Được chính phủ cấp vốn để rút khỏi Trung Quốc, nhiều công ty Nhật Bản nói "Không!"


Cho dù nhận được hỗ trợ tài chính từ chính phủ Nhật Bản, việc rút khỏi Trung Quốc vẫn là một vấn đề phức tạp đối với các công ty Nhật có dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc.

Được chính phủ cấp vốn để rút khỏi Trung Quốc, nhiều công ty Nhật Bản nói "Không!"

Không rút khỏi Trung Quốc

SCMP dẫn lời các nhà phân tích cho biết những chính sách cấp vốn của chính phủ Nhật Bản để công ty Nhật rút khỏi Trung Quốc sẽ khó có khả năng tạo ra làn sóng chuyển dịch trở về nước hoặc tới các quốc gia Đông Nam Á khác.

Tất cả 5 công ty Nhật Bản trả lời SCMP cho biết họ vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc bởi đây là thị trường đặc biệt quan trọng, chưa kể tới việc dịch chuyển cơ sở sản xuất sang nơi khác - đặc biệt là vào thời điểm hiện tại - sẽ rất đắt đỏ và gây ra sự đứt quãng không cần thiết.

"Toyota không có kế hoạch thay đổi chiến lược ở Trung Quốc hoặc châu Á. Ngành công nghiệp ô tô cần rất nhiều nhà cung cấp để đảm bảo chuỗi cung ứng lớn, và thay đổi ngay lập tức là điều bất khả thi. Chúng tôi hiểu quan điểm của chính phủ [Nhật Bản], nhưng chúng tôi không có kế hoạch thay đổi chương trình sản xuất".

Tập đoàn cung cấp vật liệu xây dựng và phụ kiện gia đình Lixil cũng đưa ra thông điệp tương tự, cho biết không có kế hoạch rời khỏi Trung Quốc. "Chúng tôi vận hành một chuỗi cung ứng linh hoạt toàn cầu với hơn 100 cơ sở sản xuất trên thế giới. Cấu trúc linh hoạt và hoàn toàn đồng nhất đã giúp chúng tôi giảm tải được một số tổn thương do COVID-19 gây ra".

Công ty Nhật Bản thứ 3 - đề nghị giấu tên - cho biết sẽ tiếp tục sản xuất tại Trung Quốc bởi "các sản phẩm được thiết kế cho Trung Quốc và bán tại thị trường Trung Quốc", do đó di chuyển sang nơi khác sẽ không có ý nghĩa gì về mặt thương mại.

Trong gói hỗ trợ cao kỉ lục được thông báo gần đây, chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ cung cấp 220 tỉ yên (khoảng 2 tỉ USD) cho các công ty Nhật Bản muốn đưa dây chuyền sản xuất trở về Nhật Bản hoặc cung cấp 23,5 tỉ yên cho những doanh nghiệp muốn đưa dây chuyền tới các nước Đông Nam Á.

Động thái này được thực hiện sau khi các công ty và nhà sản xuất ô tô Nhật Bản bị thiếu hụt các bộ phận lắp ráp ô tô từ Trung Quốc, khi các dây chuyền bị chấm dứt hoạt động tạm thời để tránh virus lây lan. Các bộ phận được sản xuất bởi các công ty Trung Quốc hoặc các chi nhánh của công ty Nhật Bản ở Trung Quốc được sử dụng để lắp ráp động cơ, hệ thống điện, phụ kiện nội thất và các bộ phận khuôn nhựa dùng cho ngành công nghiệp ô tô. Ngoài việc xuất khẩu sang Nhật Bản, những bộ phận này cũng được sử dụng tại các nhà máy Nhật Bản ở Trung Quốc.

Nhiều mặt của vấn đề

Sự thiếu hụt không phải là mối quan ngại duy nhất của các công ty Nhật Bản ở Trung Quốc. Họ cũng lo ngại về việc bị áp thêm nhiều loại thuế trong tương lai giữa cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngoài ra, cũng có những vấn đề khác phải lo lắng, ví dụ như chi phí nhân công tăng hoặc những cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản xoay quanh vấn đề tranh chấp vùng đảo Điếu Ngư/Senkaku hay lo ngại về nguy cơ bị ăn cắp sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các công ty Nhật Bản vẫn có nhiều lợi ích hơn khi ở lại Trung Quốc.

 Được chính phủ cấp vốn để rút khỏi Trung Quốc, nhiều công ty Nhật Bản nói Không! - Ảnh 1.

"Những công ty này phải rất cẩn thận về quyết định của mình về việc ở lại hoặc di chuyển tới nơi khác. Họ muốn giữ mối quan hệ tốt với thị trường Trung Quốc," Ivan Tselichtchev, giáo sư tại Đại học Quản lý Niigata, nói.

Thậm chí khi có nguồn hỗ trợ tài chính từ chính phủ Nhật Bản, việc di chuyển dây chuyền sản xuất tới một cơ sở mới hoặc một quốc gia mới sẽ rất tốn kém, chưa kể tới chi phí bồi thường nhân viên và các đối tác doanh nghiệp ở Trung Quốc.

Theo ông Tselichtchev, các thủ tục hành chính cũng sẽ rất tốn thời gian và tốn tiền, thậm chí chưa kể tới tình huống Trung Quốc có thể can thiệp để khiến giai đoạn rút khỏi quốc gia này trở nên phức tạp hơn.

"Các công ty không muốn đề cập tới những vấn đề nhạy cảm bởi vì điều này, về mặt lí thuyết, có thể sẽ khiến họ gặp rắc rối với Trung Quốc," Jun Okumura, một nhà phân tích tại Viện Meiji về Quan hệ Quốc tế, cho hay.

"Cùng lúc đó, Trung Quốc vẫn là một thị trường 1,3 tỉ dân, là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khi thế giới thoát khỏi khủng hoảng COVID-19 và các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ không muốn bất kì điều gì khiến họ đánh mất vị thế trên thị trường này".

Ông Okumura cho biết ông tin rằng sau đại dịch, sẽ có khả năng rất cao các doanh nghiệp sẽ chuẩn bị kĩ lưỡng và linh hoạt hơn bằng cách xây dựng thêm cơ sở sản xuất ở những quốc gia khác, chứ không chỉ tập trung tại một nơi nữa.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đã có mặt tại 10 quốc gia ở ASEAN, bao gồm Thái Lan, Indonesia và Việt Nam. Năm 2017, những doanh nghiệp này đã đầu tư 22 tỉ USD trong khu vực, gấp đôi mức 2012, với ngành ô tô tập trung chủ yếu ở Thái Lan và Indonesia, ngành cơ khí và bán lẻ ở Việt Nam, Malaysia, ngành hóa học, dược phẩm, sản xuất linh kiện bán dẫn ở Philippines.