Doanh nghiệp chủ động dự trữ nguyên liệu cho sản xuất

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai đã tìm thêm nhiều nguồn cung nguyên liệu và chủ động tăng dự trữ nguồn hàng để đảm bảo hoạt động sản xuất. Như vậy, các DN sẽ giảm bớt được rủi ro khi chuỗi cung ứng đầu vào bị gián đoạn, đồng thời đảm bảo thực hiện các đơn hàng đã ký kết với đối tác.

Đồ họa thể hiện kim ngạch nhập khẩu của Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm 2021. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện kim ngạch nhập khẩu của Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm 2021. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Theo Sở Công thương, trong 6 tháng đầu năm 2021, các DN trên địa bàn tỉnh nhập khẩu gần 9,7 tỷ USD, chiếm khoảng 5% kim ngạch nhập khẩu của cả nước và tăng gần 42% so với cùng kỳ năm trước. Những mặt hàng Đồng Nai nhập khẩu đa số là nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, các DN tăng mua nguồn nguyên liệu trong nước.

* Tìm nguồn cung từ nhiều nơi

Trong những tháng đầu năm 2021, DN ở Đồng Nai nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn so với năm trước đó, nhưng tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên các DN buộc phải chủ động tìm thêm nhiều nguồn cung nguyên liệu khác nhau cả trong nước, nước ngoài để đảm bảo cho sản xuất. Nếu trước đây, số đông DN chỉ tập trung mua nguyên liệu từ Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Hàn Quốc thì hiện các DN đã mở rộng ra các thị trường: ASEAN, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống Nhất, châu Âu, Hoa Kỳ... Bên cạnh đó, nhiều DN tìm được sản phẩm đầu vào ở thị trường nội địa.

Ông Bùi Thế Kích, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai cho biết: “Trước đây, công ty chủ yếu mua nguyên liệu ở thị trường Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc. Nhưng đầu năm 2020, khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, nguồn cung sản phẩm đầu vào khan hiếm, công ty đã tìm thêm đối tác cung cấp nguyên liệu từ Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Đức. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, đơn đặt hàng may mặc tăng cao nhưng công ty không lo nhiều đến nguyên liệu đầu vào”.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, những mặt hàng các DN ở Đồng Nai nhập khẩu nhiều trong 6 tháng đầu năm nay để dự trữ cho sản xuất là chất dẻo với gần 950 triệu USD, hóa chất hơn 914 triệu USD, sắt thép các loại 633 triệu USD... Đây đều là những mặt hàng cần rất nhiều cho sản xuất công nghiệp ở nhiều lĩnh vực.

Cũng theo ông Kích, công ty tìm thêm các nhà cung ứng vải, phụ liệu cho may mặc từ những DN trong nước. Có những lô hàng xuất khẩu, nguyên phụ liệu mua trong nước đạt 50-60%.

Đến nay, đại dịch Covid-19 trên toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm ở nhiều nước vẫn tăng cao, sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, các công ty cũng tính toán kỹ lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, từ các đơn hàng đã ký kết, DN tìm cách đa dạng đối tác cung ứng sản phẩm đầu vào trong nước, nước ngoài để tránh lệ thuộc vào một vài thị trường, khi xảy ra bất trắc trở tay không kịp.

Vấn đề trên không riêng với DN ở Đồng Nai mà DN cả nước và nhiều quốc gia khác cũng đã vướng phải trong năm 2020. Các tập đoàn lớn trên thế giới đều đã ngồi lại tính toán phân bổ lại các chuỗi cung ứng để tránh phụ thuộc quá lớn vào vài thị trường, khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh ở những thị trường này, chuỗi cung ứng dễ bị đứt đoạn, ảnh hưởng đến hàng loạt các nhà máy sản xuất khác trên thế giới.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam chia sẻ: “Vật tư cho ngành giày dép, túi xách của Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc nên tháng 2-2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nước này, nhiều nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu ở Trung Quốc phải tạm dừng hoạt động dẫn đến nhiều DN giày dép, túi xách ở Việt Nam điêu đứng vì thiếu nguyên liệu sản xuất. Sau đó, các DN ngành giày dép, túi xách ở Việt Nam đã vất vả tìm nguồn vật tư từ nhiều nước khác nhau”.

Doanh nghiệp Nhựa lo bị 'triệt tiêu' trước yêu cầu tăng thuế của Bộ Tài chính
Thời gian qua, rất nhiều ngành hàng rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu nên rất cần đa dạng nguồn cung như các ngành hàng: dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, máy tính, linh kiện điện tử, chất dẻo, hóa chất... Thực tế, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cũng phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu thô từ Trung Quốc.Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ngắn, để tìm được nguồn vật tư từ những thị trường khác thay thế không dễ, các DN phải chờ đợi thêm 2-4 tháng. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu mua từ các thị trường khác thường cao hơn so với mua từ Trung Quốc, nhưng các DN vẫn chấp nhận để đảm bảo các đơn hàng.

* Tăng dự trữ nguyên vật liệu

Bên cạnh việc đa dạng nguồn cung đầu vào thì các DN tăng số lượng hàng dự trữ để phục vụ cho sản xuất lâu dài. Trong đó, có những tập đoàn, DN mạnh về tài chính chọn phương án mở thêm các công ty trực thuộc, chuyên sản xuất nguyên vật liệu để tạo thành quy trình hoàn thiện sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Thực phẩm GC ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom) cho biết: “Hiện nay, GC là công ty chế biến và cung cấp sản phẩm nha đam lớn nhất Việt Nam. Sản phẩm của công ty chủ yếu bán cho Vinamilk, NutiFood và xuất khẩu sang nhiều nước. GC đã thành lập thêm 3 DN nữa để tạo thành chuỗi cung ứng nguyên liệu dự trữ lớn đáp ứng đủ cho các đơn hàng trong thời gian dài. Đồng thời, các công ty liên kết đầu tư thêm những sản phẩm khác như thạch dừa...”.

Công ty TNHH Hoàn Mỹ (H.Vĩnh Cửu) dự trữ sẵn nguồn nguyên liệu lớn để phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu. Ảnh: Hương Giang
Công ty TNHH Hoàn Mỹ (H.Vĩnh Cửu) dự trữ sẵn nguồn nguyên liệu lớn để phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu. Ảnh: Hương Giang

Cũng có tập đoàn chọn liên kết với các tập đoàn, DN khác đề nghị họ đầu tư nhà máy chuyên sản xuất những sản phẩm đầu vào cho mình và sẽ bao tiêu sản phẩm. Cách làm này giúp các tập đoàn chỉ tập trung vào một vài khâu chủ chốt và hoàn thiện sản phẩm, giảm bớt được vốn đầu tư, nhưng vẫn có đủ vật tư để sản xuất lâu dài hoặc nâng công suất.

Đơn cử như Tập đoàn Samsung, muốn tăng nguồn cung và dự trữ vật tư để đảm bảo sản xuất, xuất khẩu nên đã đề xuất một số DN có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư nhà máy mới. Cụ thể, đầu năm 2021, có 2 tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở Đồng Nai để bán hàng cho Samsung. Trong đó, Tập đoàn Hansol Technics đầu tư dự án 100 triệu USD để xây dựng nhà máy chuyên sản xuất, lắp ráp module hiển thị tinh thể lỏng, bản mạch điện tử với công suất 10,8 triệu sản phẩm/năm; Tập đoàn Intops đầu tư dự án 30 triệu USD, sản xuất vỏ thiết bị điện tử, linh kiện điện, điện tử từ nguyên liệu nhựa, công suất 400 tấn sản phẩm/năm.

Ông Lee Sam, Giám đốc Công ty TNHH Men-Chuen Việt Nam (ở Khu công nghiệp Giang Điền, H.Trảng Bom) nói: “Công ty sản xuất các loại sợi vải cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, ngành dệt may Việt Nam phục hồi khá tốt, nhu cầu mua nguyên liệu vải, sợi trong nước lớn, thị trường xuất khẩu cũng sáng sủa hơn nên công ty nhận được các đơn đặt hàng khá lớn. Công ty đã chủ động mua lượng lớn nguyên liệu để dự trữ cho sản xuất, giảm bớt rủi ro khi nguồn cung khan hiếm. Đồng thời, tránh được giá nguyên vật liệu có thể biến động theo chiều hướng tiếp tục tăng, sẽ ảnh hưởng đến các đơn hàng đã chốt giá bán với khách hàng”.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, giá các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao, mức tăng từ 30-80%, cá biệt có những mặt hàng tăng 100%. Vì thế, những DN nhỏ không có vốn lớn để dự trữ vật tư đầu vào gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, do có những đơn hàng đã chốt giá bán với khách trước khi nguyên liệu tăng giá. Những DN có vốn lớn cho biết, họ đã mua sẵn nguyên liệu để sản xuất trong 4-8 tháng, thay vì chỉ mua dự trữ từ 1-2 tháng như trước đây.

Hương