Nhựa Bình Minh và mâu thuẫn trong dòng lợi ích của người Thái

(VNF) - Mặc dù việc trở thành công ty con của tập đoàn Thái Lan SCG giúp Nhựa Bình Minh chủ động vượt trội về nguồn nguyên liệu so với các đối thủ nhưng cũng đồng thời đẩy "ông lớn" này vào tình thế bị động do mẫu thuẫn lợi ích: Nhựa Bình Minh được lợi về giá thì TPC Vina - công ty con của SCG cung cấp nguyên liệu cho Nhưa Bình Minh - phải chịu thiệt và ngược lại.

Kết quả hình ảnh cho nhựa binhminh

Nhựa Bình Minh là công ty con của tập đoàn Thái Lan SCG

Cạnh tranh trong ngành ống nhựa xây dựng tại miền Nam trong giai đoạn 2016 – 2018 tăng nhanh sau khi một số doanh nghiệp mới gia nhập ngành như Tập đoàn Hoa Sen hay Stroman hoàn thành xây dựng nhà máy và cho ra sản phẩm.

Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) vẫn giữ được vị thế là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất trong ngành ống nhựa.

Nhựa Bình Minh hiện đang sở hữu 4 nhà máy với tổng công suất thiết kế 150 nghìn tấn/năm, ngang bằng với Nhựa Tiền Phong và hơn 40% so với doanh nghiệp đứng thứ 2 là Tập đoàn Hoa Sen.

Theo dữ liệu trong báo cáo cập nhật mới đây về Nhựa Bình Minh, Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cho biết Nhựa Bình Minh đang nắm giữ khoảng 43% thị phần ống nhựa miền Nam và 27% thị phần ống nhựa cả nước năm 2018.

Bên cạnh đó, tài chính lành mạnh, khả năng sinh lời tốt cũng là những điểm mạnh của "ông lớn" ngành nhựa này.

Đặc biệt, Nhựa Bình Minh nắm trong tay lợi thế "độc nhất vô nhị" là chủ động được phần lớn nguyên vật liệu từ nguồn cung nội địa, trong khi hầu hết các doanh nghiệp đối thủ phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài.

Theo FPTS, chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí là đặc thù của các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nhựa.

Trong cơ cấu chi phí sản xuất của Nhựa Bình Minh, chi phí nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn với khoảng 78% trên tổng chi phí giai đoạn 2016 – 2018.

Đi sâu hơn, chi phí nguyên vật liệu của doanh nghiệp này chủ yếu là chi phí hạt nhựa nguyên sinh khi chiếm đến 81% trong cơ cấu chi phí nguyên vật liệu và 63% trên tổng chi phí.

Đáng chú ý, nguyên liệu nhựa nguyên sinh của Nhựa Bình Minh (phần lớn là PVC) được cung cấp chủ yếu từ các nhà sản xuất trong nước.

Hiện tại 50% nguyên liệu PVC của Nhựa Bình Minh được cung cấp bởi TPC Vina - một trong những nhà sản xuất PVC lớn nhất, chiếm 50% sản lượng PVC của Việt Nam và cũng là bên liên quan với Nhựa Bình Minh.

Sau khi Nawaplastic hoàn tất việc nâng sở hữu tại Nhựa Bình Minh trong năm 2018, hiện tại cả Nhựa Bình Minh và TPC Vina đều thuộc sở hữu của tập đoàn SCG của Thái Lan.

FPTS nhấn mạnh, việc có bên liên quan là TPC Vina cung cấp 50% nguyên liệu PVC giúp Nhựa Bình Minh không phải dự trữ nguyên liệu sản xuất như các doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu khác như Nhựa Tiền Phong hay Nhựa Đông Á.

Điều này giúp các chỉ tiêu hoạt động của Nhựa Bình Minh về số ngày tồn kho và chu kỳ chuyển đổi tiền mặt đều tốt hơn các doanh nghiệp đối thủ.

Tuy nhiên, theo FPTS, việc TPC Vina là bên liên quan, đồng thời là nhà cung cấp nguyên liệu chính cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nêu dẫn chứng, FPTS cho hay, trong giai đoạn từ quý II/2018, khi giá các loại nguyên liệu nhựa có xu hướng giảm, biên lợi nhuận gộp của Nhựa Bình Minh cũng giảm theo thay vì được cải thiện như đối thủ Nhựa Tiền Phong.

Dẫn chứng của FPTS cho thấy, mặc dù việc trở thành công ty con của tập đoàn Thái Lan SCG giúp Nhựa Bình Minh chủ động vượt trội về nguồn nguyên liệu so với các đối thủ nhưng cũng đồng thời đẩy "ông lớn" này vào tình thế bị động do mẫu thuẫn lợi ích: Nhựa Bình Minh được lợi về giá thì TPC Vina phải chịu thiệt và ngược lại.

Diễn biến này phần nào giống với lý thuyết "song đề tù nhân" khi người này có lợi thì người kia chịu thiệt, còn nếu hợp tác để chia đều lợi ích - rủi ro thì kết quả đạt được của cả hai đều chỉ ở mức khiêm tốn.

Với trường hợp của Nhựa Bình Minh, ai lợi, ai thiệt phụ thuộc hoàn toàn vào tập đoàn Thái Lan SCG. Hay ở góc độ đầu tư, cổ đông của Nhựa Bình Minh lợi hay thiệt phụ thuộc hoàn toàn vào người Thái.

vietnamfinance