FTA VN-EAEU: Nhiều cơ hội, lắm khó khăn

(TBKTSG Online) – Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) được hưởng thuế 0% ngay khi hiệp định giữa Việt Nam và EAEU có hiệu lực từ ngày 5-10-2016 vừa qua, nhưng hiện vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ để doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này.


Tại hội nghị “Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Liên minh Kinh tế Á - Âu khi Hiệp định VN – EAEU có hiệu lực” do Bộ Công Thương tổ chức hôm 12-10 tại TPHCM, bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thông báo ngay khi hiệp định có hiệu lực, 60% dòng thuế hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EAEU được đưa về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu.

Chẳng hạn như, sản phẩm dệt may, tất (vớ)… có thuế suất từ 15% được đưa về 0% (EAEU bảo hộ mạnh hàng dệt may sản xuất từ len, bông và sản phẩm cao cấp, nhưng mở cửa đối với mặt hàng dệt may thuộc phân khúc trung bình, giá bình dân). Nhiều loại da giày, túi xách có thuế suất 5-10% được về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Mức thuế suất nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam sang EAEU cũng được giảm ngay từ mức 10% xuống còn 0%, trong đó có nhóm hàng thủy sản chế biến.

Đối với sản phẩm nhựa, 100% dòng thuế sản phẩm nhựa được cắt giảm thuế nhập khẩu, trong đó 97% sản phẩm đồ gia dụng bằng nhựa sẽ giảm về 0% khi hiệp định có hiệu lực. Đây được xem là cơ hội cho sản phẩm nhựa của Việt Nam chiếm lĩnh thị phần lớn hơn tại Nga (EAEU gồm năm nước thành viên là Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgystan và Armenia, tuy nhiên, trong đó Nga là thị trường lâu nay có giao thương với Việt Nam lớn hơn cả - PV).

Mặc dù hiệp định đem lại nhiều cơ hội, nhưng theo thông tin từ Bộ Công Thương, doanh nghiệp Việt Nam hiện gặp khá nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường này.

Sản phẩm của Việt Nam đang phải chịu cạnh tranh gay gắt về giá cả, mẫu mã, bao bì, chất lượng, vận chuyển,… với hàng hóa nhập khẩu từ các nước khác vào thị trường Nga, như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ,…

Ngoài ra, chi phí cũng như thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang thị trường này cũng rất lớn. Việc vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng đường biển, với thời gian vận chuyển khoảng 25 ngày. Hàng hóa từ Việt Nam phải vận chuyển sang các cảng châu Âu rồi từ đó mới vòng lại Nga, hoặc tới cảng Vladivostock rồi đi theo đường xuyên Nga từ Đông sang Tây, nên chi phí vận chuyển lớn hơn so với hàng vận chuyển từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ,…

Hiện Đại sứ Kazakhstan đã có đề xuất với Bộ Giao thông vận tải Việt Nam xem xét về việc hợp tác để vận chuyển hàng hóa bằng cách đi từ các cảng của Việt Nam đến cảng biển Liên Vân Cảng (Trung Quốc) – nơi 49% cổ phần cảng biển thuộc công ty đường sắt Kazakhstan. Từ đây, hàng hóa sẽ được trung chuyển sang container tới Kazakhstan và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á – Âu bằng đường sắt. Cách vận chuyển này được Kazakhstan cho rằng sẽ giúp giảm khá nhiều thời gian vận chuyển, thích hợp cho những sản phẩm dễ hư hỏng như thủy sản, nông sản,…

Một khó khăn khác hiện doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp phải khi kinh doanh với thị trường này là việc thanh toán. Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV, thông lệ thanh toán của doanh nghiệp Nga vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó, việc thanh toán chủ yếu vẫn theo phương thức T/T hoặc D/P trả chậm (doanh nghiệp Nga ứng trước 10-20% giá trị hàng hóa, sau khi nhận hàng họ mới chuyển phần còn lại).

Theo ông Lâm, việc này là do niềm tin giữa doanh nghiệp hai nước chưa cao. Ngoài ra, tại Nga, chỉ có doanh nghiệp lớn mới dùng phương thức mở L/C (được xem là phương thức thanh toán đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp hai bên - PV), còn doanh nghiệp nhỏ không sử dụng hình thức này vì phí cao. Hiện BIDV, Ngân hàng liên doanh Việt Nga đã chính thức kết nối kênh thanh toán KFT – kênh thanh toán riêng của ngân hàng Nga, nên doanh nghiệp Việt Nam có thể thanh toán bằng đồng rúp hay đô la Mỹ qua kênh này một cách nhanh chóng và an toàn.

Cũng theo ông Lâm, hiện nay các thủ tục hải quan, cấp phép để nhập khẩu sang Nga, đặc biệt liên quan đến vấn đề vệ sinh và kiểm dịch động thực vật rất phức tạp, nên doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn ngay từ đầu khi tìm cách vào thị trường này.

“Nhiều khách hàng của chúng tôi gặp khó khăn khi tìm kiếm giấy phép xuất khẩu thủy sản vào thị trường này”, ông Lâm cho biết.

Theo Bộ Công Thương, các rào cản phi thuế quan, như quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về kiểm dịch chất lượng,… mà khối Liên minh Kinh tế Á – Âu áp dụng với hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam tương đối chặt chẽ. Chẳng hạn như với mặt hàng rau củ của Việt Nam, mức thuế suất nhập khẩu hàng hóa thuộc nhóm 0810 sẽ về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, nhưng EAEU quy định và thống nhất áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm khá cao để bảo hộ sản xuất trong nước.

Theo đó, sau khi hiệp định có hiệu lực, để doanh nghiệp có thể tận dụng được cơ hội, các cơ quan ban ngành giữa Việt Nam và EAEU tiếp tục thảo luận sâu hơn để tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp.