Doanh nghiệp Việt và xu hướng mở rộng cửa cho khối ngoại

Đã có không ít hoài nghi về nhiều thương hiệu Việt Nam sẽ biến mất nếu mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài.

Doanh nghiệp Việt và xu hướng mở rộng cửa cho khối ngoại

Chế biến trà tại Cầu Tre. Ảnh từ cuộc thi Tự hào hàng Việt do báo DNSG tổ chức

Nhưng như ông Phạm Viết Muôn - nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương đã từng chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn, tại sao không đặt vấn đề theo hướng tích cực, rằng đã có những doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, kết quả kinh doanh tốt hơn nhiều, cách quản trị trở nên hiệu quả hơn, như Vinamilk hay Nhựa Bình Minh chẳng hạn?

Doanh nghiệp nội học gì từ nhà đầu tư nước ngoài?

Ở góc độ một công ty gia đình - vốn là mô hình không chuộng sự tham gia của các cổ đông bên ngoài cũng đã có sự tiếp cận khá thông thoáng, tại lễ công bố hợp tác chiến lược với DEG (quỹ thành viên của Tập đoàn KfW, Đức) và VOF (quỹ thành viên của Tập đoàn VinaCapital) năm 2016, ông Lê Đức Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty CP Gỗ An Cường cho rằng, việc mua bán, sáp nhập hay hợp tác chiến lược khá phổ biển trên thế giới, nếu e ngại bị thâu tóm hay mất quyền kiểm soát sẽ rất khó để doanh nghiệp tiến vào những thị trường lớn.

Được biết, mới đây, An Cường đã có thêm đối tác chiến lược, đó là Tập đoàn Sumitomo Forestry, Nhật Bản (doanh thu mỗi năm trên 10 tỷ USD). Tại lễ ký kết hợp tác, ông Nghĩa đánh giá, với công nghệ quản trị hiện đại và mạng lưới phân phối sẵn có của Tập đoàn Sumitomo Forestry, Công ty An Cường sẽ mở rộng kinh doanh ra thị trường nước ngoài, trước mắt là Nhật Bản và Mỹ.

Bên cạnh đó, Tập đoàn cử chuyên gia hàng đầu tại Nhật Bản để giúp đỡ cho nhà máy sản xuất cửa đi và đồ nội thất làm từ gỗ công nghiệp của An Cường đạt đúng tiêu chuẩn quốc tế. Điều này thúc đẩy xuất khẩu mảng nhà ở tại thị trường Nhật và Mỹ. Chỉ riêng mảng phát triển nhà ở của Tập đoàn Sumitomo Forestry tại Nhật và Mỹ hằng năm đã có doanh thu hơn 4 tỷ USD.

Tại sao không đặt vấn đề theo hướng tích cực, rằng đã có những DN nhà nước sau cổ phần hóa với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, kết quả kinh doanh tốt hơn nhiều, cách quản trị trở nên hiệu quả hơn, như Vinamilk hay Nhựa Bình Minh chẳng hạn?

Cũng trong năm rồi, một tập đoàn lớn khác của Nhật Bản là Công ty Sekisui Chemical thuộc tập đoàn Sekisui (doanh thu hằng năm trên 10 tỷ USD) đã trở thành một trong các cổ đông chiến lược của Công ty CP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong phía Nam (Tiền Phong Nam) với số cổ phần nắm giữ hơn 25%.

Theo hợp đồng đã ký, Sekisui và Nhựa Tiền Phong sẽ hợp tác sản xuất và bán các sản phẩm của Sekisui, như hố ga bằng nhựa và hộp kiểm tra bằng nhựa PVC. Đại diện phía Nhật Bản khi đó cho biết, các sản phẩm này được ép khuôn với kỹ thuật rất cao nhằm cung cấp cho các công trình xây dựng có vốn ODA của Nhật Bản và các công trình khác ở Việt Nam, cũng như ở khu vực châu Á.

Ông Đặng Quốc Dũng - Tổng giám đốc Tiền Phong Nam cho biết, để đáp ứng nhu cầu trong nước, việc hợp tác với Sekisui Chemical giúp Tiền Phong Nam sản xuất và đưa ra thị trường những sản phẩm như van cầu nhựa, ống xoắn, phụ tùng hàn điện trở chất lượng tốt, giá thành phù hợp mà hiện tại chưa có đơn vị nào ở Việt Nam sản xuất, phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Tiền Phong Nam đang hướng tới xuất khẩu 20% trong tổng sản lượng hàng hóa sản xuất sau khi xây dựng nhà máy ở Bình Dương. Bởi nhu cầu nhập khẩu đồ nhựa tại thị trường Nhật Bản hiện khá cao, hằng năm trên 10 tỷ USD, nên đây sẽ là thị trường nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp thuộc ngành nhựa Việt Nam.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, vài năm trở lại đây, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu đồ nhựa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Nhật.

Theo đánh giá của các đơn vị tư vấn đầu tư, hiện Việt Nam vẫn là thị trường mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, trong đó không chỉ mảng bất động sản vốn được xem là khoản đầu tư thu lợi lớn thì không ít ngành có tiềm năng xuất khẩu nhờ tận dụng những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên và các lĩnh vực khai thác được tiềm năng của thị trường nội địa, như bán lẻ, thực phẩm, xây dựng, sản xuất công nghiệp vẫn có sức hút đáng kể.

Sự quan tâm này cũng đồng thời là cơ hội để doanh nghiệp trong nước tận dụng được nguồn vốn lẫn kinh nghiệm quản trị từ các tập đoàn danh tiếng trên thế giới.