Đến Tri Bác học kinh nghiệm tái chế xốp trắng

ThienNhien.Net – Rác thải từ xốp trắng có thành phần chính là Polystyrene (PS) thường được sử dụng làm hộp đựng đồ ăn nhanh, lớp đệm đồ điện tử, điện lạnh và sản phẩm cần chống va đập.

Nhu cầu sử dụng xốp trắng tăng mạnh khiến mối đe dọa của loại rác thải này với môi trường cũng theo đó gia tăng. Tuy nhiên, từ thành phố Tri Bác, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, loại rác thải này đã vươn ra thị trường thế giới, trở thành món đồ được ưa chuộng đối với rất nhiều người nước ngoài.

Để làm được điều này, Công ty tài nguyên tái sinh Anh Khoa, Sơn Đông (INTCO) đã sử dụng công nghệ cao để thu hồi vô hại, tái sinh hiệu quả loại rác thải nêu trên và gia công, sản xuất thành các sản phẩm nhựa giả gỗ như: khung tranh, khung ảnh, khung gương, ván ốp trần nhà, ván ốp chân tường, ván lát sàn nhà… với nhiều loại kích cỡ, màu sắc, hoa văn trang trí khác nhau.

Công nhân INTCO xử lý sản phẩm trước khi đóng gói.

Công nhân INTCO xử lý sản phẩm trước khi đóng gói. Ảnh: Vĩnh Hà

Hội tụ những ưu điểm như: độ bền cao với tính năng chống thấm nước, chống ăn mòn, chống mối mọt, có khả năng chịu nhiệt hoặc ẩm thấp; rất tiện lợi với công nghệ giả gỗ… như thật; kiểu dáng đẹp, kích cỡ đa dạng; giá thành thấp; tạo hiệu quả bảo vệ môi trường; có thể tuần hoàn tận dụng, vì vậy sau khi ra đời, loại “vật liệu mới” được tái sinh từ rác thải bằng xốp, nhựa đã dần trở thành vật liệu thay thế lý tưởng cho các loại sản phẩm tương tự được làm từ chất liệu gỗ truyền thống.

Khi đến thăm phân xưởng sản xuất khung nhựa giả gỗ của công ty này, phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh quan sát thấy quy trình sản xuất cơ bản như sau: rác thải từ nhựa, xốp được nghiền vụn, lọc bỏ tạp chất sau đó được tạo thành hạt nhựa có kích cỡ như hạt đậu đen bằng các máy tạo hạt; từ nguyên liệu này tạo thành khung nhựa thô sau khi trải qua một loạt quy trình công nghệ như nén ép, nung chảy, dập khuôn…; khung nhựa thô được dát lớp viền trang trí, tạo hoa văn, sơn màu sắc khác nhau để cho ra thành phẩm. Trong phân xưởng này có hơn 100 dây chuyền sản xuất nhưng cơ bản tự động hóa, công nhân ở đây tương đối ít, trung bình 5 – 6 dây chuyền thì có một tổ trưởng điều hành sản xuất. Toàn nhà máy có khoảng 1.300 công nhân, tuy nhiên chủ yếu tập trung tại phân xưởng lắp ráp, đóng gói.

Chủ tịch Hội đồng quản trị INTCO Lưu Phương Nghị cho biết khả năng tiêu thụ rác thải từ nhựa, xốp của công ty hiện nay khoảng 50.000 tấn/năm. Nguồn nguyên liệu đa phần nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là Mỹ do nước này có công ty thu gom rác thải một cách chuyên nghiệp. Sản phẩm từ rác thải tái sinh của công ty nhận được sự đánh giá cao của thị trường trong nước, nước ngoài, trong đó gần 90% sản phẩm được xuất khẩu, tiêu thụ tại hơn 80 nước trên thế giới, đặc biệt là tại các nước Bắc Mỹ.

INTCO dự kiến đầu tư thêm 2,5 tỷ nhân dân tệ (NDT) để mở rộng quy mô sản xuất. Dự án sẽ được khởi công vào tháng 3/2017, sau khi hoàn thành mức tiêu thụ rác thải nhựa, xốp của công ty được nâng lên mức 100.000 tấn/năm; doanh thu đạt khoảng 500 triệu/năm, trong đó lợi nhuận đạt 60 triệu NDT và nộp thuế 15 triệu NDT/năm. Theo tính toán, nguồn tiêu thụ nguyên liệu tái sinh này sẽ “cứu” 10 triệu cây khỏi bị chặt phá để làm ra lượng sản phẩm tương tự. Những đóng góp của INTCO trong việc tận dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, tuần hoàn kinh tế đã được chính quyền các cấp tỉnh Sơn Đông và dư luận xã hội Trung Quốc khẳng định, ghi nhận với nhiều danh hiệu, giải thưởng khác nhau.

Mô hình của INTCO đã kết hợp chặt chẽ giữa rác thải và nghệ thuật, biến rác thải thành đồ dùng hữu hiệu, giảm tải được không ít gánh nặng trong công tác bảo vệ môi trường sinh thái.