Ông lớn ngành nhựa vẫn lời khủng giữa cơn bão giá nguyên liệu

(PLO)- Ngành nhựa được dự báo sẽ duy trì nhịp tăng trưởng cao tới 15%/năm.

Theo Bộ Công Thương, sau đại dịch, năm 2022 sẽ có nhiều triển vọng cho ngành nhựa nhờ vào việc ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giúp mở ra cơ hội thu hút đầu tư không chỉ ở các nước đối tác FTA mà cả các nước khác đến đầu tư sản xuất hàng hóa tại Việt Nam nhằm tận dụng các cơ hội của FTA.

Ngành nhựa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tốt

Ngành nhựa được dự báo sẽ duy trì nhịp tăng trưởng cao tới 15%/năm, điều này hoàn toàn khả thi khi quan sát các báo cáo kinh doanh của doanh nghiệp nhựa trong thời gian gần đây.

Đơn cử, theo báo cáo kết quả kinh doanh Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) ghi nhận quý II/2022 doanh thu công ty tăng 38% đạt 1.717 tỉ đồng; biên lợi nhuận đạt 29,3%, tăng mạnh so với mức 19,9% quý II/2021.

Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh là Nhựa Bình Minh cũng ghi nhận doanh thu quý II đạt 1.555 tỉ, tăng 7,1% và lợi nhuận sau thuế đạt 145,24 tỉ đồng, tăng 247,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 12,9% lên 25,1%.

Những con số này cho thấy ngành nhựa đang có tốc độ tăng trưởng ổn định và có sự thích nghi tốt trong bối cảnh hầu hết các ngành nghề trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản đang quay cuồng trong bão giá.

Tính riêng tại khu vực miền Nam, trao đổi với PLO bên lề sự kiện kỷ niệm 15 năm thành lập, ông Hồ Phi Hải, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong Phía Nam (Tiền Phong Nam) đánh giá ngành nhựa đang có những tín hiệu khả quan.

“Từ năm 2017, doanh thu của đơn vị đã cán mốc 1.236 tỉ đồng. Con số này tiếp tục tăng trưởng giúp Tiền Phong Nam chính thức tham gia vào các công ty có doanh thu ngàn tỉ.

Thêm vào đó, chúng tôi đã ký kết hợp tác toàn diện và cổ đông chiến lược với Tập đoàn Sekisui Chemical, một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm phục vụ ngành nước và môi trường.

Sekisui đã hỗ trợ Tiền Phong Nam rất nhiều trong công tác quản trị, cũng như chuyển giao công nghệ sản xuất một số sản phẩm mà từ trước đến nay Việt Nam phải nhập khẩu từ nước ngoài, phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng của thị trường” - ông Hải nói.

Cũng theo vị này, tính tới nay công suất cung ứng ống và phụ tùng nhựa của doanh nghiệp đạt 60.000 tấn sản phẩm/năm, đáp ứng đầy đủ và kịp thời những sản phẩm chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài nước.

Ông lớn ngành nhựa vẫn lời khủng giữa cơn bão giá nguyên liệu ảnh 1


Ngành nhựa được dự báo sẽ duy trì nhịp tăng trưởng cao tới 15%/năm.

Những rào cản đến từ cuộc cạnh tranh thị phần

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp ngành nhựa vẫn đang đối diện với không ít khó khăn khi giá nguyên liệu chủ chốt liên tục tăng cao.

Theo Bộ Công Thương, chi phí cho nguyên liệu chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu chi phí của ngành nhựa. Tuy nhiên, các công ty nhựa Việt Nam không thể chủ động nguồn cung trong nước, phải nhập khẩu đến 80% nguyên liệu đầu vào.

Cùng với đó là áp lực cạnh tranh cũng trở thành bài toán đầy thách thức cho các doanh nghiệp khi có thêm nhiều tân binh và doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường.

Số liệu dẫn từ báo cáo thường niên 2021 của Nhựa Tiền Phong cho thấy, toàn lãnh thổ Việt Nam đang có khoảng 3.000 doanh nghiệp nhựa hoạt động, trong đó có 24% (tương đương 720) doanh nghiệp nhựa xây dựng.

Trong nhiều năm gần đây, những cái tên giàu tiềm lực như Hoa Sen, Tân Á Đại Thành… đã trở thành những đối thủ đáng gờm, trực tiếp nhảy vào sân chơi để cạnh tranh với hai tên tuổi đang dẫn đầu thị trường.