Nhà máy chế biến nhựa “trên trời rơi xuống”, “hành dân” 24/24 giờ!

Dân trí Chưa được cấp phép hoạt động nhưng một nhà máy chế biến nhựa tại huyện Nho Quan (Ninh Bình) vẫn ngang nhiên hoạt động. Đơn vị này làm việc không kể ngày đêm, xả ra khí có mùi rất khó chịu khiến người dân xã Lạc Vân “khốn đốn” hai tháng qua.

“Khốn đốn” vì nhà máy xả mùi

Hàng chục hộ dân thôn 3, xã Lạc Vân, huyện Nho Quan (Ninh Bình) phản ánh, khoảng 2 tháng nay cuộc sống của họ bị đảo lộn vì một nhà máy bỗng dưng từ “trên trời rơi xuống” ngang nhiên hoạt động trên địa bàn.

Theo đó, nhà máy này không được cấp phép hoạt động, không có biển hiệu, tên công ty… nhưng vẫn vô tư sản xuất từ tháng 6 đến nay. Mỗi khi nhà máy này hoạt động (cả ngày lẫn đêm), khí thải, nước thải xả ra môi trường khiến cuộc sống của các hộ dân xung quanh nhà máy bị đảo lộn, nhiều hộ khốn đốn phải di dời đi nơi khác ở vì không chịu được mùi hôi của nhà máy xả ra môi trường.

Nhà máy chế biến nhựa của Công ty Hằng An đặt trên đất của cơ sở Trọng Hậu nằm sát khu dân cư, chưa được cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động 2 tháng qua.

Nhà máy chế biến nhựa của Công ty Hằng An đặt trên đất của cơ sở Trọng Hậu nằm sát khu dân cư, chưa được cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động 2 tháng qua.

Bà Quách Thị Nguyệt, hộ dân sống ngay sau nhà máy cho biết, khi nhà máy chưa về hoạt động tại địa phương, người dân trong thôn sống yên bình và không có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, khoảng 2 tháng nay, các hộ dân bên nhà máy rất hoang mang cho tương lai của mình.

“Nhà máy hoạt động cả ngày lẫn đêm, lúc nào các quạt gió cũng hoạt động hết công suất, hút mùi từ trong nhà máy xả ra môi trường. Mùi xả từ trong nhà máy ra rất khó chịu, mùi keo nhựa nồng nặc nên gia đình tôi phải đóng cửa cả ngày, không dám ra bên ngoài. Gia đình tôi hiện có 3 thế hệ sinh sống, lo nhất là 6 cháu nhỏ, trong đó có 2 cháu mới sinh, cứ sống trong môi trường thế này sức khỏe làm sao mà đảm bảo được”, bà Nguyệt nói.

Ông Trương Quang Cảnh nhà cách nhà máy chưa đầy 100m cho hay, hai tháng nay ông bà lúc nào cũng phải đóng kín cửa ở trong nhà, mỗi lúc ra khỏi nhà làm việc gì lại phải bịt khẩu trang vì không chịu được mùi hôi từ nhà máy thải ra. Nhiều lúc muốn con cháu đến chơi cũng không dám cho về nhà vì mùi ô nhiễm.

“Khí thải của nhà máy chế biến nhựa này người nào ngửi phải cũng kêu bị nhức đầu, có người bị nôn ọe, khó thở… Từ hôm nhà máy hoạt động tại đây, vợ tôi trong người lúc nào cũng kêu mệt mỏi, khó thở, tức ngực… Con cháu thì cách ly hoàn toàn, không dám cho đến nhà ông bà chơi”, ông Cảnh nói.

Nhà máy của Công ty Hằng An xả mùi làm đảo lộn cuộc sống của người dân thôn 3, xã Lạc Vân. Nhiều hộ dân phải di chuyển đi nơi khác ở, hộ còn lại phải đóng cửa nhà cả ngày, sức khỏe trẻ con, người già bị đe dọa cách nghiêm trọng.

