng thử nghiệm về lĩnh vực bao bì đạt chuẩn quốc tế ISO 17025, điều này tạo lợi thế cạnh tranh cho công ty trên thị trường.

Theo ông Dương Quốc Thái, việc gọi vốn đầu tư thêm vào Saplastic sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng để không một thế lực nào có thể thâu tóm. Còn ông Phạm Trung Can, thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Nhựa Tân Đại Hưng cho biết, không có chiến lược M&A với bất kỳ ai, mà có thể tự tin cạnh tranh được trong tương lai