Nhựa Bình Minh trả cổ phiếu bằng cổ phiếu 80%, bằng tiền 40%

Kết quả hình ảnh cho nhua binh minh

CTCP Nhựa Bình Minh sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 việc phát hành cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ bằng 80% vốn điều lệ, tương đương 363.827.840.000 đồng được trích từ quỹ đầu tư phát triển.

Phát hành cổ phiếu thưởng 80%, trả cổ tức năm 2016 bằng tiền 40%

Nhựa Bình Minh đang có quỹ đầu tư phát triển với giá trị cực lớn 1.255,6 tỷ đồng, gấp 2,76 lần vốn điều lệ nên ban lãnh đạo công ty quyết định xin ý kiến đại hội đồng cổ đông phát hành cổ phiếu trả cổ tức (cổ phiếu thưởng) với số lượng 36.382.784 cổ phiếu, tỷ lệ 80% cho cổ đông. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Nhựa Bình Minh tăng lên 818,6 tỷ đồng. Việc phát hành này cũng sẽ làm thị giá cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh giảm từ 198.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 110.000 đồng/cổ phiếu giúp BMP có tính thanh khoản hơn. Hiện nay, thị giá BMP đang đứng vị trí thứ 3 trên sàn HOSE sau cổ phiếu SAB (Tổng CTCP Rượu – Bia – Nước giải khát Sài Gòn – Sabeco) 206.000 đồng/cổ phiếu, CTD (CTCP Xây dựng Cotec – Coteccons) 199.800 đồng/cổ phiếu.

Doanh thu, lợi nhuận của Nhựa Bình Minh luôn đạt kết quả tốt, tăng dần đều qua các năm. Doanh thu năm 2012 đạt 1.924 tỷ đồng nhưng tới năm 2016 đã đạt 3.678 tỷ đồng, tương đương tốc độ 22,79%/năm. Năm 2012, lợi nhuận sau thuế của Nhựa Bình Minh đạt 361 tỷ đồng nhưng tới năm 2016 đã đạt 627 tỷ đồng (lợi nhuận trước thuế đạt 784 tỷ đồng), tốc độ bình quân đạt 18,42%/năm.

Kết quả hình ảnh cho nhua binh minh

Với lãi cơ bản trên cổ phiếu năm 2016 đạt 13.796 đồng nên ban lãnh đạo Nhựa Bình Minh quyết định trả cổ tức bằng tiền mặt 4.000 đồng/cổ phiếu (tỷ lệ 40%).

Năm nay, Nhựa Bình Minh đặt kế hoạch doanh thu 4.050 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 700 tỷ đồng, cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu 20%. Như vậy, kế hoạch năm 2017 của Nhựa Bình Minh kém khả quan do doanh thu tăng chậm trong khi đó lợi nhuận giảm mạnh. Cụ thể doanh thu tăng 10,1% nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 10,7% so với năm 2016.

Hủy kế hoạch sáp nhập với DPC

Do nhiều lý do nên việc sáp nhập CTCP Nhựa Đà Nẵng (DPC) vào Nhựa Bình Minh vẫn chưa thực hiện được theo Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016. HĐQT sẽ trình đại hội hủy bỏ việc sáp nhập này và xin hình thức hợp tác mới phù hợp. Hiện nay, Nhựa Bình Minh đang sở hữu 29,05% vốn điều lệ của DPC, tương đương 650.000 cổ phiếu.

Năm 2016, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Nhựa Bình Minh cho rằng việc sáp nhập DPC vào công ty sẽ phát triển thêm cơ sở để phát triển thị trường và tăng doanh miền Trung. Tuy nhiên, ông Ngân cảnh báo việc phát triển, tái cấu trúc DPC sẽ tốn chi phí cao, đồng thời cơ sở vất chất, con người và thị trường của DPC rất nhỏ bé khi đặt bên cạnh Nhựa Bình Minh.

Trái ngược với hoạt động hiệu quả của Nhựa Bình Minh, DPC hoạt động khá kém khi doanh thu và lợi nhuận năm 2016 lần lượt giảm 28,75% và 35,34% so với năm 2012. Năm 2016, DPC thực hiện 67,4 tỷ đồng doanh thu và 2,9 tỷ đồng lợi nhuận. Vì kết quả kinh doanh kém nên giá cổ phiếu của DPC cũng khá thấp khi chỉ 18.300 đồng/cổ phiếu. Thị giá BMP cao gấp 10,82 lần DPC nên nếu thực hiện sáp nhập thì tỷ lệ hoán đổi có thể là 10 cổ phiếu DPC nhận 1 cổ phiếu BMP.

SCIC thoái vốn và nới room nước ngoài lên 100%

HĐQT sẽ trình Đại hội đồng cổ đông nới room nước ngoài lên 100% bằng việc bỏ 2 ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp làm hạn chế tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài là Vận tại hàng hóa bằng đường bộ và Quảng cáo.

Hiện nay, khối ngoại đang sở hữu 48,8% vốn điều lệ của Nhựa Bình Minh, tương đương 22.193.775 cổ phiếu. Trong đó, 2 tổ chức nước ngoài là The Nawaplastic Industries (Saraburi) Co., Ltd. sở hữu 20,40% (9.279.049 cổ phiếu), Franklin Templeton Investment Funds – Templeton Frontier Markets Fund sở hữu 9,01% (4.097.418 cổ phiếu).

Theo kế hoạch ngay trong năm nay, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn toàn bộ cổ phần tại Nhựa Bình Minh, tương đương 29,51% vốn điều lệ (13.422.170 cổ phiếu). Như vậy, không loại trừ tổ chức Saraburi của Thái Lan sẽ đăng ký mua toàn bộ số cổ phần trên của SCIC để đặt thêm một chân nữa vào Nhựa Bình Minh trong kế hoạch mở rộng ngành nhựa của tập đoàn đến từ xứ sở chùa vàng.

Nhựa Bình Minh
Nhà máy sản xuất của Nhựa Bình Minh. Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 Nhựa Bình Minh được tổ chức vào ngày 18/4 tại trụ sở công ty 240 Hậu Giang, Q.6, TP.HCM

HĐQT và BKS: Thù lao và thưởng khủng

Thù lao HĐQT (1 Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch và 3 thành viên) và BKS (1 Trưởng ban và 2 thành viên) được tính trên 0,1% doanh thu, trong đó, HĐQT được 0,08% doanh thu và BKS được 0,02% doanh thu. Ngoài ra, HĐQT và BKS được thưởng 1% tổng lợi nhuận sau thuế, trong đó, HĐQT được 0,8% lợi nhuận sau thuế và BKS được 0,2% lợi nhuận sau thuế. Như vậy, thù lao HĐQT và BKS sẽ phụ thuộc vào doanh thu còn thưởng phụ thuộc vào lợi nhuận sau thuế.

Năm 2016, Nhựa Bình Minh doanh thu đạt 3.678 tỷ đồng, HĐQT sẽ được thù lao 2,94 tỷ đồng, BKS được 0,76 tỷ đồng. Ngoài ra, lợi nhuận sau thuế đạt 627,5 tỷ đồng, HĐQT được thưởng 5 tỷ đồng và BKS được 1,6 tỷ đồng. Như vậy, thù lao và thưởng của HĐQT (5 người) trong năm 2016 là 7,96 tỷ đồng, BKS (3 người) là 1,99 tỷ đồng.