Nhựa Bình Minh sẵn sàng “mở cửa” vì lợi ích chung

Nhựa Bình Minh sẵn sàng “mở cửa” vì lợi ích chung

Nhựa Bình Minh có biên lợi nhuận gộp khá cao so với các doanh nghiệp cùng ngành. Quý III/2016, biên lợi nhuận gộp của BMP đạt 35,5%.

(ĐTCK) Với hiệu quả kinh doanh cao, ổn định, thương hiệu uy tín và triển vọng của ngành kinh doanh sáng sủa, cổ phiếu BMP của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh luôn nằm trong danh sách cổ phiếu được giới đầu tư ưa thích kể từ khi lên niêm yết.

Năm 2016, năm đầu tiên trong thực hiện Chiến lược 5 năm giai đoạn 2016 – 2020, Nhựa Bình Minh đặt kế hoạch doanh thu thuần 3.330 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 600 tỷ đồng, cổ tức dự kiến tối thiểu 20%. 9 tháng đầu năm, Công ty đạt doanh thu 2.701 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ, đạt 81% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế đạt 663 tỷ đồng, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 63 tỷ đồng, tương đương 10% chỉ tiêu cả năm.

Những kết quả tích cực trên, theo lãnh đạo Nhựa Bình Minh, là nhờ sức mua các sản phẩm ống nhựa tăng theo nhu cầu xây dựng và sự phục hồi của thị trường bất động sản. Xu hướng này đã được Công ty dự báo từ cách đây 2 năm, qua chủ trương xây dựng thêm nhà máy mới, nhằm gia tăng năng lực cung ứng, phát huy nội lực sẵn có, chủ động nắm bắt thời cơ từ thị trường.

Giai đoạn năm 2016 - 2017, lãnh đạo Nhựa Bình Minh có chủ trương đầu tư 620 tỷ đồng để mở rộng Nhà máy Bình Minh Long An. Mặc dù nhu cầu vốn cho đầu tư dự án này là khá lớn, nhưng với nguồn lực tài chính hiện tại, lãnh đạo Công ty khẳng định, có thể cân đối được nguồn và chưa cần bổ sung vốn từ bên ngoài.

Ngành nhựa xây dựng có tiềm năng tăng trưởng tốt, khi nhu cầu xây dựng của nước ta rất lớn. Theo số liệu ước tính của Bộ Xây dựng, trong chiến lược phát triển nhà ở đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng nhà ở bình quân đạt 5 - 10% sẽ kéo theo nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao, trong đó nhu cầu về ống nhựa xây dựng dự kiến tăng 15%/năm. Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành cũng ngày càng gay gắt hơn, với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp. Trong bối cảnh ấy, Nhựa Bình Minh vẫn chứng tỏ được vị thế dẫn đầu với sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt gần 80.000 tấn trong năm 2016, chiếm hơn 50% thị phần ống nhựa xây dựng tại phía Nam và sở hữu mạng lưới phân phối rộng khắp với hơn 1.500 đại lý trải dài từ Bắc vào Nam. Công ty duy trì được biên lợi nhuận gộp khá cao so với các doanh nghiệp cùng ngành. Cụ thể, quý III/2016, biên lợi nhuận gộp của BMP đạt 35,5%, tăng mạnh so với mức 27% cùng kỳ năm trước.

Để phát triển bền vững, BMP không lựa chọn con đường cạnh tranh về giá, mà kiên trì tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và kiểm soát tốt các chi phí, tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông và Công ty.

Bên cạnh tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ổn định qua các năm, Nhựa Bình Minh còn được đánh giá là một trong những doanh nghiệp hoạt động minh bạch trên sàn niêm yết. Điều này thể hiện qua việc tuân thủ các quy định về công bố thông tin và coi trọng trách nhiệm với cổ đông. Trong nhiều mùa giải Bình chọn báo cáo thường niên tốt nhất do Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM và Báo Đầu tư Chứng khoán phối hợp tổ chức, báo cáo thường niên của Công ty nhận được sự đánh giá cao từ Hội đồng bình chọn, góp mặt trong Top 50 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất. Điều này giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư về năng lực và chiến lược phát triển bền vững của Công ty.

Nhờ các yếu tố trên, trong 10 năm lên niêm yết trên sàn HOSE, cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh luôn nhận được sự quan tâm của giới đầu tư. Điều này đã được phản ánh vào thị giá cổ phiếu BMP. Tại thời điểm 11/11/2016, cổ phiếu BMP được giao dịch ở mức giá 201.000 đồng/cổ phiếu, tăng 56% so với mức giá hồi đầu năm nay (128.000/cổ phiếu), cao hơn mức tăng trưởng giá bình quân ngành vật liệu xây dựng là 45%.

Với những lợi thế riêng có và tiềm năng tăng trưởng tốt của ngành, Nhựa Bình Minh đang được cho là “đích ngắm” thâu tóm của nhà đầu tư ngoại. Xung quanh câu chuyện này, ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhựa Bình Minh cho rằng, xu hướng M&A trong ngành nhựa xây dựng là không thể tránh khỏi, do tiềm năng lớn của ngành và đó cũng là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường.

“Nếu việc sáp nhập làm gia tăng giá trị và lợi ích chung cho doanh nghiệp, cho các cổ đông thì Công ty sẵn sàng mở cửa”, ông Doanh khẳng định.