Nhà máy của Công ty Hằng An xả mùi làm đảo lộn cuộc sống của người dân thôn 3, xã Lạc Vân. Nhiều hộ dân phải di chuyển đi nơi khác ở, hộ còn lại phải đóng cửa nhà cả ngày, sức khỏe trẻ con, người già bị đe dọa cách nghiêm trọng.

Ngoài khí thải của nhà máy “hành” người dân thường ngày thì nước thải của nhà máy này cũng khiến người dân lo lắng. Các ống nước thải sinh hoạt của nhà máy này thải trực tiếp ra ruộng rau của nhiều hộ dân. Nước thải kết hợp với khí thải của nhà máy làm nhiều diện tích rau muống của người dân trước kia xanh tốt giờ lụi tàn, bị ảnh hưởng nặng giờ không ai dám ăn.

Ghi nhận của PV Dân trí, nhà máy chế biến nhựa này nằm ngay sát khu dân cư, cổng chính của nhà máy nằm bên Tỉnh lộ 477 tuy nhiên không có tên biển hiệu, công ty, ngành nghề sản xuất gì. Các phía còn cách xa các hộ dân có chỗ chưa đầy 100m. Phía sau nhà máy này được lắp đặt hàng loạt các quạt gió công suất lớn hoạt động liên tục. Đứng gần những quạt gió này, có chỗ cách xa cả chục mét nhưng vẫn không thể chịu được mùi keo nhựa trong nhà máy xả ra.

Trước những phản ánh của người dân, phóng viên đã đến UBND xã Lạc Vân để tìm hiểu rõ sự việc. Tuy nhiên, ông Vũ Văn Hữu - Chủ tịch UBND xã này từ chối cung cấp thông tin và cho biết, phải xin ý kiến của lãnh đạo huyện, phóng viên báo chí đến làm việc thì phải báo cáo huyện, lãnh đạo huyện đồng ý mới được phép trả lời, cung cấp thông tin.

Cương quyết xử lý nhưng… không xử phạt!

Ngày 10/8, trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Văn Sính - Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết, nhà máy mà người dân có phản ánh gây ô nhiễm ở xóm 3, xã Lạc Vân vốn là diện tích đất UBND huyện cấp cho cơ sở sản xuất Trọng Hậu (ông Bùi Trọng Hậu làm chủ) để cung ứng chế biến lương thực thực phẩm. Diện tích đất này khoảng 2,9ha cấp năm 2009, thời gian thuê là 49 năm.

Các quạt xả mùi công suất lớn của nhà máy chế biến nhựa Hằng An hoạt động 24/24, xả ra mùi keo nhựa rất khó chịu.

Các quạt xả mùi công suất lớn của nhà máy chế biến nhựa Hằng An hoạt động 24/24, xả ra mùi keo nhựa rất khó chịu.

Tháng 4/2017, UBND huyện nhận được báo cáo của UBND xã Lạc Vân về việc cơ sở sản xuất Trọng Hậu hợp đồng cho Công ty Hằng An (Nam Định) thuê đất để sản xuất. Ngay sau đó UBND huyện Nho Quan đã giao các cơ quan chuyên môn kiểm tra, lúc này Công ty Hằng An (chế biến nhựa) chưa hoạt động gì.

“Huyện yêu cầu sơ sở Trọng Hậu nếu sử dụng đất theo đúng quyết định được giao thì được, nếu chuyển đổi cho thuê thì phải xem lại có trong Giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh hay không. Qua kiểm tra không có nên chúng tôi đã hướng dẫn ông Trọng bổ sung thêm theo đúng quy định. Bên cạnh đó, việc cơ sở cho công ty Hằng An thuê lại đất thì phải đủ điều kiện”, ông Sính nói.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan thông tin thêm, cuối tháng 6 vừa qua, UBND huyện tiếp tục nhận được báo cáo của UBND xã Lạc Vân về việc cơ sở Trọng Hậu đã ký hợp đồng với Công ty Hằng An để sản xuất. Huyện đã tiếp tục giao các cơ quan chuyên môn về kiểm tra, đầy đủ điều kiện mới cho hoạt động sản xuất. Lúc này phía cơ sở Trọng Hậu cũng như Công ty Hằng An chưa đủ điều kiện theo quy định, nhưng cả hai đơn vị này vẫn vừa chế biến lương thực thực phẩm vừa chế biến nhựa ngay trên diện tích đất của cơ sở Trọng Hậu.

