Hơn nửa rác thải nhựa cần tái chế ở Mỹ “chảy” ra nước ngoài


Mỹ đứng thứ ba trong số các quốc gia góp phần gây ô nhiễm rác thải nhựa ven biển, khi tính đến tiêu chí xuất khẩu nhựa phế liệu cũng như các số liệu mới nhất về tình trạng xả rác trái phép ở nước này.

Nghiên cứu mới đã thách thức các quan điểm cho rằng Mỹ đang “quản lý” hiệu quả, toàn diện – nghĩa là đầy đủ các quy trình thu gom và chôn lấp đúng cách, tái chế hoặc lưu trữ chất thải nhựa của họ. Trước đó, đã có một nghiên cứu sử dụng dữ liệu năm 2010, nhưng không tính đến xuất khẩu phế liệu nhựa, và đã xếp Mỹ đứng thứ 20 trên toàn cầu về việc góp phần gây ô nhiễm nhựa ở đại dương do quản lý rác thải không đúng cách.

Thông qua việc sử dụng dữ liệu phát sinh về chất thải nhựa từ năm 2016 – dữ liệu cập nhật nhất cho đến hiện tại – các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Giáo dục Biển, Dịch vụ Môi trường DSM, Đại học Georgia và tổ chức môi trường Ocean Conservancy đã tính toán rằng Mỹ đã chuyển hơn một nửa số lượng nhựa được thu gom nhằm mục đích tái chế (1.99 tấn trong số 3.91 tấn) ra nước ngoài. Trong số này, 88% xuất khẩu đến các quốc gia đang gặp khó khăn trong việc quản lý, tái chế hoặc xử lý nhựa một cách hiệu quả; và từ 15% đến 25% có giá trị thấp hoặc bị nhiễm bẩn, hư hỏng – nghĩa là không thể tái chế hiệu quả được nữa. Trước những số liệu này, các nhà nghiên cứu ước tính rằng có tới 1 triệu tấn chất thải nhựa của Mỹ cuối cùng đã gây ô nhiễm môi trường vượt ra ngoài biên giới nước này.

“Trong nhiều năm, Mỹ đã xuất khẩu các loại rác thải nhựa có thể tái chế được sang các quốc gia còn đang gặp khó khăn trong việc quản lý rác thải”, tác giả chính của nghiên cứu, TS Kara Lavender, đồng thời là giáo sư về hải dương học tại Hiệp hội Giáo dục Biển. “Và nếu bạn thử xem xét có bao nhiêu lượng nhựa trong số chất thải của chúng ta thực sự không thể tái chế vì nó có giá trị thấp, hư hỏng hoặc khó xử lý, bạn sẽ nhận ra rằng rất nhiều trong số đó cuối cùng đã gây ô nhiễm môi trường”.
Từ dữ liệu năm 2016, bài báo cũng ước tính rằng người dân đang vứt bừa bãi hoặc đổ bỏ bất hợp pháp 2-3% tổng số rác thải nhựa của Mỹ - tức là khoảng từ 0.91 đến 1.25 triệu tấn – vào môi trường trong nước. Cộng thêm việc xuất khẩu rác thải ra nước ngoài, Mỹ đã "đóng góp" tổng cộng tới 2.25 triệu tấn rác thải nhựa vào môi trường. Trong số đó, quốc gia này đã chuyển đến 1.5 triệu tấn nhựa ra môi trường ven biển (trong vòng bán kính 50 km tính từ đường bờ biển), khu vực gần bờ biển, từ đó gia tăng khả năng nhựa xâm nhập vào đại dương theo gió hoặc qua đường sông đổ ra biển. Và kết quả là, Mỹ đứng thứ ba trên toàn cầu về việc góp phần vào ô nhiễm nhựa ven biển.

“Mỹ tạo ra nhiều rác thải nhựa hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, nhưng thay vì nhìn thẳng vào vấn đề, nước này lại chuyển nó cho các quốc gia đang phát triển, và rồi trở thành nước ‘đóng góp’ hàng đầu vào cuộc khủng hoảng nhựa đại dương”, Nick Mallos, giám đốc cấp cao của chương trình Trash Free Seas thuộc tổ chức Ocean Conservancy, và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết. “Giải pháp chẳng ở đâu xa, nó bắt đầu từ chính căn nhà của chúng ta. Chúng ta cần hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần, nghĩ ra những cách thức sáng tạo trong đóng gói và giao hàng. Trong trường hợp không thể tránh khỏi việc sử dụng nhựa, hãy tái chế chúng nhiều nhất có thể”.

Nghiên cứu lưu ý rằng mặc dù Mỹ chỉ chiếm 4% dân số toàn cầu vào năm 2016, nhưng quốc gia này đã tạo ra 17% trong tổng số rác thải nhựa trên thế giới. Trung bình, người Mỹ tạo ra gần gấp đôi lượng rác thải nhựa tính trên đầu người so với cư dân EU.

“Trong một thời gian dài, Mỹ đã vận chuyển rác thải có khả năng tái chế của mình ra nước ngoài – làm thế ít tốn kém hơn so với tự xử lý trong nước, nhưng môi trường của chúng ta thì lại phải gánh chịu những tác động tiêu cực”, Natalie Starr, người đứng đầu tổ chức DSM cho hay. “Chúng ta cần thay đổi thực trạng này bằng cách đầu tư vào các công nghệ tái chế và chương trình thu gom, cũng như thúc đẩy nghiên cứu nhằm cải thiện hiệu suất, giảm chi phí cho các loại nhựa bền vững và các lựa chọn thay thế bao bì”. □