Người Việt thải gần 18.000 tấn rác thải nhựa mỗi ngày

TTO - Đó là một trong những con số đáng báo động được các chuyên gia môi trường đưa ra tại sự kiện Ngày Trái đất ở TP.HCM chiều 19-4.

Người Việt thải gần 18.000 tấn rác thải nhựa mỗi ngày - Ảnh 1.

Rác được tập kết tại góc đường Bùi Viện và Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại sự kiện do Tổng lãnh sự quán Mỹ tổ chức, bà Quách Thị Xuân - giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển bền vững Đà Nẵng - cho biết trung bình mỗi người Việt Nam thải ra 1,2kg rác.

Nếu làm tròn dân số Việt Nam là 100 triệu người thì số lượng rác thải là 120.000 tấn mỗi ngày. Trong số đó 16% là rác thải nhựa, vị chi mỗi ngày sẽ có gần 19.000 tấn rác thải nhựa được thải ra ở Việt Nam.

Còn nếu tính dân số Việt Nam là 93,7 triệu người (theo thống kê 2017 của Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình - Bộ Y tế), thì lượng rác thải nhựa thải ra là gần 18.000 tấn.

Cũng theo bà Xuân, vấn đề hiện nay là số lượng rác thải nhựa được tái chế còn rất thấp, nên số rác nhựa còn lại vẫn tồn tại trong môi trường và đi ra đại dương.

Biển sẽ đầy nhựa thay vì cá

Video ghi lại "biển rác" ngay gần thiên đường du lịch Bali do thợ lặn Rich Horner ghi lại từng gây xôn xao khi được báo The Guardian của Anh đăng hồi tháng 3-2018

Theo nhiều nghiên cứu, nếu không hành động ngay bây giờ thì đến năm 2050, đại dương sẽ nhiều rác hơn là cá.

Tại Việt Nam, biển tạo ra sinh kế cho hàng triệu con người, đồng thời cung cấp thức ăn cho cả Việt Nam.

"Tình trạng ô nhiễm nhựa ở Việt Nam đang rất nghiêm trọng. Nhựa đang gây ra những ‘vùng chết’ trên đại dương, gây tổn hại đến trữ lượng cá - bà Xuân báo động - Ở Việt Nam đã có trường hợp rùa biển bị chết do mắc vào lưới đánh cá hoặc ăn phải rác thải nhựa".

Người Việt thải gần 18.000 tấn rác thải nhựa mỗi ngày - Ảnh 3.

Các diễn giả thảo luận sự kiện Ngày Trái đất ở TP.HCM chiều 19-4 - Ảnh: NGỌC ĐÔNG

Theo bà Nguyễn Thị Hoài Linh - giám đốc Tổ chức Hành động vì môi trường và phát triển tại Việt Nam (ENDA Vietnam), nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới trên 109 quốc gia chỉ ra rằng Việt Nam đứng thứ 17 trên bảng "thành tích" về rác thải nhựa.

Không chỉ vậy, Việt Nam được biết đến là có số lượng rác thải nhựa thải ra gấp đôi so với các nước có thu nhập thấp.

Thông tin Việt Nam nằm trong top 5 thế giới về số lượng rác thải nhựa ra đại dương, với 1,8 triệu tấn mỗi năm, cũng được nhắc đi nhắc lại như lời kêu gọi một sự nỗ lực chung nhằm cải thiện tình hình.

"Sự tích tụ của các mảnh rác vụn dưới biển là một vấn đề do con người tạo ra, vì vậy nó đòi hỏi một giải pháp đến từ con người. Đây thật sự là một thời điểm rất đáng để suy ngẫm khi mà sự tích tụ chất thải trong đại dương ở đảo rác Thái Bình Dương đã đạt mức quá lớn", bà Mary Tarnowka, tổng lãnh sự Mỹ, phát biểu.

Hiện tại, đảo rác Thái Bình Dương (vòng xoáy rác thải ở trung tâm Bắc Thái Bình Dương) đã có kích thước lớn gần gấp 6 lần Việt Nam với 90% rác thải là nhựa, theo tiến sĩ David Saiia, nhà đồng sáng lập Tổ chức Reuse Everything Institute.

Giải pháp 3R và 5R

Người Việt thải gần 18.000 tấn rác thải nhựa mỗi ngày - Ảnh 4.

Bà Mary Tarnowka, tổng lãnh sự Mỹ, phát biểu tại sự kiện Ngày Trái đất ở TP.HCM chiều 19-4 - Ảnh: NGỌC ĐÔNG

Giải pháp đơn giản và thiết thực mà ai cũng có thể thực hiện, theo các diễn giả, là 3R và 5R. 3R là viết tắt của reduce (giảm thiểu) - re-use (tái sử dụng) - recycle (tái chế).

"Bạn có cần một túi nhựa ở siêu thị không, hoặc bạn có thể mang theo túi của riêng bạn? Bạn có cần ly nhựa hay ống hút ở cửa hàng trà sữa không, hay mang theo ly của mình? Bạn có tái sử dụng túi nhựa hay vứt bỏ?..." là những câu hỏi mà Tổng lãnh sự Mỹ Mary Tarnowka mong muốn mọi người nên tự hỏi mình trước khi đưa ra quyết định với các sản phẩm bằng nhựa.

Trong khi đó, anh Michael Burdge, người sáng lập mạng lưới Zero Waste Saigon nhằm tìm kiếm và chia sẻ các giải pháp giúp giảm bớt việc sử dụng các sản phẩm từ nhựa, cũng đồng tình rằng một hành động dù nhỏ cũng sẽ mang lại hiệu quả.

"Khi bạn gọi thức uống, hãy nói rằng Tôi không cần ống hút nhựa. Điều đó cũng giúp ích rất nhiều," Michael chia sẻ, gọi đó là "công cụ đắc lực" để giải quyết vấn nạn nhựa.

Người Việt thải gần 18.000 tấn rác thải nhựa mỗi ngày - Ảnh 5.

Rác được tập kết tại góc đường Bùi Viện và Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Từ chối" (refuse) dùng đồ nhựa cũng là một bước mở rộng giải pháp 3R lên 5R: gồm các bước refuse - reduce - re-use - recycle - rot (phân hủy rác) mà các diễn giả đề cập đến.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện tại hệ thống xử lý rác thải ở Việt Nam vẫn chưa được đồng bộ, dẫn đến giảm hiệu quả của việc phân loại rác.

Cụ thể, nhiều trường hợp, người dùng phân loại rác từ nhà nhưng công nhân vệ sinh vẫn sẽ gom chung các loại rác đã được phân loại với nhau để xử lý, chứ chưa được thu gom và xử lý riêng.

Ngoài ra, bên cạnh giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, cũng cần phải có quy định từ cấp chính quyền về rác thải nhựa.

Giám đốc ENDA Vietnam lấy ví dụ về quy định đội nón bảo hiểm ở Việt Nam. "Lúc quy định mới ban hành, người dân tuân thủ vì họ sợ cảnh sát giao thông, nhưng bây giờ nếu hỏi họ vì sao lại đội nón bảo hiểm, họ sẽ trả lời là để bảo vệ bản thân mình", bà Linh nói.