Nghiên cứu tăng mức thuế với túi nylon, bao bì và các sản phẩm nhựa khác Nghiên cứu tăng mức thuế với túi nylon, bao bì và các sản phẩm nhựa khác

Nghiên cứu tăng mức thuế với túi nylon, bao bì và các sản phẩm nhựa khác

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg, trong đó yêu cầu không cấp phép cho các cơ sở nhập khẩu phế liệu chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại phế liệu.

Theo Chỉ thị số 33/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ : Về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu chất thải nhựa ra môi trường, Thủ tướng chỉ thị mở rộng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, phân phối, quảng bá, tiêu dùng các sản phẩm nhựa, túi nylon được gắn nhãn xanh.

Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được yêu cầu không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa... dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó là việc hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi nylon khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn...). Đồng thời, các cơ quan, đơn vị này cần tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị; chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không được để lẫn với chất thải hữu cơ...

Thủ tướng cũng yêu cầu không cấp phép cho các cơ sở nhập khẩu phế liệu chỉ để sơ chế, xử lý và bán lại phế liệu. Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu thân thiện với môi trường nhằm thay thế nhựa trong sản xuất, kinh doanh như vật liệu nhựa phân hủy ở trong nước biển, vật liệu nhựa sinh học (bio plastic), ứng dụng công nghệ dùng xenlulo, thay thế vật liệu nhựa bằng giấy; thúc đẩy, hỗ trợ các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ liên quan đến tái chế và xử lý chất thải nhựa; thẩm định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến tái chế và xử lý chất thải nhựa.

Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ đề án thành lập khu công nghiệp tái chế tập trung theo quy định của pháp luật để hình thành ngành công nghiệp, thị trường tái chế.

Chỉ thị Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi nylon, bao bì và sản phẩm nhựa khác; nghiên cứu đề xuất đánh thuế vật liệu nhựa gốc (virgin plastics); chỉ đạo thanh tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi trốn thuế bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với túi nylon; chủ trì, phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất chính sách tài chính nhằm thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động tái chế chất thải và tái chế chất thải nhựa; ưu đãi, hỗ trợ đối với túi nylon thân thiện môi trường, các sản phẩm nhựa tái chế và các vật liệu thân thiện với môi trường...