Muối bán ở châu Á nhiễm vi nhựa nhất thế giới

Trong 39 mẫu muối ăn được tổ chức phi chính phủ Greenpeace kiểm tra, chỉ có ba loại an toàn, còn lại đều bị nhiễm vi nhựa.


Theo Asiaone, kết luận của tổ chức phi chính phủ Greenpeace là hơn 90% muốn ăn trên thế giới chứa các hạt nhựa siêu nhỏ hay còn gọi là vi nhựa. Trong số này, các loại muối được bán ở châu Á có nồng độ vi nhựa cao nhất.

Trên tờ Environmental Science & Technology, Greenpeace cho biết đã kiểm nghiệm và phân tích 39 nhãn hiệu muối ăn từ 21 quốc gia trên thế giới, trong đó có Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Kết quả cho thấy chỉ có ba mẫu muối của Đài Loan (muối biển tinh chế), Trung Quốc đại lục (muối đá tinh chế), Pháp (muối biển tự nhiên chưa tinh chế) không có dấu vết của hạt vi nhựa. Còn lại, tất cả đều chứa vi nhựa.

Muối biển là loại muối chứa nhiều vi nhựa nhất, sau đó đến muối hồ và muối đá. Đặc biệt, các sản phẩm muối được bày bán ở châu Á có nồng độ vi nhựa cao nhất.

"Nhựa xuất hiện trong hải sản, các loài động vật hoang dã, nước máy và giờ đây là muối. Rõ ràng là chúng ta không thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhựa, nhất là khi nó vẫn tiếp tục tấn công nước và đại dương", đại diện Greenpeace bày tỏ lo lắng.

Ảnh: The Heart Foundation.

Ảnh: The Heart Foundation.

Nghiên cứu trên chứng tỏ châu Á là điểm nóng của tình trạng ô nhiễm nhựa toàn cầu. Điều này có nghĩa hệ sinh thái và sức khỏe con người ở vùng ven biển châu Á sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn.

Gần đây, một công trình chỉ ra cơ thể người có thể chứa đến 9 loại vi nhựa khác nhau. Greenpeace ước tính nếu một người lớn tiêu thụ khoảng 10 g muối mỗi ngày thì sẽ đưa vào cơ thể 2.000 hạt vi nhựa mỗi năm.

Để hạn chế tiếp xúc với vi nhựa, các chuyên gia khuyến cáo nhân loại cần đưa ra các biện pháp phòng ngừa như kiểm soát việc thải rác nhựa ra biển và quan trọng nhất là giảm rác nhựa.