Kiên Giang đặt mục tiêu đến 2025 có 7 khu xử lý chất thải rắn

(PLVN) - Để bảo vệ môi trường theo nguyên tắc phát triển bền vững, quản lý tổng hợp và liên ngành, kết hợp giữa quản lý nhà nước với nâng cao ý thức, trách nhiệm và sự tham gia của cộng đồng, tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp.

Ngày 19/20, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Công nghệ và xu hướng xử lý rác tại Kiên Giang”. Tham dự và chỉ đạo tại hội thảo có ông Nguyễn Thanh Nhàn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, năm 2021, mỗi ngày Kiên Giang có tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hơn 1.400 tấn, trong đó chất thải rắn sinh hoạt đô thị khoảng 700 tấn/ngày, nông thôn khoảng 713 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt trên 86%, tương đương 600 tấn/ngày; khu vực nông thôn trên 46%, tương đương 330 tấn/ngày.

Kiên Giang đặt mục tiêu đến 2025 có 7 khu xử lý chất thải rắn ảnh 1

Ông Nguyễn Thanh Nhàn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phát biểu tại Hội thảo.

Theo quy hoạch được phê duyệt đến năm 2025, Kiên Giang có 7 khu xử lý chất thải rắn liên huyện, 7 bãi chôn lấp khu vực đô thị, 20 bãi chôn lấp khu vực nông thôn, 10 trạm trung chuyển chất thải rắn đô thị, 46 trạm trung chuyển khu vực nông thôn và 10 lò đốt rác tại các xã đảo.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 1 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt đang vận hành chính thức, với công suất xử lý 200 tấn/ngày. Nhà máy này ứng dụng công nghệ tích hợp các công đoạn xử lý theo dây chuyền như hệ thống phân loại, xử lý, tái chế, đốt và đóng rắn…

Để bảo vệ môi trường theo nguyên tắc phát triển bền vững, quản lý tổng hợp và liên ngành, kết hợp giữa quản lý nhà nước với nâng cao ý thức, trách nhiệm và sự tham gia của cộng đồng tỉnh đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp. Đồng thời, UBND TP. Rạch Giá kết hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh kiên Giang và Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam triển khai dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” thực hiện nhiều giải pháp về quản lý chất thải nhựa và rác thải nhựa đến năm 2025 như: tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử của người dân với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa,…

Cùng với đó, thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải nhựa, rác thải nhựa đại dương từ các hoạt động ở khu vực đất liền, khu vực ven kênh và trên kênh, khu vực ven biển…Đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm 30% lượng rác thải nhựa ra môi trường tại TP. Rạch Giá.

Kiên Giang đặt mục tiêu đến 2025 có 7 khu xử lý chất thải rắn ảnh 2

Quang cảnh hội thảo

Thông qua kết quả thí điểm dự án, WWF Việt Nam đề xuất 3 phương án để UBND TP. Rạch Giá cân nhắc lựa chọn đưa vào kế hoạch đối với hoạt động thu gom, vớt rác thủ công: Một là, thu gom rác nhựa từ toàn bộ các tuyến kênh và tuyến ven biển trên địa bàn thành phố. Hai là, tiếp tục thu gom thủ công tại các tuyến đã thí điểm thu gom cùng với các điểm thường xuyên phát sinh rác thải nhựa. Ba là, tập trung thu gom rác tại các điểm thường xuyên phát sinh rác thải nhựa, kết hợp với tăng cường công tác quản lý các nguồn phát sinh rác trên bờ.