Rác thải nhựa đang xâm lấn vùng biển Bắc Cực

Bắc Cực vốn nổi tiếng thế giới với nguồn lợi thủy hải sản khổng lồ, sạch và tươi ngon. Đó cũng là lý do vì sao mà ngư dân các nước Bắc Âu, đặc biệt là Na Uy cảm thấy lo lắng khi rác thải xuất hiện ngày càng nhiều ở khu vực này, đe dọa môi trường, hệ sinh thái biển Bắc Cực.

234 mẩu rác nhựa/lít băng

Đó là một con số đáng báo động mà các nhà nghiên cứu môi trường Bắc Cực đưa ra trong một nghiên cứu mới đây. Họ nhận thấy, rác có mặt ở khắp nơi trên vùng biển này. Các dòng hải lưu thường đưa rác tập trung về đây, khiến nó chẳng khác nào “bãi tập kết” rác thải đại dương khổng lồ.

rac thai nhua dang xam lan vung bien bac cuc
Bãi biển ở Accra, Ghana bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa

Theo nhóm chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Bắc Cực ở Na Uy, các nghiên cứu cho thấy, rác thải nhựa ở Bắc Cực đa dạng về hình dáng, kích thước, song phổ biến nhất vẫn là những mảnh từ thiết bị đánh cá bị bỏ đi. Nhóm này cũng nhấn mạnh, giới khoa học cần tăng cường nghiên cứu về ảnh hưởng của rác thải đến Bắc Cực, cũng như đề xuất các giải pháp khắc phục.

Trước mắt, các nhà khoa học đã ghi nhận những tác động tiêu cực của rác lên động vật ở Bắc Cực, từ sinh vật phù du đến các động vật thân mềm, tôm cá, động vật có vú.

Con số 234 mảnh rác thải nhựa/lít nước biển đóng băng ở Bắc Cực là cao hơn rất nhiều so với những vùng biển khác trên thế giới.

Theo giới nghiên cứu, rác trong băng không đơn giản như chúng ta tưởng mà nó ẩn chứa những nguy hiểm tiềm tàng, bởi diện tích băng trôi ngày càng bị thu hẹp, rác thải vốn nằm trong băng sẽ lan ra khắp nơi.

Geir Wing Gabrielsen, đồng tác giả báo cáo cho biết: “Ngày càng xuất hiện nhiều rác thải nhựa ở Svalbard, Na Uy. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài hải âu. Nếu như trong thập niên 70 của thế kỷ trước, chúng tôi chỉ phát hiện một vài mẩu rác thải nhỏ trong dạ dày của một con hải âu đã chết, thì đến năm 2013 chúng tôi tìm thấy 200 mẩu rác nhỏ trong dạ dày chúng”.

Trong khi nhà tư vấn môi trường cho Hội đồng thành phố Tromso, Bo Eide cho hay: “Du khách chỉ biết đến hình ảnh những bãi biển hoang sơ ở Bắc Cực trong sách chỉ dẫn du lịch thôi. Tuy nhiên, khi được trải nghiệm thực tế, họ thường cảm thấy sốc bởi rác thải ngày càng nhiều”.

Về phần mình, Bộ trưởng Môi trường Na Uy Ola Elvestuen nói: “Thật đáng lo ngại, không có nơi nào trên trái đất lại không bị ảnh hưởng bởi rác thải nhựa. Thế giới cần chung tay và có các hành động mạnh mẽ để ngăn chặn cũng như xử lý vấn đề này”.

Đẩy mạnh cuộc chiến chống rác thải nhựa

Rác thải nhựa trên đại dương hiện đã ở mức báo động và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển. Điều này cũng gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của con người khi khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên biển.

rac thai nhua dang xam lan vung bien bac cuc
Những mảnh nhựa vỡ rất nhỏ được tìm thấy trong nước biển ở Bắc Cực

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ước tính, các nước thành viên của tổ chức này hằng năm phải chi trả tới 1,3 tỉ USD để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường biển. Cũng theo báo cáo của APEC, hằng năm thế giới phải chi trả số tiền từ 80 tỉ USD đến 120 tỉ USD cho việc sản xuất bao bì bằng nhựa.

Giải pháp hiệu quả nhất để đối phó với tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa trên biển là tuyên truyền, có biện pháp ngăn chặn việc người dân đổ các loại rác thải nhựa xuống biển, do có tới 80% số lượng rác thải này tuồn xuống lòng đại dương là từ đất liền. Ngoài ra, cần ưu tiên cho các chương trình cụ thể nhằm ngăn chặn, hạn chế tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường biển.

Chỉ có thông qua các chương trình hành động cụ thể của các quốc gia trong việc hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, nỗ lực cùng nhau tuyên truyền, vận động mọi người dân có ý thức giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường biển thì trong tương lai con người mới có thể hy vọng hạn chế, ngăn chặn được ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa gây nên. Bên cạnh đó, chính phủ các nước cũng cần có sự đầu tư đúng mực trong việc xử lý các loại rác thải. Đó cũng chính là giải pháp để con người bảo vệ sức khỏe cho chính mình.

Được biết, các ngư dân Na Uy đang ngày càng nhận thức được trách nhiệm của mình trong vấn đề bảo vệ môi trường biển. Jan Roger Lerbukt, chủ doanh nghiệp khai thác thủy sản Hermes Fishing ở Tromsø cho biết: “Ngư nghiệp là linh hồn của đất nước chúng tôi. Cho nên, điều gì đe dọa đến môi trường biển đều trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của chúng tôi”.

Theo ông Lerbukt, nếu như trước đây các đội đánh cá thường vứt những tấm lưới không còn sử dụng được xuống biển thì giờ đây họ đã có ý thức đem về đất liền.

Na Uy cũng nổi tiếng thế giới với thương hiệu nguồn cá sạch và các ngư dân không muốn làm tổn hại tới điều này.

“Với sự gia tăng của rác thải nhựa trên biển như hiện nay, đến năm 2050, khối lượng của loại rác thải này sẽ ngang bằng với khối lượng của các loài cá trên khắp đại dương” - Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tháng 1-2016.