Ngành F&B và trách nhiệm với rác thải nhựa

TheLEADERDoanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B) đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng người tiêu dùng thay đổi nhận thức, hành vi đối với rác thải nhựa.

Ngành F&B và trách nhiệm với rác thải nhựa

Ngành F&B chịu trách nhiệm cho một lượng lớn rác thải nhựa.

Đối với ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống (F&B), bao bì nhựa cũng như đồ nhựa dùng một lần là thứ không thể thiếu, tạo ra sự tiện lợi cho người tiêu dùng, đảm bảo điều kiện bảo quản, duy trì vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhu cầu đồ nhựa dùng một lần cho thực phẩm, đồ uống cũng tăng cao cùng với sự phát triển của các dịch vụ mua sắm, đặt đồ ăn trực tuyến.

Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguồn đóng góp chính của rác thải rắn, gây ra lượng rác thải quá tải, khó xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống, sức khỏe con người cũng như gia tăng biến đổi khí hậu.

Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 78 triệu tấn bao bì nhựa được sản xuất trên toàn thế giới nhưng chỉ có tỷ lệ rất thấp được tái chế sau khi sử dụng, còn lại sẽ kết thúc vòng đời tại các bãi chôn lấp, trôi nổi ra đại dương hoặc đưa vào các lò đốt.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, cùng với nhận thức về môi trường của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực F&B đang nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế rác thải nhựa phát sinh từ bao bì sản phẩm. Trong đó, phương án được sử dụng nhiều nhất là thay thế bao bì, ống hút nhựa bằng một số sản phẩm “tự hủy sinh học”.

Tuy nhiên, các sản phẩm hữu cơ, phân hủy nếu không được xả thải, xử lý đúng cách cũng tạo ra những tác hại rất lớn cho môi trường. Mặt khác, nhiều sản phẩm được gắn mác phân hủy sinh học cũng không thể tự phân hủy ở điều kiện tự nhiên.

Ống hút kim loại cũng là sản phẩm thay thế được ưa chuộng, tuy nhiên vẫn vấp phải nhiều lo ngại về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Một số doanh nghiệp đang áp dụng các phương án kể trên có thể kể đến như The Coffee house, Starbuck, Phúc Long… cùng nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Vai trò của F&B trong chống rác thải nhựa

Theo Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), người tiêu dùng là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi giá trị tuần hoàn nhằm ngăn chặn vấn nạn rác thải nhựa. Cụ thể, cách người tiêu dùng “đối xử” với những loại bao bì, đồ dùng một lần sau khi sử dụng chính là điều quyết định “số phận” của chúng, được làm tái chế, xử lý đúng cách hay trôi nổi ra môi trường, bị đốt hoặc chôn lấp bừa bãi.

Do đó, trách nhiệm của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp làm việc trực tiếp với người tiêu dùng là phải làm thế nào để thay đổi nhận thức, ý thức, hướng tới thay đổi hành vi và thói quen của họ đối với không chỉ rác thải nhựa mà còn các loại rác thải sau tiêu dùng.

Cụ thể, thay vì sử dụng những vật liệu thay thế, các quán ăn, nhà hàng có thể định hướng thói quen của người tiêu dùng, thông qua các hoạt động truyền thông, tuyên truyền. Hiện nay, một số nhà hàng, quán ăn uống đang áp dụng chương trình giảm giá cho khách hàng mang hộp, cốc, túi cá nhân, cũng là một phương án hiệu quả giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, sản xuất hàng tiêu dùng nhanh, trách nhiệm đối với bao bì sản phẩm còn nằm ở việc đầu tư nghiên cứu, thay đổi thiết kế theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thu gom, tái chế. Đây cũng là quan điểm của công cụ chính sách mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR).

Là tổ chức gồm 14 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh, trong đó phần lớn doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm thực phẩm, nước giải khát, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) cũng đang đặt ra những mục tiêu tham vọng về tái chế bao bì, với mốc 2030 cho việc tái chế 100% bao bì được sử dụng bởi các thành viên.

Bên cạnh nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, thiết kế sản phẩm thân thiện với môi trường, PRO Việt Nam đang hợp tác với các đơn vị thu gom, tái chế để nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng xử lý rác thải, đảm bảo quyền lợi cho lực lượng thu gom và tái chế rác thải.