Doanh nghiệp FDI gánh chi phí cao, thiếu lao động gây đứt gãy sản xuất

Báo Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

Nidec Sankyo - doanh nghiệp tổ chức sản xuất 3 tại chỗ trong Khu Công gnhệ cao TPHCM. Ảnh: Đức Long.


Chi phí phát sinh tăng cao

Theo bà Hồ Thị Tú Uyên - đại diện Công ty Intel đóng tại Khu Công nghệ cao TPHCM, do ảnh hưởng dịch COVID-19, doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất theo phương án “một cung đường hai điểm đến”, với gần 1.870 lao động trực tiếp và 1.500 gián tiếp. Tính từ ngày 15.7 đến 15.8, chi phí phát sinh của Intel Việt Nam là khoảng 140 tỉ đồng, nếu kéo dài tới 15.9 có thể nhiều hơn gấp đôi con số trên.

Cũng theo bà Uyên, hiện nhà máy Intel tại Việt Nam chiếm vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn này. 6 tháng đầu năm, Intel Việt Nam xuất khẩu chiếm 64% tổng kim ngạch của Khu Công nghệ cao TPHCM và chiếm khoảng 30% giá trị xuất khẩu của thành phố.

Trường hợp Công ty Jabil Việt Nam cũng tương tự, một trong những khó khăn lớn nhất cũng chính là chi phí phát sinh trong việc thực hiện sản xuất theo phương án “một cung đường hai điểm đến”. Mức chi phí này trung bình khoảng 4 tỉ đồng mỗi ngày.

Thế nhưng, công suất hoạt động dưới 30% khiến cho doanh thu của công ty mất khoảng 60 triệu USD mỗi tháng. Doanh nghiệp hiện không thể giao hàng đúng hạn hợp đồng từ đó số lượng đơn hàng đã mất khoảng 200 triệu đô la.

“Nếu tiếp tục kéo dài như thế này thì công ty có rủi ro phải thu hẹp quy mô kinh doanh ở Việt Nam” - đại diện Jabil Việt Nam cho biết tại cuộc họp.

Đại diện một công ty có vốn đầu tư của Italia cho biết, hiện tại, doanh nghiệp này có tốc độ giảm thu nhập nhân viên là 60% so với trước đây, nhân lực giảm 70%, doanh số giảm 60%. Dây chuyền sản xuất không dễ dàng tìm người thay thế trong lúc này. Những người có gia đình, có ba mẹ già, con trẻ vốn có kinh nghiệm thì không thể bỏ nhà vào nhà máy tham gia mô hình 3 tại chỗ.

“Chi phí phát sinh khi thực hiện mô hình này nếu kể ra có thể dài hơn 1 trang A4” - vị đại diện này nói.

Kiến nghị thúc đẩy sớm tiêm vaccine

Đại diện công ty Intel Việt Nam kiến nghị, thành phố sớm triển khai tiêm vaccine mũi 2 cho lực lượng lao động tại các khu công nghiệp và khu chế xuất.

“Hiện Intel đã có 86% người lao động đã tiêm mũi 1. Chúng tôi mong thành phố ưu tiên tiêm mũi 2 cho người lao động trong khu công nghệ cao từ đó cho phép người lao động đi làm trở lại kéo năng suất quý 4 tăng bù cho cả năm” - bà Uyên nói.

Phía Intel cũng kiến nghị cho phép người lao động của doanh nghiệp đang ở vùng xanh đã tiêm mũi 1 thực hiện sản xuất hai tại chỗ. Người lao động cam kết tuân thủ với doanh nghiệp về 5K, doanh nghiệp có xe chung đưa đón và kiểm soát, về lâu dài đỡ tốn kém cho doanh nghiệp, người lao động bớt lo và hạn chế tác động đến năng suất lao động.

Theo Công ty Jabil Việt Nam, quy định về việc tiêm vaccine cần linh hoạt. Thời gian qua có tình huống là Khu Công gnhệ cao có vaccine nhưng lại thiếu đội ngũ y tế để tiêm kịp thời. Đại diện doanh nghiệp kiến nghị có cơ chế cho doanh nghiệp trả tiền dịch vụ tiêm vaccine, hoặc doanh nghiệp có thể nhận được vaccine hỗ trợ từ công ty mẹ.

"Hiện nay chúng tôi có 200 nhân viên được tiêm 2 mũi rồi mà vẫn phải thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến”, đại diện Jabil cho biết, và kiến nghị rằng cần có chính sách thực hiện về hộ chiếu vaccine.

Bên cạnh đó, các thủ tục hải quan về thông quan hàng hóa, sản phẩm phòng chống dịch như khẩu trang N95 cũng được doanh nghiệp này nêu ra, rằng yêu cầu “chống dịch như chống giặc” nhưng thời gian thủ tục để lấy được hàng quá lâu, mất đến 2 tuần.