LÀM GIÀU TỪ NGHỀ ĐAN LÀN NHỰA

Với đôi bàn tay khéo léo, đức tính cần cù và sự năng động, sáng tạo, chị Trần Thị Ngân ở thôn Nam Hiệp Trung, xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) đã làm giàu cho gia đình mình bằng nghề đan làn nhựa đựng gà và tạo việc làm cho nhiều lao động trong xã.

Chị Ngân (áo đỏ) cùng chị em công nhân đan làn tại cơ sở của gia đình.

Chị Ngân cho biết, chị sinh ra và lớn lên ở huyện Mai Châu (Hòa Bình). Về Thái Bình làm dâu, để đỡ đần chồng trang trải kinh tế gia đình, nuôi các con ăn học, chị vừa làm ruộng vừa mở cửa hàng bán đồ tạp hóa.

Năm 2007, chỉ qua bức ảnh chiếc làn trên quyển catalog của Thái Lan, chị đã mày mò suốt 6 tháng trời để đan thành công chiếc làn đựng gà. Ban đầu, những chiếc làn được chị bán cho chính những người bạn của mình. Tiếng lành đồn xa, qua những người bạn, nhiều người đã biết mặt hàng làn nhựa của chị và đặt hàng ngày càng nhiều. Từ buổi đầu chỉ bán được 3 chiếc/tháng, sau một thời gian chị đã bán được 10 chiếc/tháng rồi 30 chiếc/tháng.

Để những chiếc làn nhựa đan ra ngày càng đẹp hơn cả về chất liệu và màu sắc, chị đã tìm tòi thay đổi nhiều loại vật liệu khác nhau. Hiện nay, mặt hàng làn nhựa đựng gà của chị đã được bán rộng rãi ở thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình… Thông qua các đại lý, mặt hàng làn nhựa của gia đình chị đã vươn ra cả thị trường nước ngoài. Tính trung bình 5 năm gần đây mỗi năm cơ sở sản xuất của gia đình chị sản xuất được 12.000 sản phẩm làn nhựa; tạo việc làm, tăng thu nhập cho 60 lao động với thu nhập bình quân khoảng 4 triệu đồng/người/tháng, người làm tốt có thu nhập tới 10 triệu đồng/tháng.

Đặc biệt, cơ sở sản xuất làn nhựa của gia đình chị còn tạo việc làm cho nhiều lao động là người khuyết tật. Điển hình như chị Lại Thị Nhung, bị liệt hai chân đã hơn 24 năm nay nhưng nhiều năm nay chị đã có thể lao động kiếm tiền như một người có sức khỏe tốt.

Chị Nhung chia sẻ: Trước đây tôi chẳng làm được gì. Nhưng từ khi chị Ngân mở cơ sở sản xuất làn nhựa và dạy nghề, tạo việc làm cho nên gần 10 năm nay tôi ngồi tại nhà mà vẫn kiếm được tiền để cùng chồng nuôi các con ăn học, trưởng thành. Bình quân một tháng đan làn tôi có thu nhập 4 triệu đồng, tháng làm được nhiều thì được khoảng 7 – 8 triệu đồng.

Nam giới thường làm những việc khó khăn hơn như đóng đế, làm quai làn.

Chị Trần Thị Ngân không chỉ là phụ nữ năng động làm kinh tế giỏi, tạo việc làm giúp nhiều hội viên phụ nữ trong xã có việc làm ổn định vươn lên thoát nghèo mà ở địa phương chị còn được biết đến là một người vợ, một người mẹ đảm đang. Bên cạnh đó, chị cũng là một hội viên phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động do các cấp hội phát động, đặc biệt là tham gia hoạt động xã hội, từ thiện” – chị Vũ Thị Thanh Trà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Hòa nhận xét.

Theo Báo Thái Bình