Indonesia tuyên chiến với rác thải nhựa

Bộ phim tài liệu Pulau Plastik, do Visinema Pictures, Kopernik, Akarumput và Watchdoc thực hiện, đã phơi bày tình trạng ô nhiễm ở quần đảo lớn nhất thế giới.

Bộ phim “Pulau Plastik” được công chiếu lần đầu ngày 22/4 tại Indonesia. (Nguồn: wowshack.com)
Bộ phim “Pulau Plastik” được công chiếu lần đầu ngày 22/4 tại Indonesia. (Nguồn: wowshack.com)

Gede Robi, trưởng ban nhạc rock Navicula và đạo diễn phim Pulau Plastik cho biết, đây là phim tài liệu về chủ đề môi trường đang được công chiếu tại các rạp chiếu phim ở Indonesia. Tác phẩm nghệ thuật là loạt hình ảnh về các nguồn rác thải, hậu quả và giải pháp khả thi đối với thảm họa rác thải nhựa tại 17.000 hòn đảo của Indonesia.

Pulau Plastik (Đảo nhựa) được ghi hình tại các bãi biển phía Nam Bali, nơi chứa hàng trăm tấn rác thải từ đảo Java - đầu tàu kinh tế của Indonesia và từ các con sông Bali.

Bộ phim bắt đầu bằng một cuộc điều tra gay gắt về vấn đề rác thải nhựa của Indonesia. Các quan chức tham nhũng đã tạo điều kiện cho việc nhập khẩu nhựa bất hợp pháp, trong khi các nhà sản xuất thiếu trách nhiệm làm trầm trọng thêm vấn đề môi trường vốn đang gây nhức nhối tại Indonesia. Bộ phim còn đề cập hậu quả của sự gia tăng rác thải nhựa gây ô nhiễm không chỉ cho Trái đất mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.

Nghiên cứu năm 2018 của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã tuyên bố Indonesia là nguồn cung cấp nhựa biển lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, chiếm 1,3 triệu trong tổng số 8 triệu tấn đổ ra đại dương mỗi năm.

Đạo diễn Gede Robi cho biết: “Tôi bị sốc sau khi nhặt được rác thải nhựa mang nhãn hiệu Nestle và Unilever dường như có nguồn gốc từ Mỹ, Australia, Italy và Canada. Qua bộ phim, lời thỉnh cầu ban hành các quy định cấm túi nilon tại các cửa hàng trên toàn quốc đã được gửi đến Tổng thống Joko Widowo, nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời xác đáng từ nhà lãnh đạo này”.

Phần cuối cùng của phim tài liệu cho thấy, người dân Indonesia đã và đang nỗ lực cứu thế giới của họ. Các tình nguyện viên thường xuyên đi làm sạch những con sông bị ô nhiễm nặng và đề nghị người tiêu dùng đổi túi nilon lấy túi tái sử dụng làm bằng sợi tự nhiên, đồng thời giải thích việc túi nhựa gây ô nhiễm hành tinh như thế nào.

Những người làm phim hy vọng Pulau Plastik sẽ thu hút sự chú ý của công chúng và gây tiếng vang với các tập đoàn, các nhà hoạch định chính sách tại xứ vạn đảo. Các nhà làm phim cũng muốn giới thiệu bộ phim này đến các trường học và cơ quan chính phủ ở Indonesia.