“Thời điểm đó, Công ty hứa ngày 15/7 sẽ hoàn thiện các hồ sơ liên quan. Đến hạn, huyện tiếp tục kiểm tra, đến ngày 20/7 công ty này vẫn chưa có hồ sơ theo quy định. Chúng tôi đã yêu cầu công ty Hằng An dừng sản xuất ngay. Tuy nhiên, sau đó đơn vị này vẫn hoạt động lén lút, đến ngày 8/8 ngành chức năng của huyện kiểm tra phát hiện vẫn đang hoạt động chúng tôi đã yêu cầu dừng ngay hoạt động. Đến ngày 9/9 công ty đã dừng hẳn hoạt đồng”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết.

Hệ thống nước thải của Cơ sở Trọng Hậu và nơi sản xuất của Công ty Hằng An xả thẳng ra môi trường qua các ống nhựa khiến người dân lo lắng, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm vì đa số các hộ dân sống gần đây đều dùng nước giếng.

Hệ thống nước thải của Cơ sở Trọng Hậu và nơi sản xuất của Công ty Hằng An xả thẳng ra môi trường qua các ống nhựa khiến người dân lo lắng, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm vì đa số các hộ dân sống gần đây đều dùng nước giếng.

Cũng theo ông Sính, phía Công ty Hằng An về địa phương hoạt động nhưng không hề qua bất cứ cấp chính quyền địa phương nào từ xã đến huyện. Công ty này chỉ làm việc trực tiếp với cơ sở Trọng Hậu sau đó ký hợp đồng thuê đất, làm nhà xưởng, chuyển máy móc về, thuê công nhân hoạt động nhà máy chế biến nhựa thành đồ chơi trẻ em.

Đề cập đến phương án xử lý vụ việc, ông Sính cho biết, đối với cơ sở Trọng Hậu UBND huyện Nho Quan đã cầu phải thanh lý hợp đồng thuê đất với Công ty Hằng An vì đã cho thuê đất trái thẩm quyền và quay lại sản xuất (chế biến lương thực, thực phẩm) theo đúng mục đích.

“UBND huyện chưa có xử phạt gì với cơ sở này mà chỉ nhắc nhở, hướng dẫn, nếu cố tình vi phạm sẽ xử phạt. “Không phải khi nào muốn phạt là phạt luôn được, phải có sự thấu hiểu, chia sẻ với doanh nghiệp để họ hoạt động, nếu có tình vi phạm thì mới xử lý”, ông Sính nói.

Về việc người dân phản ánh phải chịu ngửi mùi khó chịu từ nhà máy thải ra, ông Sính cho rằng: “Chưa có cơ quan nhà nước nào quan trắc nên không thể khẳng định là ô nhiễm được, nên việc người dân phản ánh là không có cơ sở, không có căn cứ, phải có cơ quan chức năng kiểm tra mới khẳng định được việc này. Không có chuyện người dân dời chỗ ở đi nơi khác vì ông nhiễm, huyện cũng chưa nghe xã báo cáo về việc này”.

Sau hai tháng người dân xã Lạc Vân phải sống trong khốn đốn, hoang mang lo lắng, UBND huyện Nho Quan đã cho yêu cầu nhà máy của công ty Hằng An hoạt động. Tuy nhiên không có đơn vị nào liên quan bị xử lý vì đã vi phạm các quy định của pháp luật.

Sau hai tháng người dân xã Lạc Vân phải sống trong "khốn đốn", hoang mang lo lắng, UBND huyện Nho Quan đã cho yêu cầu nhà máy của công ty Hằng An hoạt động. Tuy nhiên không có đơn vị nào liên quan bị xử lý vì đã vi phạm các quy định của pháp luật.

dantri