Nhựa Bình Minh lãi 9 tháng tăng 25%, quý IV lo ngại giá nguyên liệu tăng

Quý III, Nhựa Bình Minh ước lãi sau thuế 153 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Giá nguyên liệu tăng trở lại mức tương đương bình quân 2019 có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận quý IV của doanh nghiệp. Chi phí nguyên vật liệu chiếm khoảng 65% giá thành của Nhựa Bình Minh.

Tại cuộc họp trực tuyến với nhà đầu tư chiều 8/10, ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh (HoSE: BMP) thông báo doanh thu hợp nhất 9 tháng ước đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 7%; sản lượng 80.000 tấn, tăng 5%. Lợi nhuận trước thuế đạt 514 tỷ và lợi nhuận sau thuế 412 tỷ, cùng tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, doanh nghiệp đã thực hiện khoảng 73% sản lượng 74% doanh thu và 88% lợi nhuận.

Như vậy, riêng quý III, Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu thuần 1.130 tỷ đồng, tăng 5,7%; lãi sau thuế 153 tỷ đồng, tăng 27,8%.

Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh cho biết vào cuối quý II và đầu quý III, giá nguyên liệu rơi đột ngột dù thời gian không dài nhưng cũng giúp đơn vị có lợi nhuận tốt. Chi phí nguyên liệu chiếm đến 65% giá thành nên bất kỳ sự tăng, giảm giá nào cũng có thể ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận.

Bên cạnh đó, trong năm 2019, công ty có tiến hành tái cấu trúc nội bộ, chuyên môn hóa, tổ chức lại hệ thống phân phối giúp cắt giảm chi phí. Doanh nghiệp đã thu hẹp lại hệ thống đại lý cấp 1 từ 60 về khoảng 20, giúp việc quản lý tốt hơn và đạt hiệu quả cao hơn. Năm nay, do điều kiện dịch bệnh, Nhựa Bình Định không đặt mục tiêu mở rộng nhiều hệ thống phân phối.

bmp-9thang-3067-1602151124.png

Đơn vị: tỷ đồng

Sang đến quý IV, giá nguyên liệu có dấu hiệu tăng trở lại. Đến nay, giá nguyên liệu nhựa tăng 30% so với mức đáy của năm 2020 và về mức tương đương bình quân năm 2019. Theo đó, vị CEO của Nhựa Bình Minh lo ngại lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng vào quý cuối năm.

Ngoài ra, ngoại trừ việc thúc đẩy đầu tư công thì thị trường bất động sản không có nhiều điểm sáng trong quý cuối năm khi chưa có một tín hiệu thể hiện nhu cầu vật liệu xây dựng phục hồi mạnh cả trong dân dụng. Tuy nhiên với kết quả 9 tháng đạt được thì ban lãnh đạo kỳ vọng hoàn thành kế hoạch kinh doanh và có thể cao hơn một chút.

Về tình hình cạnh tranh, Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh cho biết hầu hết các doanh nghiệp đã kết thúc hoạt động đầu tư vào năm 2019, công suất vượt 1,8 cho đến 2 lần nhu cầu toàn thị trường, nên hầu hết các nhà sản xuất không có động thái đầu tư thêm. Dịch bệnh diễn ra khiến các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn do có tiềm lực tài chính không mạnh. Đây là cơ hội cho những doanh nghiệp lớn có thương hiệu tốt, mạnh về tài chính phát triển. Nhựa Bình Minh vẫn duy trì được vị trí đứng đầu thị phần ống nhựa Việt Nam với khoảng 30%.

Đối với sự phát triển ở thị trường miền Bắc, lãnh đạo doanh nghiệp thông tin dường như các doanh nghiệp miền Bắc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nặng hơn miền Nam, kết quả kinh doanh ở miền Bắc mới đạt 80% kế hoạch được giao cho 9 tháng đầu năm.