Doanh nghiệp ngành nhựa: Lạc quan hơn vào xuất khẩu 2017

Trong năm 2016, ngành nhựa có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì thế, chuẩn bị sang năm 2017, các DN ngành này đang kỳ vọng về một “tương lai” sáng hơn nữa.

Kết quả hình ảnh cho xuất khẩu sản phẩm nhựa

Ngành nhựa đang có nhiều cơ hội để mở rộng XK trong năm mới. Ảnh: Danh Lam.

Nhiều kỳ vọng

Nhận định về sự phát triển ngành nhựa, báo cáo tổng quan ngành nhựa 2016 của Công ty Cổ phần chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho hay, ngành nhựa Việt Nam còn khá non trẻ so với các ngành công nghiệp khác nhưng đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng trung bình 15-18%/năm. Mảng nhựa bao bì vẫn duy trì tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu ngành nhựa nhờ sự phát triển mạnh của các ngành như thực phẩm, đồ uống… Nhựa xây dựng trong những năm gần đây đã hồi phục tốt nhờ sự ấm lên của thị trường bất động sản và xây dựng.

Bên cạnh đó, theo các DN ngành nhựa, trong năm qua, nhờ nhiều yếu tố tác động, trong đó có giá dầu đi xuống nên giá hạt nhựa nguyên liệu nhiều thời điểm giảm mạnh, giúp các DN kịp thời tích trữ nguồn hàng giá rẻ. Không những thế, đa số tháng trong năm, tỷ giá ngoại tệ tại Việt Nam được giữ ổn định so với ngoại tệ của các nước XK nên DN đã được hưởng lợi từ sự chênh lệch giá.

Từ những thuận lợi trên, bà Đặng Thu Phương, Giám đốc Ban Thương mại quốc tế, Công ty Cổ phần nhựa Opec cho hay, cùng với yếu tố khách quan, Opec đã biết tận dụng thời cơ nên sản lượng và doanh thu của DN luôn tăng đều qua từng năm. Hơn nữa, việc Việt Nam ký kết được các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã mang đến nhiều cơ hội cho các DN, đặc biệt là giúp ích cho việc mở rộng thị trường. Ví dụ như ngành sản xuất bao bì có nhiều thời cơ hơn khi các đối tác đang chuyển dần đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng giá nhân công rẻ, chi phí sản xuất rẻ. Điều này đã giúp các DN có thêm nhiều đơn hàng để sản xuất, từ đó tăng doanh thu, lợi nhuận.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Việt Cường, Phụ trách bộ phận marketing, Công ty Cổ phần nhựa Thiếu niên Tiền phong cho biết, sang năm, các DN ngành nhựa sẽ có nhiều tiến triển hơn nữa theo đà phát triển chung của nền kinh tế. Nhựa Tiền Phong chuyên về nhựa xây dựng nên sẽ hưởng lợi khi các nhà máy được xây dựng nhiều hơn, thị trường bất động sản ấm lên, phân khúc nhà ở giá rẻ được chú trọng đầu tư xây dựng… Do đó, sản lượng của DN chắc chắn sẽ tăng hơn, vấn đề là tìm ra cách để cạnh tranh trong bối cảnh nhiều DN cũng đang đầu tư vào ngành nhựa và chuyển nhà máy ra phía Bắc.

Tận dụng cơ hội

Báo cáo của VCBS dự báo đến năm 2020, các DN ngành nhựa Việt Nam sẽ cần khoảng 5 triệu tấn nguyên liệu để phục vụ cho hoạt động sản xuất, nhưng điểm hạn chế lớn nhất lại là nguồn cung ứng nguyên vật liệu còn thiếu nên đa số phải NK do ngành công nghiệp hóa dầu trong nước chưa phát triển. Trong đó, các loại nhựa PE, PP vẫn là các mặt hàng được NK nhiều nhất và giá trị tăng dần qua các năm. Tuy nhiên, đáng chú ý, từ 1-1-2017, hạt nhựa PP NK sẽ bị áp thuế 3% thay vì mức 1% như hiện nay nên sẽ làm tăng thêm chi phí sản xuất cho các DN.

Mặc dù hiểu được những khó khăn trên, nhưng việc tìm thêm nguồn cung ứng nguyên liệu thay thế của các DN nhựa hiện nay vẫn rất khó. Chính vì thế, bà Đặng Thu Phương cho rằng, do nguyên liệu phải NK nên giá thành thường cao hơn, điều này cũng là một phần nguyên nhân khiến DN trong nước khó cạnh tranh được với các DN tại các quốc gia khác. Hơn nữa, theo đại diện một số DN, việc không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào sẽ khiến DN XK khó tận dụng được ưu đãi thuế do quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa.

Không những khó cạnh tranh tại nước ngoài, mà trong nước, các DN ngành nhựa cũng đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là trong ngành nhựa xây dựng. Bởi hiện nay, với sự mở cửa của thị trường, nhiều DN nước ngoài, đặc biệt là Thái Lan đã tiến vào đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam hoặc đầu tư, mua cổ phần, liên kết với các DN trong nước. Điều này khiến các DN trong nước luôn phải “đau đầu” với vấn đề cạnh tranh.

Mặt khác, theo ông Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Anh Tú , chưa nói đến việc cạnh tranh tại thị trường XK, mà ngay trong nước, DN không chỉ phải đối mặt với sản phẩm nhựa đến từ các nước trong khối ASEAN mà còn có sản phẩm nhựa giá rẻ đến từ Trung Quốc.

Cùng với những thách thức nêu trên, thị trường XK cũng là một vấn đề gây quan ngại cho các DN. Bởi hiện nay, theo bà Đặng Thu Phương, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có dấu hiệu trễ hẹn và nếu không có sự tham gia của Mỹ sẽ khiến các DN khi XK vào thị trường này phải chịu thuế chống bán phá giá, khó cạnh tranh được với các DN trong nước. Nhật Bản tuy là thị trường XK lớn nhất của ngành nhựa Việt Nam nhưng lại có những yêu cầu khắt khe về chất lượng hàng hóa.

Những yêu cầu trên sẽ càng khó khăn khi không ít DN Việt Nam chưa có khả năng đáp ứng được các tiêu chuẩn, nguyên nhân chủ yếu là thiếu thông tin và kinh nghiệm. Vì thế, các DN ngành này không những phải tự nâng cao năng lực của mình mà còn phải có những biện pháp mở rộng thị trường, tìm kiếm thêm những thị trường mới để tận dụng thời cơ.

Báo cáo của VCBS đã chỉ ra, Nhật Bản tuy khó tính nhưng lại là thị trường rất tiềm năng khi nhu cầu các sản phẩm nhựa hàng năm vào khoảng 8 tỷ USD. Ngoài ra, nhu cầu NK sản phẩm nhựa tại thị trường châu Âu (EU) vẫn ở mức cao và các DN cũng có khả năng thâm nhập tốt, nhất là nhu cầu về ống nhựa. Đặc biệt, tại thị trường EU, sản phẩm nhựa của Việt Nam không bị áp thuế chống bán phá giá từ 8-30% như các nước châu Á khác như Trung Quốc. Đây là điều kiện thuận lợi để các DN nhựa Việt Nam tăng cường XK vào thị trường này.