Doanh nghiệp ở Bình Dương ‘khát’ lao động sau dịch COVID-19

Tại Bình Dương, doanh nghiệp rơi vào tình trạng “khát” người lao động chủ yếu các ngành may mặc, chế biến gỗ và bất động sản...Theo đó, địa phương này có nhu cầu tuyển dụng sau tết đến nay trên 70.000 người, trong đó lao động phổ thông chiếm 75%. Cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cho biết đang triển khai các kế hoạch tìm kiếm nguồn lao động để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất hậu dịch COVID-19.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động do khoảng thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp doanh nghiệp buộc phải cho công nhân tạm nghỉ việc. Một số doanh nghiệp lớn buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động bởi họ cho rằng không còn cách nào khác, dẫu rất muốn giữ người làm. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp cần lao động lại khó khăn.

Doanh nghiệp ở Bình Dương ‘khát’ lao động sau dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Doanh nghiệp thiếu lao động hậu dịch COVID-19

Đơn cử, Công ty TNHH Primacy (TX Bến Cát, Bình Dương) do ảnh hưởng của đại dịch, các đơn hàng đều bị hủy khiến công ty phải chấm dứt hợp đồng lao động với gần 1.000 người. “Mặc dù rất muốn giữ người để duy trì sản xuất sau khi dịch bệnh đi qua nhưng không còn cách nào khác”, ông Lin Kuan Cheng – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Primacy, bày tỏ.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp đã đưa ra phương án giữ người chờ phục hồi sau dịch để tránh tình trạng “khát” lao động. Theo đó, Công ty nhựa Chinli đã quyết định cho hàng trăm công nhân tạm nghỉ việc bằng cam kết, nếu như công ty có đơn hàng mới, công ty bố trí được vị trí sản xuất thì người lao động có thể quay trở lại làm và nhiều chế độ phúc lợi vẫn được giữ nguyên như trước đây.

Đáng nói, dù doanh nghiệp dùng đủ cách giữ người nhưng khoảng thời gian tạm nghỉ, người lao động phải lo cho cuộc sống nên tìm việc khác và về quê sinh sống không quay lại. Trước tình hình này, doanh nghiệp rơi vào cảnh cần người lao động khi hoạt động sản xuất quay trở lại.

Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh liên kết các Trung tâm ở các tỉnh lân cận cung ứng nguồn lao động. Đồng thời, phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh miền Tây Nam bộ triển khai các chương trình tư vấn việc làm cho người lao động, thu hút người lao động về Bình Dương làm việc.

Trước tình trạng thiếu lao động sau đại dịch, bà Trương Thị Bích Hạnh – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết đã đến tận nơi các doanh nghiệp trên địa bàn lắng nghe nhằm tìm hướng giúp họ tháo gỡ khó khăn. Lãnh đạo Liên đoàn Lao động Bình Dương động viên các doanh nghiệp cố gắng tìm giải pháp để sắp xếp cho người lao động có việc làm, hoặc nếu khó khăn quá nhưng chưa đến mức phải đóng cửa doanh nghiệp thì có thể áp dụng hình thức tạm hoãn hợp đồng lao động ngắn hạn, để khi dịch bệnh qua đi thì doanh nghiệp sẽ ổn định nguồn lao động.

Ngoài ra, các cấp công đoàn tỉnh Bình Dương rà soát số lượng đoàn viên, công nhân lao động khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để hỗ trợ kịp thời giữ nguồn lực lao động khi doanh nghiệp tái sản xuất.

Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Bình Dương cho biết, đã giao dịch với 4.329 doanh nghiệp, với tổng số người lao động được giới thiệu việc làm là 47.583 người. Sau dịch bệnh, doanh nghiệp cần hàng nghìn vị trí làm việc gồm: Nhân viên nhân sư, Kế toán, Nhân viên bảo trì, nhân viên kỹ thuật, nhân viên QC, Nhân viên thiết kế, tổ trưởng tổ may, Kỹ thuật viên CNC, Trơ lý phiên dịch tiếng Hoa...
Tình hình tuyển dụng của doanh nghiệp sẽ tăng lên, không chỉ ở những ngành nghề chủ yếu ở khối văn phòng và kỹ thuật, lao động phổ thông cũng sẽ có xu hướng tăng hơn hiện tại, vì hiện nay đa số các doanh nghiệp đã đi vào sản xuất trở lại nên nhu cầu cần lao động.