"Trói mình" trong ngành thực phẩm: NNG có nguy cơ "mắc cạn"

enternews.vn - Tham vọng ở lĩnh vực thực phẩm nhưng qua thời gian, đại gia ngàng nhựa PET - NNG - không những không thu được "quả ngọt" mà ngày càng bị sa lầy khi lấn sân sang lĩnh vực này.

Kết quả hình ảnh cho nhựa pet nnc

Đại gia ngành PET

CTCP Công nghiệp – Dịch vụ - Thương mại Ngọc Nghĩa (NNG) là tập đoàn chuyên cung cấp bao bì PET cho cả ngàn doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, thực phẩm, hóa chất, mỹ phẩm... trong và ngoài nước. Trong đó bao gồm những khách hàng lớn như Coca-Cola Việt Nam, PepsiCo Việt Nam, Lavie, Masan, Vinamilk, Dầu ăn Tường An, Bảo vệ Thực vật An Giang hay Unilever. Nhờ đó, Công ty luôn có nguồn doanh thu ổn định. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt khoảng 15%/năm trong 5 năm trở lại đây. Năm 2014, doanh thu của toàn Tập đoàn Ngọc Nghĩa đạt gần 2.000 tỉ đồng, chủ yếu đến từ các sản phẩm ngành PET.

Năm 2016, ngành PET bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố khiến lợi nhuận ròng của ngành PET giảm 38% (tương đương gần 79,3 tỷ đồng).

Nguyên nhân sự sụt giảm được cho là do giá nhựa sụt giảm đột biến và sự thay đổi cơ cấu sản phẩm của các khách hàng lớn. Các khách hàng lớn trong nước như Coke Việt Nam, Pepsi Việt Nam, Unilever Việt Nam, Lavie, Vinamilk... đều có một số thay đổi trong chính sách nhà cung cấp của họ. NNG đánh giá sự sụt giảm của ngành PET mang tính tạm thời.

Không chỉ vậy, các đối thủ trong ngành xuất hiện ngày càng nhiều và đều lớn mạnh theo thời gian, như Nhựa Bảo Vân, Nhựa Tân Phú, Kỹ Nghệ Đô Thành hay Bao bì Dầu thực vật. Đáng chú ý, các tập đoàn nước ngoài cũng đã thâm nhập sâu vào thị trường nội địa và xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Tiêu biểu nhất là Tập đoàn Hon Chuan (Đài Loan) thành lập Công ty Hon Chuan Việt Nam và xây nhà máy tại Bình Dương. Hay như Tập đoàn Srithai Superware của Thái Lan mới công bố sẽ chi 32 tỉ đồng để xây thêm nhà máy thứ 3 ở Việt Nam.

"Sa lầy" trong thực phẩm

Năm 2009, NNG đặt chân vào lĩnh vực thực phẩm. Năm 2011, NNG đã ghi nhận mức lỗ kỷ lục hơn 110 tỷ đồng do ngành thực phẩm gây ra. Năm 2015, sau 6 năm tham gia, ngành thực phẩm đã đánh bay khoảng 1.000 tỷ đồng lãi của NNG nhưng NNG vẫn đặt mục tiêu trở thành biểu tượng số 1 Việt Nam về sản phẩm nước chấm, gia vị.

Và năm 2016, ngành nước chấm (nước mắm) nơi NNG đang đổ mạnh tiền vào đầu tư tiếp tục tăng lỗ thêm 10 tỷ đồng lên mức lỗ lũy 120 tỷ đồng (theo NNG). Đồng thời, việc đặt chân vào ngành thịt cũng khiến NNG bị lỗ 23,5 tỷ đồng trong năm 2016.

Năm 2017, NNG định hướng phát triển thương hiệu mới ngành nước mắm, tăng mặt hàng cho kênh phân phối từ các sản phẩm nhập khẩu để tăng giá trị gia tăng cho Công ty Hồng Phú. Đồng thời NNG xác định tăng thêm vốn cho Thực phẩm Hồng Phú nhằm tăng thêm nguồn lực cho sự phát triển.

Và năm 2017, liệu lịch sử có lặp lại ở NNG hay không khi cạnh tranh trong ngành nước chấm và gia vị khốc liệt hơn, ngành thịt biên lợi nhuận thấp và nhiều biến động.

Đối với NNG, ngành thực phẩm hướng tới người tiêu dùng cuối cùng nên đã dành khá nhiều chi phí cho quảng cáo. Tuy nhiên, việc truyền thông quảng cáo không mấy hiệu quả. Thêm vào đó, Công ty lại gặp rắc rối với sự cố phân phối ở Quảng Bình khi một đại diện phân phối chính thức của công ty đã lừa dối các tiểu thương chợ Đồng Hới liên quan đến việc chi trả hoa hồng khi mua và trưng bày sản phẩm Kabin. Dù không thực sự do Công ty gây ra và Công ty cũng đã đại diện đứng ra khắc phục hậu quả, đền bù thiệt hại, nhưng việc chọn sai nhà phân phối và không kiểm soát được hệ thống này chắc chắn sẽ khiến cho họ mất điểm trong mắt tiểu thương.

Như vậy, 2 điểm quan trọng nhất trong việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng là hệ thống phân phối và quảng bá, công ty con ở mảng thực phẩm của Ngọc Nghĩa dường như chưa đạt được thành công.

Chọn một ngành vừa không phải thế mạnh, vừa phải đối đầu với nhiều ông lớn là một quyết định “quả cảm” của NNG. Không chỉ riêng nước mắm, ngành bánh kẹo do Thực phẩm Đông Á (Công ty con của NNG) phụ trách cũng không khá hơn, khi có quá nhiều doanh nghiệp mạnh như Kinh Đô, Bibica, Hải Hà... đang chi phối thị trường. Không dễ để truyền thông tiếp cận với Ngọc Nghĩa khi lãnh đạo là người khá kín tiếng.

Tuy nhiều nhiều cơ hội phát triển nhưng ngành thực phẩm là thách thức lớn đối với NNG bởi tiềm năng bao giờ cũng đi liền với cạnh tranh. Nếu cứ tiếp tục dấn thân vào thực phẩm mà không có đột phá liệu rằng mảng kinh doanh truyền thống sẽ còn gồng gánh lỗ từ thực phẩm thêm được bao lâu?